(QT) - 70 năm sau ngày xảy ra cuộc thảm sát của thực dân Pháp ở làng chài Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng khiến 526 người dân vô tội bị giết chết, được nghe những nhân chứng ít ỏi còn sống thuật lại câu chuyện đau đớn xưa, tôi vẫn không thể nào hình dung được nơi này từng hứng chịu nỗi đau đớn tột cùng và bi thương đến vậy…
Những câu chuyện đớn đau
Men theo con đường đất cát rát bỏng, chúng tôi ghé thăm căn nhà nhỏ của bà Phan Thị Nuôi nằm sau rú cát cuối thôn Mỹ Thủy. Người làng từ xưa vẫn gọi tên bà là bà Một, cái tên đau đớn gợi nhắc nhớ rằng, bà là người duy nhất còn sống sót trong gia đình gồm 11 người, trong đó 10 người đã chết thảm dưới tội ác của giặc Pháp (gồm 8 anh chị em và cha mẹ ruột) trong cuộc thảm sát năm 1948. Năm nay 84 tuổi nhưng bà Một vẫn minh mẫn, nhớ rành rọt câu chuyện đau đớn năm xưa. Bà kể, hồi ấy bà chừng 13, 14 tuổi. Ngày 8/2 âm lịch năm 1948, khi cả gia đình bà đang chuẩn bị ăn bữa sáng để cha và các anh đi biển như mọi ngày thì giặc Pháp ập đến. Chúng vây quanh làng, ráo riết bố ráp, tìm diệt và đàn áp phong trào cách mạng của quân dân ta. Đàn ông thì bị bọn chúng bắn giết, phụ nữ thì bị hãm hiếp, người già, trẻ con chạy trốn khắp nơi. Cả làng loạn lạc… Cả gia đình bà Một lúc ấy và nhiều gia đình khác chạy trốn và tập trung lại trong một ngôi nhà tranh ở làng. Không ngờ, giặc Pháp bất ngờ ập đến, lục soát khắp nhà rồi ra tay bắn giết tàn bạo những người đang ẩn nấp trong nhà. Hàng chục người bị giết chết dưới họng súng và lưỡi lê của kẻ thù. Họ phần lớn là anh em họ hàng, trong đó có 4 chị em và mẹ của bà Một. Ông Phan Bí, chú ruột bà Một và một số người làng, trong đó có bà Một may mắn trốn thoát. Bà Một được ông Bí dẫn chạy vào tận làng Thanh Hương, giáp xã Hải Khê mới thoát khỏi sự truy sát ráo riết của giặc Pháp. “Bắn giết xong, chúng đốt toàn bộ ngôi nhà. Sau ít ngày, chú cháu tôi bí mật quay trở lại xem tình hình. Lúc này chứng kiến cảnh tượng cả làng Mỹ Thủy chìm trong điêu tàn, tang tóc. Máu, thi thể người làng vương vãi khắp nơi… Chú cháu tôi trở lại ngôi nhà thì toàn bộ đã bị thiêu rụi. Những mảnh thi thể, chân, tay cháy xém nằm ngỗn ngang trong đống tro tàn. Chú Bí cùng với những người còn sống liều mình vào thu dọn những phần thi thể đã trộn lẫn đem chôn trên rú cát… Đến giờ những hình ảnh tang tóc ấy vẫn còn rợn ngợp trong tôi”, bà Một bần thần kể. Nỗi đau mất mẹ và 4 anh chị em chưa nguôi thì vào ngày 28/2 âm lịch năm ấy, cha và 4 người anh chị em ruột còn lại của bà Một trên đường tìm cách lên thuyền chạy trốn cuộc thảm sát cũng bị bắn giết chết tức tưởi ngay bãi biển.
![]() |
Khu chứng tích về cuộc thảm sát năm 1948 tại làng Mỹ Thủy, xã Hải An, huyện Hải Lăng. Ảnh: PV |
Ở Mỹ Thủy, sự đau thương của cuộc thảm sát hiển hiện trong mỗi nóc nhà. Có những người chứng kiến cuộc oan khiên ấy trên chính thân thể của người nhà, xóm giềng đã bị bắn chết khi còn nhