Người cán bộ khuyến nông tận tụy
(QT) - Năm 2005, anh Lê Chí Công (sinh năm 1977) về công tác tại Trạm Khuyến nông -Khuyến ngư huyện Vĩnh Linh. Cũng từ đó đến nay, anh luôn đồng hành với người nông dân nơi đây. Bằng những mô hình hay, đề tài khoa học thiết thực về lĩnh vực trồng trọt, anh đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích, từ đó cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống…

Người cán bộ khuyến nông tận tụy

(QT) - Năm 2005, anh Lê Chí Công (sinh năm 1977) về công tác tại Trạm Khuyến nông -Khuyến ngư huyện Vĩnh Linh. Cũng từ đó đến nay, anh luôn đồng hành với người nông dân nơi đây. Bằng những mô hình hay, đề tài khoa học thiết thực về lĩnh vực trồng trọt, anh đã góp phần giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán canh tác, nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị nông sản trên một đơn vị diện tích, từ đó cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống…

Anh Công hướng dẫn người dân kỹ thuật thâm canh cây lạc

Cách đây chưa lâu, trong một lần tác nghiệp tại huyện Vĩnh Linh, tôi bắt gặp hình ảnh một cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng lạc thâm canh để đạt hiệu quả, năng suất cao và hạn chế sâu bệnh. Người cán bộ nông nghiệp xắn quần lội ruộng, miệng luôn nở nụ cười thân thiện ấy là anh Lê Chí Công, thạc sĩ khoa học cây trồng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nôngKhuyến ngư Vĩnh Linh. Có dịp ngồi trò chuyện, anh Công kể: “Tôi quê gốc ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng nhưng lại được sinh ra và lớn lên ở thành phố Đông Hà. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp ngành trồng trọt, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông lâm Huế, tôi làm việc cho dự án Chia sẻ Gio Linh một thời gian và đến năm 2005 thì về làm cán bộ kỹ thuật phụ trách trồng trọt tại Trạm Khuyến nôngKhuyến ngư Vĩnh Linh. Qua quá trình công tác, tôi được phân công làm phó trưởng trạm rồi trưởng trạm từ năm 2014 đến nay”.

Từ khi về công tác tại Trạm khuyến nông, khuyến ngư Vĩnh Linh, anh cùng các đồng nghiệp thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân phát triển trồng trọt theo hướng thâm canh. Hằng năm, anh mở từ 10-15 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật thu hút 500-700 lượt người tham gia. Thông qua các lớp tập huấn, anh hướng dẫn cho nông dân cách sản xuất theo hướng thâm canh, tăng năng suất trên cây lúa, lạc; cách phòng trừ bệnh trên cây tiêu, rau màu, cây cao su; đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cộng tác viên khuyến nông vừa nâng cao trình độ vừa giúp họ hỗ trợ tốt cho nông dân trong phòng trừ dịch, sâu bệnh hại trên cây trồng.

Bên cạnh đó, anh Công còn tích cực triển khai nhiều mô hình trình diễn trên địa bàn huyện như các mô hình sản xuất lúa hữu cơ DT39 sử dụng phân bón Quế Lâm; sản xuất lúa Bồ Đề X2 sử dụng phân bón Bồ Đề 688; sản xuất giống lạc mới bằng phương pháp cải tiến, đồng thời với việc thực hiện mô hình thâm canh lạc cải tiến giúp người dân tận dụng được diện tích để tăng mật độ hợp lý, từ đó tăng năng suất và hiệu quả cho người trồng lạc; mô hình sản xuất các giống ngô lai mới; thâm canh lúa thực hiện từ năm 2005 - 2007 giúp người dân từng bước biết cách chăm sóc cây lúa theo đúng thời gian sinh trưởng, phòng trừ bệnh đúng lúc, kịp thời, tạo tiền đề cho việc áp dụng các tiến bộ mới trong các năm về sau; mô hình lúa - cá kết hợp, đây là mô hình đáp ứng mục tiêu 50 triệu đồng/ha đồng thời giúp người dân hạn chế sử dụng thuốc BVTV trên đồng ruộng, đảm bảo chất lượng của sản phẩm, tăng thêm thu nhập trên đơn vị diện tích, được các ban, ngành cấp huyện đánh giá cao và hiện nay đang được nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện; mô hình thâm canh cây hồ tiêu, được triển khai tại vùng đất đỏ ba dan của huyện; mô hình sản xuất giống lạc và thâm canh lạc L14 cải tiến, được thực hiện từ năm 2006 đến nay… Hầu hết các mô hình này đều được người dân và chính quyền địa phương đánh giá cao vì mang lại hiệu quả thiết thực, cho năng suất, chất lượng nông sản vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống.

Đặc biệt, năm 2008, anh Công tham gia thực hiện đề tài khoa học “Khảo nghiệm phân bón lá và phân bón chuyên dùng cho cây lúa” tại Hợp tác xã Chấp Lễ, xã Vĩnh Chấp. Với đề tài này, anh được UBND huyện Vĩnh Linh tặng giấy khen về việc tham gia đề tài khoa học trong giai đoạn 2006- 2010. Ngoài ra, với những đóng góp hữu ích cho ngành nông nghiệp, anh Công vinh dự được nhận giấy khen của Trung tâm Khuyến nông quốc gia vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2003-2008; bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về thành tích xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn năm 2013; bằng khen của UBND tỉnh Quảng Trị về điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2010-2015…

Trần Tuyền