Những doanh nhân vượt sóng gió thương trường
(QT Xuân) - Dân gian có câu: “ Một người lo bằng kho người làm ”, đó là muốn khẳng định vai trò thủ lĩnh, trách nhiệm và hiệu quả của người đứng đầu trước công việc đang gánh vác. Giữa không khí rạo rực đón xuân Ất Mùi, Báo Quảng Trị giới thiệu đến độc giả chân dung một số doanh nhân dám nghĩ, dám làm, biết đương đầu với rủi ro để vượt qua thử thách mang lại sự thành công trên hành trình sản xuất kinh doanh đầy gian khó, nhọc nhằn. “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua nhưng không bằng ngày mai” Tôi sự ấn tượng về phong thái quản lý cũng như tinh thần trách nhiệm với công việc của Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ MDF- VRG Quảng Trị Cao Thanh Nam. Bởi muốn gặp anh là cứ tìm đến hiện trường sản xuất chứ ít khi thấy anh ngồi tại “phòng lạnh”. Con người anh áo quần lúc nào cũng xộc xạch và lấm lem dầu mỡ. Dịp tháng 5/2014 vừa rồi, tôi gặp anh giữa bời bời cát trắng Quán Ngang với khuôn mặt đen sạm vì nắng gió. Đó là lúc anh đang trực tiếp chỉ đạo thi công hợp phần lắp đặt nhà xưởng dây chuyền II, nhà máy gỗ MDF tại KCN Quán Ngang (Gio Linh). Anh Nam hồ hởi cho biết: “Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Cao su Việt Nam, bắt đầu từ tháng 8/2013, dây chuyền II của nhà máy được thi công trên diện tích 20 ha, công suất 120.000 m3/năm với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng. Đây là nhà máy có công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á với dây chuyền ép liên tục, sản phẩm gỗ dày 20-30 mm, chiều rộng 9 FR. Để tiết kiệm chi phí, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng và tạo thêm việc làm cho CB-CNV lao động, công ty đã huy động đội ngũ chuyên gia, cán bộ và phương tiện máy móc tự có để đảm nhận thi công mặt bằng và xây dựng hệ thống phụ trợ nên đã tiết kiệm được hơn 30% chi phí…”.
 |
Sản phẩm Ilmenite hoàn nguyên |
Tìm hiểu kỹ hơn tôi biết thêm rằng, riêng hợp phần mặt bằng nhà xưởng trị giá gần 150 tỷ đồng và để giảm được chi phí đầu tư nếu hợp đồng với các nhà thầu thi công thì anh Nam đã quyết định sử dụng lao động “tại chỗ”, tức là đưa cán bộ kỹ thuật và công nhân của nhà máy ra Quán Ngang trực tiếp thi công mà Tổng giám đốc Cao Thanh Nam là Tổng chỉ huy công trường. Nhờ đó, riêng hợp phần mặt bằng nhà xưởng của dây chuyền II, anh Nam và các cộng sự đã làm lợi cho công ty khoảng 45 tỷ đồng, một khoản tiền không nhỏ trong thời buổi “gạo châu, củi quế” này. Giờ đây khi Công ty đạt doanh thu gần 392 tỷ đồng/năm 2014 và tổng lợi nhuận đạt trên 38 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,3 triệu đồng/người/tháng nhưng anh Cao Thanh Nam vẫn luôn nhớ về thời buổi ban đầu với vô vàn khó khăn. Tiếp quản nhà máy MDF với nhiều hệ lụy về quản lý đầu tư và có người phải vướng vòng lao lý nên ai cũng nghĩ rằng nhà máy sớm muộn gì cũng phá sản khi đang nợ 200 tỷ đồng vốn đầu tư và nợ vốn vay lưu động 50 tỷ đồng. Công việc đầu tiên mà anh Nam làm lúc bấy giờ là tự mày mò để thay đổi công nghệ hoàn lưu nguồn nước tái sử dụng vào sản xuất (phương pháp không xả nước ra môi trường). Chi phí đầu tư cho công nghệ này khoảng 100 triệu đồng nhưng khi áp dụng thành công mỗi tháng công ty tiết kiệm chi phí nguồn nước 60 triệu đồng và không tốn chi phí mua hóa chất xử lý 300 triệu đồng/tháng. Tiếp theo là những chiến lược táo bạo, đặc biệt là chiến lược về nhân sự, chiến lược đẩy mạnh sản xuất và tìm kiếm thị trường. Nhờ cải tiến quy trình công nghệ để tăng chất lượng sản phẩm, tăng công suất, giảm chi phí, hạ giá thành nên định mức tiêu hao trên 1 m3 gỗ xuống thấp (bụi, phế thải…) được cải thiện. Đối với đến chiến lược con người, trước hết là việc chủ động tăng lương