Mưu sinh ngày tết
(QT) - Tết Nguyên đán là dịp để mọi người sum vầy bên người thân sau một năm miệt mài lao động, học tập. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui này, hòa trong dòng người tấp nập, phấn khởi du xuân vẫn có không ít người tất bật với gánh nặng mưu sinh. Giữa không khí náo nức của mùa xuân, dẫu vất vả và có những lúc không khỏi chạnh lòng nhưng ai cũng có niềm vui, niềm kỳ vọng riêng và bình dị về một năm mới an lành, no ấm. Từ ngày mùng 3 tết, chị Phan Thị Hiền đã bắt đầu một ...

Mưu sinh ngày tết

(QT) - Tết Nguyên đán là dịp để mọi người sum vầy bên người thân sau một năm miệt mài lao động, học tập. Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui này, hòa trong dòng người tấp nập, phấn khởi du xuân vẫn có không ít người tất bật với gánh nặng mưu sinh. Giữa không khí náo nức của mùa xuân, dẫu vất vả và có những lúc không khỏi chạnh lòng nhưng ai cũng có niềm vui, niềm kỳ vọng riêng và bình dị về một năm mới an lành, no ấm.

Từ ngày mùng 3 tết, chị Phan Thị Hiền đã bắt đầu một năm buôn bán bận rộn

4 giờ chiều mùng 1 tết, trong cái lạnh se sắt, chị Nguyễn Thị Thoa, quê ở huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình nặng nhọc mang gần 40 chiếc bóng bay màu sắc sặc sỡ có hình dáng các loài vật ra đứng bán ở vỉa hè đường Trần Hưng Đạo, đoạn trước cổng chợ Đông Hà. “Cũng muốn về quê ăn tết lắm nhưng tính lui tính tới lại thôi. Vợ chồng tôi ba năm nay để con cho ông bà nội chăm sóc vào đây buôn bán lặt vặt, thu nhập có khá hơn ở quê làm mấy sào ruộng nhưng chưa một lần dám về quê ăn tết vì tốn kém tiền bạc và mất thời gian quá. Ngày tết người ta du xuân, chúc tụng nhau vui vẻ trong khi mình như thế này đôi khi cũng chạnh lòng và nhớ con da diết”, chị Thoa cho biết. Cũng theo chị, 3 ngày tết, việc buôn bán cũng thuận lợi và có thu nhập cao hơn bình thường vì mọi người dường như ít quan tâm đến vấn đề giá cả. “Cũng có khi gặp người mua cho con một quả bóng bay giá 20.000 đồng nhưng hào phóng đưa tờ 50.000 đồng mà không lấy tiền thừa thì xem như may mắn có lộc đầu năm. Buôn bán trong mấy ngày tết cũng giúp vợ chồng tôi có thêm khoản thu nhập khá hơn ngày thường để gửi về quê để lo cho các con”, chị Thoa chia sẻ. Năm mới chị mong chờ điều gì nhất? “Chỉ mong sao vợ chồng tôi có sức khỏe tốt, đừng đau ốm để buôn bán nuôi các con ăn học nên người”, chị Thoa trả lời. Nhà có 6 nhân khẩu, trong khi có 2 con đang học đại học đều dựa cả vào quán cháo gà bán xuyên đêm trước công viên Lê Duẩn nên mấy năm nay, niềm vui đón tết cổ truyền dân tộc của gia đình chị Lê Thị Hòa ở phường 2, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) chưa khi nào trọn vẹn. Rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay ngoài món cháo gà truyền thống, chị chuẩn bị thêm món cháo bột cá lóc để khách du xuân có thêm sự lựa chọn hợp khẩu vị. Thêm món ăn là thêm việc nên từ ngày 27, 28 tháng Chạp, vợ chồng chị đã tất bật chuẩn bị mọi thứ. Gà thì bỏ công tìm chọn cho bằng được loại thả vườn, thả đồi, không cho ăn bằng thức ăn công nghiệp; cá lóc thì đặt mua loại sống trong tự nhiên, nhỏ, da càng đen càng tốt. “Ngày tết có thể bán đắt hơn bình thường một chút nhưng phải bảo đảm chất lượng vì khách bây giờ tinh ý lắm. Không xứng với đồng tiền bỏ ra thì họ sẽ không bao giờ ghé nữa. Thu nhập của nhà tôi đều trông cả vào quán cháo này nên phải giữ uy tín để làm ăn lâu dài”, chị Hòa chia sẻ. Khác với chị Thoa, chị Hòa, sáng mùng 3 tết, chị Phan Thị Hiền, một đầu mối chuyên cung cấp gà cho các chợ trên địa bàn thành phố Đông Hà mới “ra quân” mở đầu cho một năm buôn bán bận rộn. Do đã “đặt lịch” với nhau từ trước, nên mới tầm 9 giờ, lượng gà từ các nơi được các thương lái tập kết về chợ Đông Hà đã khá nhiều. Làm ăn với nhau đã lâu nên các vấn đề giá cả, cân kéo được giải quyết một cách nhanh gọn và chỉ chưa đầy 30 phút sau, chiếc xe tải loại 1,5 tấn của chị đã chất đầy những chiếc lồng gà. Toàn bộ số gà vừa thu mua này sẽ được cung ứng cho các chợ trên địa bàn thành phố vào ngày mùng 4 - 5 tết. “Lúc nào cũng vậy, mẻ hàng đầu năm tôi phải chọn loại gà đẹp để đáp ứng nhu cầu cúng bái của người tiêu dùng. Năm nay, nhìn chung giá cả mặt hàng này ổn định hơn so với những năm trước do nguồn cung ứng khá dồi dào. Sáng nay việc thu mua diễn ra rất suôn sẻ, vui vẻ báo hiệu một năm buôn bán thuận lợi”, chị Hiền vừa nhanh tay đếm tiền trả cho các thương lái vừa phấn khởi cho biết. Sáng mùng 2 tết, ông Nguyễn Văn Dương, ở thôn Hải Chữ, xã Trung Hải, huyện Gio Linh tất tả lùa đàn trâu 4 con ra đồng. Hỏi chuyện, ông cho biết, thời điểm này mấy năm trước nhà lúc nào cũng trữ rơm, cỏ cho đàn trâu trong dịp tết nhưng năm nay trời rét đậm rét hại kéo dài, lượng thức ăn dự trữ hết sạch nên ngay từ trưa ngày mùng 1 tết đã phải lùa trâu ra đồng. “Cũng muốn nghỉ ngơi, đi thăm tết bà con, bạn bè lắm nhưng đối với nông dân chúng tôi con trâu là đầu cơ nghiệp nên phải chịu khó thôi”, ông Dương chia sẻ. Vui vẻ, thảnh thơi trong mấy ngày tết cổ truyền dân tộc là điều ai cũng mong muốn nhưng có người chưa được hưởng những ngày xuân trọn vẹn. Nhưng chăm chỉ lao động để vượt qua hoàn cảnh, vươn tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cũng là điều đáng quý, đáng trân trọng. Bài, ảnh: HUY NAM