QĐND - Ngày 11-3 tới đây, Nhật Bản sẽ kỷ niệm tròn 10 năm xảy ra thảm họa động đất và sóng thần tại các tỉnh ở khu vực Đông Bắc nước này. 10 năm qua cũng là quãng thời gian cho thấy nỗ lực không ngừng của Chính phủ và người dân Nhật Bản trong công cuộc tái thiết và đưa cuộc sống ở các khu vực bị ảnh hưởng trở lại bình thường.
Ám ảnh vẫn còn đó
Sáng 11-3-2011, khu vực bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản như rung chuyển bởi một trận động đất lịch sử mạnh 9 độ richter, sau đó gây ra sóng thần cao đến hơn 40m đâm thẳng vào đất liền. Thảm họa kép này khiến khoảng 22.000 người chết và mất tích, phá hủy 122.000 ngôi nhà, nhiều ngôi làng, thị trấn gần như bị xóa sổ. Động đất và sóng thần còn dẫn tới một thảm họa khác: Sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến môi trường ở một khu vực rộng lớn quanh đó bị ảnh hưởng nặng nề. Hậu quả, nhiều người dân phải rời bỏ quê hương, chuyển hẳn đến các tỉnh, thành phố khác sinh sống.
Sau thảm họa đó, dù công cuộc tái thiết được bắt đầu và diễn ra không ngừng nghỉ, song trong con mắt của nhiều người, Fukushima đã biến thành một “vùng đất chết”. 10 năm trôi qua nhưng đến nay vẫn còn hình ảnh những khu phố gần Nhà máy điện Fukushima I bị bỏ hoang, những ngôi nhà bị phủ lấp bởi cây cỏ, rêu phong.
Các phương tiện di chuyển trên một tuyến đường thuộc tỉnh Iwate (Nhật Bản) vào đầu tháng 1-2021. Ảnh: AFP
Đến nay, nỗi ám ảnh rò rỉ hạt nhân ảnh hưởng tới nguồn nước và thực phẩm cùng nỗi đau mất nhà, mất người thân khiến rất ít người dám quay trở lại, dù lệnh di tản bắt buộc được dỡ bỏ ở nhiều nơi. "Không ai muốn trở lại. Vài năm qua, họ đã chuyển đi và tạo lập cuộc sống mới ở những nơi khác", một chủ doanh nghiệp chế biến thủy sản ở Fukushima ngậm ngùi cho biết.
Chờ ngày trở lại
Hãng tin AP ngày 9-3 chia sẻ những bức ảnh được ghi lại ở nhiều thời điểm khác nhau tại cùng một địa điểm thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi thảm họa kinh hoàng cách đây 10 năm như Fukushima hay Miyagi. Qua đó có thể thấy sự sống dường như bắt đầu trở lại ở một số nơi khi những nhà máy, ngôi nhà đã mọc lên, những con đường được xây dựng lại khang trang hơn và bắt đầu có nhiều xe cộ qua lại mỗi ngày.
Còn theo tờ Nikkei, 10 năm sau thảm họa trên, Chính phủ Nhật Bản đã chi tổng cộng 280 tỷ USD cho công cuộc tái thiết ở các nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép, bao gồm việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nạn nhân. Dự kiến trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục chi 14 tỷ USD để hỗ trợ quá trình hồi phục của các tỉnh bị ảnh hưởng.
Đến nay, trong số những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất bởi thảm họa kép, thị trấn Onagawa (thuộc tỉnh Miyagi) được xem là nơi chứng kiến quá trình phục hồi mạnh mẽ và nhanh nhất. Ở đây, người ta đã nhìn thấy những hàng cây xanh mát, các nhà hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, và thị trấn Onagawa được hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch trong thời gian tới. Được biết, làn sóng đầu tư mạnh mẽ thậm chí đã giúp 3 tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa là Miyagi, Iwate và Fukushima đạt tăng trưởng hơn 10% so với thời kỳ trước khi thảm họa xảy ra. Hiện tập đoàn sản xuất ô tô Toyota cũng đã xây dựng kế hoạch biến Đông Bắc Nhật Bản thành khu vực có nền công nghiệp ô tô lớn thứ ba của nước này.
Trong chuyến thăm gần đây tới tỉnh Fukushima, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cam kết đẩy mạnh công tác tái thiết các khu vực bị ảnh hưởng, đồng thời cho biết, Chính phủ Nhật Bản muốn thúc đẩy công cuộc tái thiết với một chương trình để hỗ trợ người dân vùng thiên tai nhiều nhất có thể. Bên cạnh đó, Chính phủ Nhật Bản đang khuyến khích người dân quay trở lại Fukushima thông qua những hỗ trợ tài chính, trong đó có khoản tiền để khử ô nhiễm đất.
Để xây dựng lại cuộc sống nhộn nhịp, phát triển như trước ngày 11-3-2011, Fukushima hay các địa phương khác sẽ cần tới 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa, nhưng có lẽ với nhiều người dân từng phải rời bỏ quê hương vì thảm họa năm ấy, hy vọng trở về vẫn chưa bao giờ lụi tắt.
Châu Anh