để kích thích tính sáng tạo và sự đam mê gắn bó với công việc của đội ngũ cán bộ kỹ thuật và người lao động. Đặc biệt là mạnh dạn sắp xếp lại từng cá nhân ở từng vị trí công việc, giao cho họ một công việc cụ thể, đúng với trình độ chuyên môn để chứng minh năng lực của mình…Còn đối với Công ty là chú trọng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và hướng đến khách hàng theo phương châm “Chất lượng vượt trội, giá cả phù hợp, dịch vụ thỏa đáng” để thu hút và níu giữ bạn hàng không chỉ trong nước mà cả thị trường châu Âu, Trung Đông giàu tiềm năng nhưng khắt khe và đầy biến động. Do vậy từ một doanh nghiệp bên bờ vực phá sản nhưng sau gần 5 năm chèo lái anh Nam đã đưa công ty vượt qua sóng gió thương trường để có sự tăng trưởng vượt bậc. Sau khi dây chuyền II hoàn thành và đi vào hoạt động thì doanh thu của công ty sẽ đạt 1.300 tỷ đồng/năm, đóng góp ngân sách cho địa phương 75 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho 2.000 lao động. Khép lại năm 2014, anh Nam tự tin khoe với tôi rằng đây là năm đầu tiên mà CB-CNV và người lao động của công ty có thu nhập cao nhất từ trước đến nay. Và với bản chất cần cù, cầu tiến của người con xứ Nghệ, anh Nam cũng không quên nhắc lại điều mà anh thường nói với tôi rằng: “Ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua nhưng không bằng ngày mai”. “Nếu không làm ra 60 tỷ, công ty sẽ phá sản” Nhận được cú điện thoại mời dự hội nghị tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh từ ông Lê Vĩnh Thiều, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị trong lúc bộn bề công việc những ngày cuối năm nhưng tôi vẫn cố gắng thu xếp để ra với ông, nâng chén rượu tiễn một năm đầy sóng gió đối với những doanh nghiệp kinh doanh khoáng sản.
 |
Sản phẩm gạch không nung của Công ty CP Thiên Tân |
Tôi đã từng sống trong niềm cảm khái rồi hứng khởi gắn cho công việc của ông Thiều là “Đem cát đổi Dollars”. Đó là câu chuyện cách đây 2 năm về trước khi thị trường khoáng sản titan đang lên “cơn sốt”. Nhưng từ năm 2013 và đặc biệt là 2014, khoáng sản ti tan phải chịu cảnh “trả lái” đầy bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này phải lâm cảnh lao đao. Đối với Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị, năm 2014 là năm gặp nhiều khó khăn nhất. Sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng hóa tồn kho với số lượng lớn có lúc lên đến vài trăm tỷ đồng. Trong hoàn cảnh đó, muốn “trụ hạng” thì đích thân giám đốc cùng hội đồng quản trị phải vắt óc để giải ra bài toán khó. Đầu tiên là việc không hề mong muốn là cho nghỉ việc tạm thời hơn 100 công nhân ở nhà máy hoàn nguyên tại KCN Quán Ngang. Sau đó là sắp xếp, tổ chức lại hoạt động sản xuất để đảm bảo ngày công cho người lao động và giữ được sản lượng sản xuất dự phòng lúc thị trường cần. Cho dù giá bán sản phẩm ti tan hoàn nguyên trên thị trường rớt nghiêm trọng nhưng quan điểm của ông Thiều là không bán phá giá. Chấp nhận trả lãi vay ngân hàng nhưng sản phẩm vẫn giữ “nguyên đai, nguyên kiện” ở trong kho chờ khi thị trường lên giá mới tung ra bán. Đây chính là “chiêu” mà ông Thiều học được từ mấy người bạn kinh doanh gỗ từ thị trường Lào về Việt Nam. Nói vậy nhưng tôi biết được tư duy kinh doanh của nhà “khoáng sản học” Lê Vĩnh Thiều xuất phát từ quan niệm nhất quán rằng, khoáng sản là loại tài nguyên không thể tái tạo lại nên không thể ăn xổi mà phải biết chắt chiu trong khai thác, chế biến để tránh cạn kiệt. Bên cạnh đó việc đầu tư công nghệ mới để giảm thiểu tác động đến môi trường và tăng giá trị lợi nhuận là mối quan tâm hàng đầu. Vì thế mà Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị là đơn vị đi tiên phong về đầu tư công nghệ chế biến sâu. Đó là