Niềm tin vào vắc xin COVID-19
QTO - Tại cuộc họp trực tuyến báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, sau khi thông tin khái quát về công tác phòng, chống COVID-19 của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã lưu ý đến việc đẩy mạnh tuyên truyền về tính cần thiết, hiệu quả của loại vắc xin phòng COVID-19 mới được nhập về và đang tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên để từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, đảm bảo việc tiêm chủng trên diện rộng diễn ra đúng kế hoạch. Do đây là lần đầu ...

Niềm tin vào vắc xin COVID-19

Tại cuộc họp trực tuyến báo cáo viên do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức mới đây, sau khi thông tin khái quát về công tác phòng, chống COVID-19 của Việt Nam thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã lưu ý đến việc đẩy mạnh tuyên truyền về tính cần thiết, hiệu quả của loại vắc xin phòng COVID-19 mới được nhập về và đang tiêm phòng cho các đối tượng ưu tiên để từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cộng đồng, đảm bảo việc tiêm chủng trên diện rộng diễn ra đúng kế hoạch. Do đây là lần đầu tiên Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn chưa từng có với một loại vắc xin mới nên ông Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh, công tác truyền thông lần này rất quan trọng.

Hơn 5 triệu liều vắc xin được nhập về Việt Nam vào tháng 2/2021 là một nỗ lực rất lớn của Chính phủ trong điều kiện kinh tế đất nước còn khó khăn. Việt Nam đã sớm tiến hành các thỏa thuận đặt mua vắc xin ngay từ giai đoạn rất sớm, khi đang trong quá trình nghiên cứu. Hiện nay, Bộ Y tế tiếp tục xúc tiến việc nhập vắc xin phòng COVID-19 từ các nhà sản xuất khác theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời triển khai tiêm vắc xin đúng kế hoạch và thứ tự ưu tiên. Lô vắc xin được nhập lần này do Tập đoàn dược phẩm AstraZeneca phối hợp cùng Đại học Oxford (Vương quốc Anh) nghiên cứu và sản xuất. Theo đơn vị nhập khẩu, vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca cho khả năng đáp ứng miễn dịch cao từ 62% - 90% ở các liều dùng khác nhau. Trong khi COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, việc có vắc xin giúp người dân yên tâm hơn khi đối phó với dịch bệnh, đồng thời đảm bảo mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế” của Chính phủ. Ngày mồng 8/3/2021, những mũi vắc xin đầu tiên được tiêm cho những người ở tuyến đầu chống dịch và theo kế hoạch, sẽ được lần lượt tiêm cho các đối tượng theo thứ tự ưu tiên. Từ tháng 3 đến tháng 4-5, khi lượng vắc xin được nhập về dồi dào, nguồn cung cũng sẽ tăng lên. Khi triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 ra diện rộng thì cần phải có sự đồng thuận cao trong Nhân dân mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện nay trên thế giới có hai xu hướng: Một số quốc gia đề cao vai trò của việc tiêm vắc xin COVID-19 và triển khai tiêm đồng bộ trong Nhân dân; một số quốc gia coi vắc xin không cần thiết mà đề cao sự miễn nhiễm trong cộng đồng. Tại Việt Nam, cơ bản người dân đều ghi nhận những nỗ lực của Đảng, Nhà nước trong việc nhập vắc xin COVID-19 về nước. Trước hậu quả nặng nề do vi rút SARS-Cov-2 mang đến cho nhân loại, thì việc nghiên cứu ra vắc xin phòng COVID-19 là nỗ lực phi thường của các nhà nghiên cứu trên thế giới. Trong lịch sử nghiên cứu vắc xin, đây là vắc xin phát triển nhanh nhất, sản xuất nhanh nhất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số người còn hoài nghi về tính hiệu quả của loại vắc xin này mà nguyên nhân là do lo sợ về sự rủi ro trong tiêm chủng hoặc cho rằng COVID-19 chỉ thực sự nguy hiểm với những người tuổi cao, sức yếu và có nhiều bệnh nền. Thậm chí, có người còn quan niệm rằng COVID-19 ở rất xa nơi mình sinh sống nên không đáng lo ngại. Ngoài ra, trên thế giới và ở Việt Nam có không ít người theo đuổi phong trào anti vắc xin (nói không với vắc xin). Phong trào này đã làm lây lan những bệnh dịch có thể ngừa, vì thế WHO đã xếp tình trạng lưỡng lự hoặc từ chối tiêm vắc xin vào danh sách 10 mối đe dọa sức khỏe toàn cầu năm 2019. Tất nhiên, bất cứ loại vắc xin nào cũng không phải đảm bảo 100% hiệu quả phòng, chống dịch và đều có những xác xuất rủi ro xảy ra nhưng không vì thế mà nghi ngờ dẫn đến nói không với vắc xin. Ts.Takeshi Kasai, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương từng phát biểu rằng: “Chúng ta chưa biết khi nào COVID-19 sẽ kết thúc. Trên toàn thế giới, số người mắc COVID-19 đã vượt quá con số 100 triệu ca, trong đó hơn 2 triệu người đã tử vong. Đây không đơn thuần là những con số mà là con người. Mỗi người đều có danh tính và mang một câu chuyện, mỗi một tên gọi đều là cha, là mẹ, là con, là anh chị em hay cha mẹ của người khác”. Để thấy rằng, với hậu quả nặng nề mà COVID-19 mang đến cho nhân loại và trong khi dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát thì sự xuất hiện, can thiệp của vắc xin chắc chắn vẫn là hy vọng tốt nhất để đánh bại đại dịch này.

Vấn đề đặt ra là một khi vắc xin mới được chính phủ các quốc gia chấp thuận và sử dụng, thì điều quan trọng là cần phải chủng ngừa vắc xin càng nhiều càng tốt cho những đối tượng nguy cơ cao cũng như những người có khả năng lây truyền dịch bệnh ra cộng đồng. Không chỉ ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo, giới chức y tế một số nước trên thế giới cũng đang cố gắng xây dựng niềm tin vào vắc xin. Một số chính trị gia đã được tiêm vắc xin trước ống kính máy quay để khuyến khích sự đồng thuận của người dân.

Hiện nay, việc tiêm vắc xin COVID-19 ở Việt Nam diễn ra tương đối an toàn, các trường hợp bị sốc phản vệ cũng đã được xử trí kịp thời. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố báo cáo về việc điều tra, đánh giá các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng để nắm bắt nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục trước khi tiến hành tiêm chủng trên diện rộng. Bên cạnh đó, ngành y tế cũng đưa ra khuyến cáo rằng, hiệu quả của vắc xin COVID-19 không phải đảm bảo 100% nhưng nếu đã được tiêm chủng thì mức độ bệnh (nếu bị lây nhiễm) sẽ nhẹ hơn. Vì thế, người dân không được lơ là với dịch bệnh, tiếp tục tuân thủ thông điệp 5 K của Bộ Y tế, nhất là trong điều kiện nhiều địa phương cho phép mở cửa các hoạt động công cộng hiện nay.

Hoài Nam