Ban Dân tộc, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với các đơn vị
(QT) - Hôm qua 28/3/2017, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh tổ chức khảo sát dự thảo Nghị quyết Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ tại Trường THCS xã Thanh (huyện Hướng ...

Ban Dân tộc, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh làm việc với các đơn vị

(QT) - Hôm qua 28/3/2017, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh tổ chức khảo sát dự thảo Nghị quyết Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ tại Trường THCS xã Thanh (huyện Hướng Hóa). Dự buổi khảo sát có đồng chí Lê Thị Lan Hương, UVTVTU, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và lãnh đạo huyện Hướng Hóa.

Đồng chí Lê Thị Lan Hương, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh phát biểu tại buổi khảo sát.. Ảnh: H.T.S

Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn có hiệu lực từ ngày 1/9/2016 và thay thế Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Chính phủ; Quyết định số 12/2013/QĐ-TTg, ngày 24/1/2013 của Chính phủ; Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày 18/6/2013 của Chính phủ.

Theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, chính sách hỗ trợ cho học sinh được áp dụng ngày 1/9/2016. Đây là chính sách lớn của Nhà nước nhằm hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn có điều kiện đến trường; duy trì số lượng học sinh đi học để thực hiện phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS; tạo điều kiện cho giáo dục vùng khó phát triển ổn định và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các trường phổ thông ở vùng đặc biệt khó khăn…

Việc xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định khoảng cách và địa bàn xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày; tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trường PTDT bán trú, trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được căn cứ vào Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và thực tế của địa phương.

Đối tượng áp dụng đối với học sinh gồm học sinh Tiểu học và THCS theo quy định tại khoản 1, điều 4 của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; học sinh THPT theo quy định tại khoản 2, khoản 3, điều 4 của Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; trường PTDT bán trú; trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP. Khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đến trường và trở về nhà trong ngày gồm trường hợp ở xa trường với khoảng cách từ nhà đến trường từ 4 km trở lên đối với học sinh Tiểu học; từ 7 km trở lên đối với học sinh THCS; từ 10 km trở lên đối với học sinh THPT.

Trường hợp học sinh đi học phải qua địa hình cách trở, giao thông đi lại khó khăn (phải đi qua sông, suối không có cầu, núi cao, vùng sạt lở đất, đá)… có quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Khoán kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh đối với trường PTDT bán trú tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh được hỗ trợ kinh phí phục vụ nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 150% mức lương cơ sở/1 tháng/30 học sinh và số dư từ 15 học sinh trở lên được tính thêm một lần định mức (nhưng mỗi trường chỉ được hưởng không quá 5 lần định mức/1 tháng và không quá 9 tháng/1 năm); trường hợp trường phổ thông có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh là đối tượng hưởng chính sách theoquy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP có số lượng học sinh từ 30 học sinh trở lên được hỗ trợ kinh phí theo khoản 1, điều 4 dự thảo Nghị quyết; nếu số lượng học sinh nấu ăn tập trung từ 20 học sinh đến dưới 30 học sinh thì được hỗ trợ kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh theo định mức khoán kinh phí bằng 150% mức lương cơ sở/tháng/trường và không quá 9 tháng/năm… và nhiều quy định khác.

Tại buổi khảo sát, Ban Dân tộc - HĐND tỉnh đã nghe lãnh đạo Trường THCS xã Thanh kiến nghị, đề xuất các vấn đề như hiện tại trên địa bàn xã Thanh học sinh của 5 thôn gồm Thanh 4, Pa Lọ Ô, Pa Lọ Vạc, Tà Nua Cô, Sung được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/ NĐ-CP, học sinh của các thôn, bản còn lại cần được bổ sung hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/ NĐ-CP trong các tháng mùa mưa; việc cấp phát gạo cho phụ huynh học sinh trong thời gian qua do đường sá đi lại khó khăn nên phụ huynh đến nhận chậm trễ… và nhiều kiến nghị khác.

Phát biểu tại buổi khảo sát, đồng chí Lê Thị Lan Hương, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân tộc - HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đạt được của Trường THCS xã Thanh trong việc thực hiện Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg, ngày 21/12/2010 của Chính phủ.

Trong thời gian tới, Trường THCS xã Thanh cần cố gắng làm tốt hơn nữa việc thực hiện các chế độ, chính sách của Nhà nước đối với học sinh mà cụ thể là Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016 của Chính phủ về quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn…

Đối với Phòng Giáo dục huyện Hướng Hóa cần rà soát kỹ hơn nữa để điều chỉnh các đối tượng được hưởng chính sách theo quy định tại Nghị định số 116/2016/NĐ-CP và nhiều vấn đề quan trọng khác.

* Cùng ngày, Ban Pháp chế - HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Y tế về tình hình thực hiện Nghị quyết 12/2013/ NQ-HĐND về quy định một số chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ thu hút và tạo nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2013 - 2020. Đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc.

Từ năm 2013 đến nay, ngành Y tế có 28 cán bộ, công chức, viên chức được tham gia đào tạo sau đại học, trong đó có 8 người đi học theo chính sách của tỉnh, nâng tổng số cán bộ, công chức, viên chức có trình độ sau đại học lên 268 người, chiếm 8,48% đội ngũ toàn ngành. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết 12, Sở Y tế đã đào tạo 40 bác sĩ, dược sĩ đại học chính quy; 33 viên chức được cử đào tạo bác sĩ, dược sĩ theo hình thức liên thông.

Ngành Y tế cũng đã thực hiện chính sách đãi ngộ đối với bác sĩ, dược sĩ có trình độ đại học trở lên đang công tác tại tuyến điều trị và dự phòng đối với 637 người; tuyển dụng 49 người theo chính sách thu hút của Nghị quyết 12.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Y tế, thời gian qua công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực; chính sách hỗ trợ đào tạo sau đại học được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra. Tuy nhiên, vì ngành y có tính chất đặc thù nên chính sách thu hút chung của tỉnh theo Nghị quyết 12 khi áp dụng vào ngành y tế, trên thực tế chưa đủ sức thu hút nguồn nhân lực có trình độ cao, các chuyên gia từ nơi khác về tỉnh công tác.

Hiện toàn tỉnh có 50 cán bộ y tế là bác sĩ đại học công tác ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn không được hưởng chính sách đãi ngộ cán bộ theo Nghị quyết 12 mà chỉ được hưởng các chế độ theo quy định chung của địa phương vùng khó nên chưa động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ ngành y công tác tại các địa bàn này.

Về chính sách thu hút, để thu hút bác sĩ đa khoa về công tác tại tỉnh, đặc biệt là bác sĩ đa khoa về tuyến huyện, đáp ứng nhu cầu bổ sung nguồn nhân lực cho ngành y, tỉnh cần nâng mức hỗ trợ đối với trường hợp tuyển thẳng là bác sĩ đa khoa tốt nghiệp trường công lập... Qua đó, ngành y tế tỉnh có những đề xuất sửa đổi, bổ sung một số chính sách đào tạo sau đại học, đãi ngộ đối với cán bộ y tế đang công tác tại cơ sở và chính sách thu hút bác sĩ đa khoa về công tác tại tuyến huyện.

Tại buổi làm việc với Sở Y tế, thành viên đoàn giám sát tham gia đóng góp các ý kiến: Bên cạnh chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực, ngành y tế cần chú trọng nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu công tác tạo môi trường làm việc thuận lợi thu hút bác sĩ, dược sĩ về công tác tại Quảng Trị. Chính sách đào tạo, thu hút ngành y tế cần phân loại để đề xuất phương án hỗ trợ cụ thể cho từng loại đối tượng…

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Cầu, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh đánh giá cao những kết quả đạt được cũng như các ý kiến đóng góp sửa đổi, bổ sung của Sở Y tế đối với Nghị quyết số 12/2013/NQ-HĐND, ngày 31/5/2013 của HĐND tỉnh.

Đồng chí Trưởng Ban Pháp chế - HĐND tỉnh ghi nhận, tiếp thu và sẽ trao đổi với các ngành liên quan để sớm trình HĐND tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 12/2013/HĐND nhằm phù hơn với nhu cầu thực tiễn.

Hoàng Tiến Sỹ- Lâm Thanh