Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM: Quê hương là động lực, là nỗi nhớ, niềm thương…
QTO - Theo vòng quay cuộc sống, nhiều người con Quảng Trị đã rời quê hương, tìm cơ hội trên những vùng đất mới. Nhưng, dù ở đâu, làm gì, họ vẫn luôn nỗ lực vươn lên và hướng về quê hương. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM, giảng viên chính, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An ninh nhân dân về những tình cảm của mình với mảnh đất chôn nhau, cắt rốn.

Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM: Quê hương là động lực, là nỗi nhớ, niềm thương…

Theo vòng quay cuộc sống, nhiều người con Quảng Trị đã rời quê hương, tìm cơ hội trên những vùng đất mới. Nhưng, dù ở đâu, làm gì, họ vẫn luôn nỗ lực vươn lên và hướng về quê hương. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM, giảng viên chính, Phòng Quản lý nghiên cứu khoa học, Trường Đại học An ninh nhân dân về những tình cảm của mình với mảnh đất chôn nhau, cắt rốn.

Trưởng thành từ những giải thưởng

- Đầu tiên, xin chúc mừng Trung tá, Tiến sĩ Lê Hoàng Việt Lâm vừa đoạt giải B toàn quốc trong cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” lần II, năm 2022. Cảm xúc của anh như thế nào khi nhận giải thưởng này?

- Đây là giải thưởng để lại cho tôi rất nhiều cảm xúc đặc biệt. Bởi lẽ, cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” đòi hỏi một tri thức cao về lý luận. Bên cạnh đó, đây là cuộc thi uy tín, quy tụ các “bậc thầy” về lý luận và nhiều phóng viên giỏi của các cơ quan báo chí từ trung ương đến địa phương. Tôi thật may mắn và vinh dự khi có cơ hội giao lưu, trải nghiệm, học hỏi ở họ nhiều điều.

- Được biết, ngoài giải thưởng vừa nhận, anh còn có một “gia tài giải thưởng” mà nhiều người mơ ước. Đề nghị anh chia sẻ thêm về những thành quả mà mình gặt hái được?

- Năm 2001, tôi trúng tuyển vào Trường Đại học An ninh nhân dân. Đây là ngôi trường ước mơ của tôi. Chính ngôi trường này đã xây nền, vun đắp, đào luyện, giúp tôi thêm bản lĩnh, giàu năng lực, kinh nghiệm… Trong thời gian theo học ở trường, tôi đã trưởng thành hơn rất nhiều. Dấu mốc của sự trưởng thành ấy nhiều khi gắn liền với những giải thưởng.

Trong 5 năm học tập, rèn luyện dưới mái trường Đại học An ninh nhân dân, tôi nhận được tầm hơn 40 giải thưởng. Một trong những giải thưởng đáng nhớ nhất đối với tôi chính là giải Ba toàn quốc cuộc thi tìm hiểu “75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Thời ấy, máy móc, công nghệ in ấn rất thiếu thốn, chưa hiện đại như bây giờ. Thông tin, tài liệu tham khảo cũng ít ỏi. Vì vậy, tôi đã thức ngày, cày đêm để làm bài dự thi. Nhờ sự nỗ lực ấy, tôi đã lần đầu tiên được đi máy bay do ban tổ chức đài thọ để ra Hà Nội nhận giải.

Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM: Quê hương là động lực, là nỗi nhớ, niềm thương…

Sau này, khi trở thành giảng viên, tôi chủ yếu dành thời gian để hướng dẫn sinh viên, đồng nghiệp tham gia các cuộc thi, qua đó gặt hái những kết quả đáng mừng.

Đơn cử như năm 2009, tôi hướng dẫn sinh viên Trường Đại học An ninh nhân dân tham gia cuộc thi “Tầm nhìn xuyên thế kỷ”. Kết quả là sinh viên của trường đã vượt qua 76 đội và giành giải Nhất. Một năm sau đó, tôi hướng dẫn đội giảng viên của trường tham dự cuộc thi “Ánh sáng thời đại” và cũng giành giải Nhất.

Dù ít tham gia các cuộc thi với tư cách cá nhân hơn trước nhưng dường như tôi vẫn có duyên với giải thưởng. Đặc biệt, các tác phẩm dự thi về lĩnh vực xây dựng Đảng của tôi thường may mắn được ban tổ chức, ban giám khảo các cuộc thi đánh giá cao và xếp giải.

- Viết về đề tài bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đã khó, đạt giải trong các cuộc thi viết về đề tài này lại càng khó hơn. Vậy, anh đã chọn lối đi nào cho tác phẩm của mình để chinh phục cả ban tổ chức, ban giám khảo các cuộc thi lẫn độc giả?