nhà máy Ilmenite hoàn nguyên công suất 20.000 tấn/ năm và nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 4.500 tấn/ năm trên diện tích 5,3 ha tại KCN Quán Ngang. Đây là nhà máy chế biến Ilmenite hoàn nguyên lớn nhất ở Việt Nam hiện nay với mức đầu tư gần 100 tỷ đồng, được xây dựng theo công nghệ lò liên tục. Hiện nay nhà máy đưa vào hoạt động và làm tăng giá trị thương phẩm của sa khoáng Ilmenite lên 7-8 lần. Trở lại câu chuyện về xây dựng nhà máy với những quyết định đầy táo bạo của giám đốc Lê Vĩnh Thiều là đi vay vốn ngân hàng để xây dựng chứ không huy động từ nguồn đóng góp của cổ đông. Nói táo bạo là bởi huy động từ cổ đông thì tỷ lệ rủi ro thấp hơn vay vốn ngân hàng nếu nhà máy hoạt động không hiệu quả. Vậy nhưng ông đã mạnh dạn vay trên 50 tỷ đồng để xây dựng nhà máy để tránh nợ nần cho cổ đông. Sau khi nhà máy hoàn thành, công ty đã hợp tác với Tập đoàn Kim Tín để sản xuất ra que hàn trong mối liên doanh đôi bên cùng có lợi nhưng vấn đề quan trọng của sự liên doanh này là tạo ra dãy chế biến sâu để làm ra những sản phẩm hữu ích cuối cùng phục vụ cho ngành công nghiệp theo đúng định hướng phát triển của Chính phủ. Rõ ràng việc đầu tư các nhà máy chế biến sâu của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị đã thúc đẩy sự đầu tư của các doanh nghiệp khác để sử dụng sản phẩm chế biến sâu từ sa khoáng ti tan thành các sản phẩm công nghiệp. Dây chuyền sản xuất que hàn tại KCN Quán Ngang với công suất 7.200 tấn que hàn/năm (chưa bao gồm vật liệu thuốc bọc que hàn) là một minh chứng và mang lại nhiều triển vọng bởi nhà máy có thị trường tiêu thụ tại các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên và các nước trên tuyến Hành lang Kinh tế Đông-Tây. Dẫu phải đang gồng mình để chống chọi với những sóng gió của thương trường nhưng kết thúc năm 2014, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị vẫn để lại những dấu ấn đậm nét trong lòng mỗi cán bộ, công nhân của công ty. Cho dù doanh thu năm 2014 chỉ đạt gần 170 tỷ đồng so với 235 tỷ đồng năm 2013 nhưng lương bình quân của người lao động vẫn có sự tăng trưởng là 4.574.926 đồng so với 4.513.000 đồng năm 2013. Ngoài ra công ty còn tham gia hỗ trợ cộng đồng dân cư 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ Quỹ vì người nghèo, Đền ơn đáp nghĩa 1 tỷ đồng, xây dựng công trình phúc lợi tại các địa phương 1,8 tỷ đồng…Vậy nên hôm gặp nhau tại hội nghị tổng kết, tôi nói đùa với ông Thiều rằng dẫu phải gặp nhiều khó khăn nhưng “đội bóng” của anh vẫn “trụ hạng” thành công. Ông Thiều khí khái nói rằng: “Nếu không làm ra 60 tỷ một năm công ty sẽ phá sản”. Thì ra đó là khoản chi “bất di bất dịch” gồm trả lương cán bộ, công nhân 35 tỷ đồng, thuế 13 tỷ đồng, nộp bảo hiểm 5,3 tỷ đồng và các khoản hỗ trợ xã hội khác…mà bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn tồn tại thì phải gánh vác. Tìm hiểu về câu chuyện sản xuất kinh doanh năm 2014 của Công ty CP Khoáng sản Quảng Trị, tôi được biết thêm rằng đây là năm đầu tiên mà HĐQT công ty quyết định không phân chia lợi nhuận cuối năm cho cổ đông để dành khoản kinh phí này khen thưởng, hỗ trợ cho công nhân lao động trong dịp tết, kể cả những lao động đã cho nghỉ việc từ giữa năm 2014. Qua đó thấy được tinh thần trách nhiệm của công ty đối với người lao động trong thời buổi khó khăn. Ông Lê Vĩnh Thiều cho chúng tôi biết về những định hướng sản xuất kinh doanh năm 2015 như sau: “Tiết kiệm chi phí, hạ giá thành các hợp đồng kinh tế; tìm kiếm thêm thị trường và chủ động hướng đến thị trường bán lẻ các sản phẩm hàng hóa; mở thêm ngành nghề khai thác, kinh doanh đá xây dựng và triển khai dự án hợp tác trồng cây trên cát…” Chủ động đi trước, đón đầu bằng cách làm ra những