(QT) - Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo luật định và kế hoạch chuẩn bị cho công tác thẩm tra nội dung các đề án có liên quan trình kỳ họp thứ 8 - HĐND tỉnh sắp tới, ngày 12/4/2013, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Công ty Lâm nghiệp Bến Hải và Công ty Lâm nghiệp Đường 9 để nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh của đơn vị, nghe ý kiến tham gia về dự thảo Đề án giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 48/2007/NĐ-CP ngày 28/3/2007 của Chính phủ để chuẩn bị trình kỳ họp HĐND tỉnh. Đồng chí Trần Đoàn, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh chủ trì buổi làm việc; tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành cấp tỉnh và địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng năm 2012 và nhiệm vụ, kế hoạch năm 2013 của Công ty lâm nghiệp Bến Hải và Công ty lâm nghiệp Đường 9 cho biết: Năm 2012 là năm tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng của suy thoái và khủng hoảng tài chính tiền tệ, tình hình lạm phát, giá cả thị trường tiếp tục leo thang, nguồn vốn đầu tư hết sức khó khăn, nhưng với sự đoàn kết nhất trí và tinh thần vượt khó, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực lâm nghiệp đã năng động sáng tạo, chủ động tìm hướng đi phù hợp để đứng vững và không ngừng phát triển, đạt được những kết quả khá vững chắc trên các mặt doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động từ thiện xã hội. Là một doanh nghiệp được giao quản lý, sử dụng hơn 12.000 ha đất rừng, Công ty lâm nghiệp Bến Hải đã hoàn thành công tác chăm sóc, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, xây dựng cơ bản. Với tinh thần năng động, sáng tạo, công ty đã thực hiện tổng doanh thu hơn 226,5 tỷ đồng, đạt 323,6% kế hoạch, nộp ngân sách trung ương và địa phương hơn 16,4 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 4,5 triệu đồng/ tháng. Năm qua cũng là năm công ty tiếp tục thực hiện và duy trì hoạt động quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, đây là sự cố gắng rất lớn của doanh nghiệp, mở ra nhiều cơ hội phát triển trong quá trình hội nhập quốc tế. Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2013, Công ty lâm nghiệp Bến Hải đã đặt ra nhiều mục tiêu tăng trưởng cao hơn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ sản xuất kinh doanh đã đề ra như trồng mới 350 ha rừng kinh tế, khai thác trên 1.000 tấn nhựa thông, mở ra các ngành nghề sản xuất kinh doanh mới, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, làm tốt nghĩa vụ nộp ngân sách… Với Công ty lâm nghiệp Đường 9, đây là năm thứ 5 đơn vị thực hiện sắp xếp đổi mới hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV vốn sở hữu của nhà nước do hội đồng thành viên đại diện chủ sở hữu, địa bàn hoạt động trên 4 huyện, thành phố liên quan đến 9 phường, xã, với tổng diện tích đất xin được giao là 7.419 ha, trong đó rừng phòng hộ là 1.890 ha, còn lại là rừng sản xuất. Theo báo cáo của công ty, đến nay toàn bộ diện tích trên đã trồng rừng hoàn chỉnh, diện tích rừng thông thuần loài đưa vào khai thác là 1.300 ha, diện tích rừng khai thác nguyên liệu hàng năm từ 300 đến 400 ha, khai thác cuốn chiếu theo chu kỳ sản xuất và trồng lại ngay sau khi khai thác. Năm 2012 công ty đã đạt doanh thu trên 21 tỷ đồng, cũng là năm đạt lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay, lợi nhuận trước thuế đạt 6,6 tỷ đồng, nộp ngân sách 2,024 tỷ đồng, đạt 500% kế hoạch, thu nhập bình quân người lao động đạt 4,6 triệu đồng/tháng. Nhiệm vụ phát triển năm 2013, công ty phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Về các ý kiến tham gia vào dự thảo Đề án giá các loại rừng trên địa bàn tỉnh, các ý kiến của doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực lâm nghiệp đều tập trung vào việc đề nghị ban soạn thảo xác định rõ hơn phạm vi đề cập của dự án, không nên đưa vào những nội dung vượt quá phạm vi của đề án là xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các quy định liên quan đến việc đánh giá rừng sau này. Cần tiếp tục hội thảo lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia và những người trực tiếp làm công tác sản xuất – kinh doanh, quản lý, bảo vệ rừng để hoàn thiện đề án trước khi trình HĐND tỉnh thông qua. Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cũng đã kiến nghị với Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh một số vấn đề vướng mắc cần đề xuất lên cấp trên tập trung tháo gỡ. Đó là, cho phép các doanh nghiệp thí điểm thực hiện cổ phần hóa vườn cây, rừng trồng gắn với cơ sở chế biến theo chủ trương của Chính phủ nhằm phát huy lợi thế đa chủ sở hữu, có một số chính sách ưu đãi các doanh nghiệp lâm nghiệp trong việc thu tiền sử dụng đất theo chu kỳ khai thác, chứ không nên theo năm như hiện nay, tiếp tục cấp vốn điều lệ để doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đầu tư phát triển rừng, hỗ trợ doanh nghiệp khoản đầu tư xây dựng chứng chỉ rừng bền vững FSC… Tiếp thu những ý kiến đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, các đại biểu tham dự buổi làm việc, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh sẽ tổng hợp cụ thể tình hình, báo cáo Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề trong phạm vi quyền hạn để có sự điều chỉnh, sửa đổi hợp lý. Về các ý kiến tham gia dự thảo Đề án giá rừng trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế Ngân sách- HĐND tỉnh sẽ tiếp thu và đề xuất cụ thể trong báo cáo thẩm định trước khi trình tại kỳ họp HĐND tỉnh sắp tới. P.V