(LĐ) - Liên tục trong mấy ngày qua, người dân ở bờ bắc sông Thạch Hãn (Quảng Trị) đã lên tiếng kêu cứu, phản đối quyết liệt trước tình trạng khai thác cát ồ ạt, quy mô lớn ở sông Thạch Hãn gây nên nhiều hậu quả xấu về môi trường.
Quá trình giải quyết khiếu nại của người dân đã lộ ra chuyện một số người nhân danh dân làng An Đôn (thị xã Quảng Trị) nhận 100 triệu đồng "ủng hộ" của một doanh nghiệp rồi đồng ký tên vào biên bản đồng ý cho họ khai thác cát trên sông thuộc địa phận của làng trong thời hạn 5 năm. Mất đất và mất... nhiều thứ Cả một bờ bắc sông Thạch Hãn trù mật hoa trái phía thượng lưu và hạ lưu cầu Thạch Hãn bắc qua sông này trên QL1A giờ đây hoang tàn, sạt lở mất hàng chục mét đất mỗi năm; còn hai bên bờ sông giờ đã thành bãi tập kết với hàng núi cát chất ngất, và gió Lào thổi mạnh làm nên "bão cát" hành hạ môi trường sống của người dân. Chỉ cần đứng ngay trên cầu Thạch Hãn (QL1A) nhìn về phía nào cũng thấy nhộn nhịp máy móc, tàu thuyền khai thác cát cách mố cầu chỉ chừng vài trăm mét. Trưa ngày 5.6, tại trụ sở phường An Đôn (sát ngay sông Thạch Hãn), ông Phan Văn Thuận - Bí thư Đảng uỷ phường và ông Lê Hữu Phong - Phó Chủ tịch UBND phường đã có cuộc làm việc với PV Lao Động về nạn khai thác cát trên sông Thạch Hãn. Ông Phong nói: "Đó là chuyện dai dẳng, khó khăn hàng chục năm nay, và từ trước tới nay cũng không có cá nhân, tổ chức nào xin được giấy phép khai thác cát trên sông này cả. Mới đây, chỉ có Cty cổ phần đầu tư Sài Gòn là được UBND tỉnh cấp phép cho nạo vét, cải tạo luồng lạch để sử dụng nguồn cát đó xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện tình trạng khai thác ồ ạt, không phép, lậu trên sông Thạch Hãn là có thật; chúng tôi nhiều lần tổ chức truy đuổi nhưng không có kết quả, kinh phí không có...". Bí thư Đảng uỷ phường cho biết: "Chiều 4.6 dân làng An Đôn (mới trở thành phường gần đây) đã bức xúc phản đối chuyện khai thác cát của Cty CP đầu tư Sài Gòn. Nhưng đây là một đơn vị đã được UBND tỉnh cấp phép, cho nên chúng tôi cũng đang báo cáo lên cấp trên để giải quyết". Khơi thông dòng chảy nào?
![]() |
Đoạn sông đi qua làng An Đôn được "nạo vét" để lấy cát... thương mại (ảnh chụp ngày 6.6.2009). Ảnh: Lâm Chí Công. |
Theo giấy phép mà UBND tỉnh cấp cho Cty CP Sài Gòn thì tổng chiều dài "nạo vét" chỉ chưa đầy 400m (từ km 17+ 400), cách mố cầu Thạch Hãn chừng... 5 phút đò máy, và khối lượng nạo vét là 4.564m3/tháng. Người ta có cơ sở để nghĩ rằng đây là hoạt động khai thác cát thương mại, vì nếu nạo vét để "khai thông dòng chảy" thì sao phải nộp thuế, phí? Và sao chỉ tập trung nạo vét ở một đoạn ngắn? Và sao có thể ấn định "công suất khai thác"? Đến ngày 10.2.2009, tại công văn số 54, Cty CP Sài Gòn đã xin điều chỉnh số lượng "nạo vét" cát ở đoạn sông trên từ 4.564m3/tháng, xuống còn 4.000m3/tháng, tương đương 48.000m3/năm. Phúc đáp, ngày 12.3.2009, UBND tỉnh QT ban hành công văn số 491 chấp nhận cho phép điều chỉnh số lượng cát "nạo vét" mỗi tháng như trên.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng Thạch Hãn là một dòng sông tâm linh, dòng sông nghĩa trang, dòng sông di tích lịch sử... vì vậy cần được đối xử một cách đặc biệt cẩn trọng. Tuy nhiên, chỉ với tư cách một dòng sông thiên nhiên bình thường, hiện Thạch Hãn đã, đang bị huỷ hoại ngày càng nghiêm trọng bởi sự biến đổi, thất thường của khí hậu và lòng tham vô độ của con người.
Sở VHTTDL Quảng Trị khuyến cáo việc "nạo vét sông Thạch Hãn" Việc nạo vét lòng sông mang tính công nghiệp kéo dài 5 năm chắc chắn sẽ có tác động đến dòng chảy và xảy ra hiện tượng xâm thực phía hạ lưu trong mùa mưa lũ (tuyến kè bảo vệ đường dẫn vào khu lưu niệm và kè bảo vệ khu di tích lưu niệm cố Tổng Bí thư Lê Duẩn). Do vậy, kính đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành hữu quan đánh giá tác động việc nạo vét lòng sông. Đồng thời, dưới lòng sông ở khu vực trên có thể có bảo vật, cổ vật, di vật liên quan đến các nền văn hoá, các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị năm 1972...". (Công văn số 270/CV-SVHTT&DL ngày 19.8.2008). |