sản phẩm mới Từ một doanh nghiệp chuyên sản xuất đá làm vật liệu xây dựng, trong mấy năm trở lại đây, Công ty CP Thiên Tân đã linh hoạt đa dạng hóa các ngành nghề kinh doanh như sản xuất ngói lợp, gạch Block, gạch Terrazo, Dolomite, Super Canxi, bột Asphal, đặc biệt là nhanh nhạy và mạnh dạn đi tiên phong xây dựng nhà máy gạch không nung đưa vào hoạt động vào tháng 8 năm 2013. Sản phẩm mới gạch không nung của công ty đang được thị trường ưa chuộng bởi ưu điểm về chất lượng và giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường trong sản xuất. Với quy mô công suất 50 triệu viên/năm, tổng số vốn đầu tư 22 tỷ đồng (giai đoạn 1 là 1,5 tỷ đồng tương đương với 20 triệu viên/năm) và năm 2014, kế hoạch sản xuất của công ty là 24 triệu viên. Một ngày cuối năm tôi được anh Dương Văn Sơn, giám đốc công ty say sưa “hùng biện” về sản phẩm mới này: Ở trong một thế giới hướng đến tăng trưởng xanh, với mục tiêu ưu tiên là bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên nên hiện nay gạch xây không nung được phát triển rộng rãi khắp thế giới, ở một số nước phát triển đã thay thế gần như hoàn toàn cho gạch nung. Rõ ràng, từ góc độ tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, việc đẩy mạnh sản xuất gạch không nung là giải pháp hợp lý và hiệu quả. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, các nhà sản xuất vật liệu xây dựng cũng như các chủ đầu tư và người dân vẫn đang tiếp cận gạch xây không nung với nhiều e ngại. Tuy nhiên với xu hướng đô thị hóa ngày càng lớn và nhu cầu tất yếu của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nên nhu cầu về nguyên vật liệu xây dựng rất lớn. Ước tính, mức tiêu thụ gạch toàn quốc hiện nay khoảng 20 tỷ viên/năm và dự báo đến năm 2020 mức tiêu thụ sẽ tăng lên khoảng 40 tỷ viên/năm. Ngoài việc không sử dụng nguồn nguyên liệu từ quỹ đất canh tác nông nghiệp thì quá trình sản xuất gạch không nung là dùng lực để ép chứ không dùng than củi để đốt như gạch tuy nen nên không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó loại gạch này còn đa dạng về mẫu mã, kích thước đồng đều, chính xác, không bị cong vênh như sản phẩm gạch tuy nen truyền thống, bề mặt sản phẩm nhẵn nên tiết kiệm chi phí hồ vữa khi xây dựng công trình. Đặc biệt, nguyên liệu sản xuất gạch không nung của Công ty CP Thiên Tân chủ yếu tận dụng nguồn phế phẩm trong sản xuất chế biến đá xây dựng của công ty nên giá thành sản phẩm thấp, phù hợp khả năng tài chính của đại bộ phận nhân dân. Bên cạnh sản xuất gạch không nung và những dòng sản phẩm mới trên thị trường Quảng Trị như ngói lợp xi măng màu thì công ty còn chú trọng chiến lược quảng bá, xây dựng và phát triển thị trường; xây dựng hệ thống đại lý phân phối sản phẩm trong, ngoài tỉnh nên sản phẩm của công ty đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố ở khu vực miền Trung, trong đó thị trường tiêu thụ mạnh là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng. Với quy mô sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng, Công ty đã tạo việc làm thường xuyên và ổn định cho 251 lao động, mức thu nhập 5,5 triệu đồng/người/tháng; người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo quy định của pháp luật. Bước vào năm 2015, Công ty mang nhiều hy vọng về tình hình sản xuất kinh doanh khi đảm nhận cung ứng vật liệu xây dựng cho một số công trình lớn. Giám đốc Dương Văn Sơn phấn khích cho biết công ty đã lập các chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2015 theo đà tăng trưởng hơn so với năm 2014. Bằng sự linh động trong sản xuất kinh doanh, hy vọng công ty sẽ gặt hái nhiều thành công trong năm mới, một khi đã biết “đi tắt, đón đầu”. Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA