Hương vị quê nhà: Cheo cá mát
(QT) - Ngày trước, cứ vào dịp vừa kết thúc năm học, bố tôi thường đưa các con về thăm quê nội. Khó quên nhất là sau mỗi ngày khi mặt trời xuống núi, cả đại gia đình quây quần, vui vẻ ngồi trên sàn nhà ăn cơm tối, lũ trẻ thị tứ chúng tôi đua nhau nắm từng vốc xôi chấm vào bát cheo cá mát. Thấy chúng tôi ăn một cách vội vàng, ông nội thường nhẹ nhàng bảo: “Từ từ thôi các cháu, món cheo cá mát khi thưởng thức phải chậm rãi mới cảm nhận được vị ngon của nó”. Cá mát là một trong những nguyên liệu ...

Hương vị quê nhà: Cheo cá mát

(QT) - Ngày trước, cứ vào dịp vừa kết thúc năm học, bố tôi thường đưa các con về thăm quê nội. Khó quên nhất là sau mỗi ngày khi mặt trời xuống núi, cả đại gia đình quây quần, vui vẻ ngồi trên sàn nhà ăn cơm tối, lũ trẻ thị tứ chúng tôi đua nhau nắm từng vốc xôi chấm vào bát cheo cá mát. Thấy chúng tôi ăn một cách vội vàng, ông nội thường nhẹ nhàng bảo: “Từ từ thôi các cháu, món cheo cá mát khi thưởng thức phải chậm rãi mới cảm nhận được vị ngon của nó”.

Cá mát là một trong những nguyên liệu chính để làm món cheo cá mát

Ông nội cho chúng tôi hay, dòng sông dọc các làng bản ở Đakrông được thiên nhiên ban phú cho nhiều loại cá ngon và bổ dưỡng, nhất là loại cá mát. Loại cá này sinh sống nhiều nhất ở phía thượng nguồn của sông, vùng có nước sạch hay ở các con thác. Mùa đánh bắt được nhiều cá mát nhất là vào các tháng 3, 4 và 5 âm lịch. Khi câu được nhiều cá, ông mổ bụng làm sạch ruột, rửa kỹ lớp rong rêu bám ngoài thân và mang cá. Sau đó, ông dùng các thanh tre đã được chẻ nhỏ, vót nhọn một đầu để xuyên cá thành từng xâu, mỗi xâu cá độ khoảng từ 5-10 con (tùy theo con to, con nhỏ) rồi treo trên giàn bếp (có lúc nắng to thì phơi ngoài trời). Khoảng vài tuần sau, cá được hong trên bếp lửa đủ độ khô, ông đem xuống chế biến thành món cheo. Món cheo của đồng bào Pa Kô, Vân Kiều khi nhìn vào gần giống như ruốc bông được làm từ thịt lợn của người Kinh, nhưng khi ăn sẽ cảm nhận được sự khác biệt. Đây là một loại thực phẩm khô của bà con dùng để cất trữ phòng khi không có thức ăn tươi hoặc đem theo cùng với típ xôi mỗi khi lên nương rẫy. Ông nội bảo cách làm cheo cá mát cũng khá đơn giản, chỉ cần bóc lớp vảy đã khô vàng và tách xương, đầu cá bỏ đi, chỉ lấy phần thịt của nó. Cho tất cả số thịt cá mát cùng với quả ớt khô (loại ớt nhỏ rất cay và thơm), muối, bột ngọt vào chiếc cối gỗ, giã đều tay cho đến khi nào thịt cá tơi, hòa đều các vị với nhau, nếm vừa ăn là được. Món cheo cá mát sẽ đậm đà hơn nếu cho thêm đọt mây, một ít sôr (hạt tiêu rừng) và quả cà nướng (loại cà nhỏ có màu xanh và đốm trắng nhỏ, được trồng trên nương rẫy). Cheo cá mát ăn kèm với xôi nấu từ loại nếp đen của bản thì thật tuyệt bởi vị thơm ngon, bùi, ăn một lần là nhớ mãi. Đặc biệt, khi cho trẻ ăn (không nên cho nhiều ớt và tiêu rừng) thì người lớn rất yên tâm vì không phải sợ trẻ hóc xương cá. Thường thì vào những lúc câu được nhiều cá mát, ông nội tôi trữ cá trên giàn bếp làm thức ăn cho gia đình vào các tháng mùa mưa, mùa lạnh. Mỗi khi có khách quý, ông đem cá xuống, chế biến món cheo mời. Bây giờ, mỗi lần về thăm quê, hiếm thấy nhà nào có cá mát treo trên giàn bếp để trữ làm cheo. Những năm gần đây, dòng sông Đakrông không còn được như xưa nữa, màu nước nhiều nơi đục ngầu do nạn khai thác vàng trái phép bừa bãi, đánh bắt cá bằng xung điện, thuốc nổ khiến các loài cá dưới sông ngày càng ít đi. Thi thoảng, đi công tác ở miền núi, gặp người dân đi câu cá mát về, thể nào chúng tôi cũng mua cho bằng được để về làm cheo. Nhưng cất công chế biến thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn có cảm giác ăn không được ngon như ông nội làm đãi con, cháu ngày trước. Chợt thấy buồn bởi giờ ông nội và bố đã khuất, không còn cùng con cháu thưởng thức món cheo ngày nào... Bài, ảnh: KÔ KĂN SƯƠNG