- Tôi đến với những tác phẩm, bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng bằng lối viết nhẹ nhàng, không có bất cứ một sự gượng ép nào cả. Tôi cũng dám mạnh dạn nói thẳng, nói thật, nói đúng thực tế để tác phẩm, bài viết dễ đi vào lòng người hơn, dễ được chấp nhận hơn. Một điểm rất quan trọng để bài viết đến gần với độc giả, theo tôi, chính là việc tiếp cận những tri thức mới, sự kiện mới có tính thời sự, nóng hổi… mà độc giả quan tâm.

Chẳng hạn, khi tham dự cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” vừa qua, tôi đã chọn chủ đề “Phiếu trắng - Sự lựa chọn duy nhất đúng của Việt Nam và những “trò hề” trên mạng xã hội”.

Hay như khi Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 11/10/2022, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã “đặt hàng” tôi viết tuyến bài “Nhân quyền Việt Nam: Từ quan điểm đến sự khẳng định” với 3 bài: “Quan điểm nhất quán của Việt Nam về nhân quyền”; “Những trò hề trơ trẽn và lạc lõng”; “Sự thật không thể phủ nhận”. Tuyến bài này hiện đã được Báo Sài Gòn giải phóng gửi dự thi Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) năm 2022.

Quê hương là động lực

- Là một người Quảng Trị sinh sống và lập nghiệp ở nơi khác, quê hương có ý nghĩa như thế nào đối với anh?

- Rất nhiều. Ngay việc tôi dành sự quan tâm cho mảng xây dựng Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cũng có sự hun đúc từ quê hương.

Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM: Quê hương là động lực, là nỗi nhớ, niềm thương…

Trung tá, Tiến sĩ Hoàng Việt Lâm (ở giữa, hàng thứ nhất) nhận giải B cuộc thi viết chính luận “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch” lần thứ II - Ảnh: NVCC

Thông thường, cứ nói đến chính trị, nhiều người cảm thấy khô khan, “khó nuốt”. Tôi nghĩ rằng, người ta chỉ sợ và xa lánh những thứ gọi là “giáo điều” chứ không ai ghét lý luận cả. Và trong “hệ sinh thái” chính trị đó, tôi đặc biệt quan tâm đến xây dựng Đảng, đến bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng…

Có nhiều lý do khiến tôi quan tâm đến lĩnh vực này. Trước tiên là do nó gắn với công tác chuyên môn, với những môn học mà tôi giảng dạy. Thứ hai, tôi là một công dân, 40 tuổi đời, 19 năm tuổi Đảng… Nghĩa vụ thiêng liêng của một công dân, một đảng viên là phải bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ sự nghiệp mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng… Thứ ba, tôi rất mong muốn dùng ngòi bút để phản bác các luận điệu xấu, độc, sai trái nhằm chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất thôi thúc tôi đến với lĩnh vực này là bởi những giá trị kết tinh từ truyền thống gia đình và quê hương Quảng Trị. Ông bà nội, ngoại tôi trọn đời cống hiến cho cách mạng.

Cậu ruột tôi là liệt sĩ. Ba tôi là một đảng viên, giáo viên dạy lịch sử, dành hết thanh xuân cho sự nghiệp trồng người. Sinh ra, lớn lên ở Quảng Trị, tôi luôn thấu hiểu và thấu cảm được cái giá phải trả cho sự độc lập, tự do. Đi tuyên truyền, báo cáo nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành, tôi luôn nói về Quảng Trị và tự hào khi là người con của mảnh đất này.

- Vậy quê hương trong tiềm thức của anh như thế nào?

- Đối với tôi, Quảng Trị là nỗi nhớ, niềm thương, nơi có thứ gì đó gần gũi, yên ả, bình lặng đến kỳ lạ. Nơi ấy có dòng sông Bến Hải, có cầu Hiền Lương, có Trường Tiểu học Vĩnh Thành (nay là Hiền Thành), có Trường THPT Cửa Tùng - những địa danh, địa chỉ gắn với tôi từ thơ ấu.

Ở đó còn có những hũ dưa cà, dưa môn, củ sắn, củ khoai… mà mẹ nấu cho tôi ăn để lớn. Ở đó có những người o, người dì, người cậu… có gì ngon cũng mang cho tôi. Đó là nơi cho hạt gạo tôi ăn, ngụm nước tôi uống, là nơi đã đón nhận những bước chân chập chững đầu đời của tôi…

Tôi sinh ra trong một gia đình khó khăn. Ba mẹ tôi đều là giáo viên nhưng mẹ tôi rời bục giảng sớm. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in những giọt mồ hôi mặn chát và cả tiếng thở dài mỗi mùa tựu trường của ba mẹ. Nhà tôi nghèo, ba mẹ đã rất vất vả để nuôi ba người con ăn học.

Người Quảng Trị có câu: “Qua cơn lận đận mới thấu tận lòng nhau”. Câu nói này dường như ứng vào cuộc đời các thành viên trong gia đình tôi. Trong khó khăn, ngoài sự nỗ lực bền bỉ để vươn lên, gia đình tôi nhận được nhiều tình yêu thương, sự quan tâm, giúp đỡ của những người xung quanh. Đó là họ hàng máu mủ, ruột rà, cũng có khi là những người hàng xóm, thậm chí xa lạ.

Tôi vẫn còn nhớ những đồng tiền nghĩa tình mà mình nhận được từ những người xung quanh trước khi lên đường nhập học hay trở lại trường. Khi hay tin tôi đạt các giải thưởng lớn, từ quê, nhiều người gửi lời chúc mừng, thăm hỏi…

Nhiều lúc suy tư về cuộc đời, tôi không thể lý giải vì sao mình lại may mắn đến vậy? Và vì sao mọi người lại đối xử tốt với mình đến vậy?… Tôi sẽ không bao giờ quên những tình cảm ấy. Tôi luôn tâm niệm, dù ở đâu, làm gì cũng phải sống đẹp, sống có ích để không hổ danh là người Quảng Trị.

- Mới đây, anh đã không quản ngại hiểm nguy để bắt một tên cướp có nhiều tiền án, tiền sự. Phải chăng hành động ấy là một trong những minh chứng cho điều mà bấy lâu anh tâm niệm?

- Đúng như vậy! Câu chuyện xảy ra cách đây chưa lâu, khi đang di chuyển bằng xe ô tô trên đường Hồ Văn Huê, quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh, tôi nghe tiếng tri hô của người dân và phát hiện một đối tượng chạy xe ngược chiều. Bằng linh cảm, tôi nhận định, đây là đối tượng thực hiện hành vi cướp giật tài sản.

Vì thế, tôi đã cho xe lách lên vỉa hè để chặn đối tượng, rồi đuổi bộ hơn 100 m để bắt giữ. Đây là đối tượng từng có 2 tiền án, 3 tiền sự, lại nhiễm HIV. Sau vụ việc, tôi phải uống thuốc chống phơi nhiễm HIV, sức khỏe giảm sút nhiều.

Một số người hỏi: “Nếu quay lại thời gian, liệu tôi có hành động như thế không?”. Tôi trả lời là: “Có!”. Tôi hành động với tư cách là một chiến sĩ công an nhân dân. Tôi tâm niệm, trong xã hội, khi cái ác càng ít đi, thì người dân sẽ càng bình an hơn. Trách nhiệm đẩy lùi cái xấu, cái ác không phải chỉ riêng của lực lượng chức năng mà của tất cả mọi người.

- Anh có điều gì muốn nhắn gửi với những người con quê hương Quảng Trị?

- Tuy học tập và công tác ở TP. Hồ Chí Minh đã hơn 20 năm song tôi chưa bao giờ quên mình là người Quảng Trị. Vì thế, như một lẽ tự nhiên, Quảng Trị vẫn luôn hiện diện trong quá trình công tác, các mối liên hệ hay hoạt động cộng đồng của tôi.

Ví như, tôi được mời về tỉnh để tuyên truyền, báo cáo các chuyên đề và trò chuyện truyền cảm hứng đối với thế hệ trẻ trong, ngoài ngành công an. Với tấm lòng sẻ chia, tôi đứng ra tổ chức vận động hỗ trợ bà con Quảng Trị gặp thiên tai; trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn; giúp đỡ sinh viên Quảng Trị đang theo học tại TP. Hồ Chí Minh… Tôi cho đó là một hạnh phúc của mình.

Nếu được chia sẻ với những người con Quảng Trị, tôi muốn nói rằng: Quê mình vẫn còn nghèo. Để vươn lên sánh kịp với nhiều vùng miền khác cần rất nhiều nỗ lực, mà tiên quyết vẫn là tự lực. Không ai giúp mình bằng chính mình. Với truyền thống anh dũng quật cường, nhất định Nhân dân Quảng Trị sẽ cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Với thế hệ trẻ Quảng Trị, tôi mong các em hãy lựa chọn cho tương lai của mình bằng chính năng lực, sở trường, sự đam mê. Các em có thể lựa chọn con đường học đại học, học nghề, xuất khẩu lao động, hay chăn nuôi, trồng trọt…, bởi tất cả mọi nghề đều cao quý, đều là nơi để mình là chính mình.

- Xin cảm ơn anh!

Quang Hiệp (thực hiện)

Tin liên quan:
  • Trung tá, Tiến sĩ LÊ HOÀNG VIỆT LÂM: Quê hương là động lực, là nỗi nhớ, niềm thương…
    Sức trẻ trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn

    Tự hào khi sinh ra, lớn lên trên quê hương Tổng Bí thư Lê Duẩn, tuổi trẻ huyện Triệu Phong không ngừng bồi đắp lý tưởng cách mạng, năng nổ, tiên phong trên mọi mặt của đời sống xã hội; xứng đáng là lực lượng xung kích, tình nguyện, miệt mài cống hiến để trưởng thành.

Quang Hiệp (thực hiện)