Tiếp nối những hoạt động bên lề của Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ 10 (vòng 4), sáng nay 22/4, gần 400 đại biểu của 42 đoàn Báo Đảng các tỉnh, thành phố trong khu vực cũng như cả nước đã đến tham quan Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, một biểu tượng cho ý chí và khát vọng giành độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam thiết tha yêu hòa bình.
Các đại biểu nghe thuyết minh về Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải - Ảnh: Hà Trang
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, dưới lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên cột cờ giới tuyến, các đại biểu đã tham quan, tìm hiểu khu di tích bao gồm các hạng mục: Nhà trưng bày; đồn công an giới tuyến; cầu Hiền Lương lịch sử; hệ thống dàn loa phóng thanh, nhà liên hợp; cột cờ giới tuyến, cụm tượng đài khát vọng thống nhất ở bờ Nam và lắng nghe những câu chuyện bi tráng, oanh liệt của dân tộc ta trong hơn 20 năm đằng đẵng đấu tranh thống nhất đất nước.
Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải có diện tích khoảng 9 ha, tọa lạc trên địa phận thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh và thôn Xuân Hòa, xã Trung Hải, huyện Gio Linh. Nơi đây đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chia ly và nỗi đau mất mát của 2 miền Nam - Bắc: “Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ, chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa”. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành “chứng nhân lịch sử” mang trên mình nỗi đau chia cắt và cũng đã chứng kiến niềm vui to lớn trong ngày thống nhất 2 miền đất nước của quân và dân ta.
Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải đã được trùng tu xây dựng vào giai đoạn 2001 - 2008 thể theo nguyện vọng của Nhân dân Quảng Trị nói riêng, cả nước nói chung nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, tinh thần đấu tranh ngoan cường của các thế hệ cha ông, giáo dục nhân cách, khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ.
Tháng 12/2013, khu di tích được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Với tầm vóc và giá trị lịch sử của di tích, hằng năm, vào dịp 30/4, lễ hội Thống nhất non sông được tổ chức với quy mô lớn tại Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải. Từ năm 2010 đến nay, được sự cho phép của Chính phủ, lễ hội Thống nhất non sông được nâng lên quy mô lễ hội cấp quốc gia, góp phần tôn vinh những chiến công bất tử của quân và dân hai miền Nam – Bắc và khát vọng thống nhất, độc lập, tự do của cả dân tộc.
Đặc biệt, ngày 30/11/2022, tại kỳ họp thứ 13 khóa VIII, HĐND tỉnh Quảng Trị đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Công viên Thống nhất tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với tổng kinh phí xây dựng 80 tỉ đồng. Công trình là điểm nhấn về văn hóa, du lịch của tỉnh Quảng Trị, hướng tới hoàn thiện công trình kiến trúc mang tính biểu tượng về truyền thống, bản sắc văn hóa, lịch sử tại địa phương, phục vụ tham quan, nghiên cứu, học tập và giáo dục truyền thống cho các thế hệ.
Chánh Văn phòng Báo Hà Nội Mới Trần Xuân Thung chia sẻ: “Là một cựu chiến binh, cũng là một người làm báo, hôm nay tôi rất xúc động khi được đến thăm cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, Vĩ tuyến 17. Đây là những cái tên quen thuộc đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và trở thành biểu tượng của niềm vui đoàn tụ, khát vọng hòa bình của thời đại. Đặc biệt hơn, vào những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi càng cảm thấy thiêng liêng, tự hào bởi chúng tôi được về với Quảng Trị, về với đôi bờ Hiền Lương – Bến Hải để tri ân sâu sắc sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc”.
Trước đó, các đại biểu tham dự Hội thảo Báo Đảng các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên, lần thứ 10 (vòng 4) đã đến viếng, dâng hoa, dâng hương tại Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn; viếng, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho Nhân dân.
Hà Trang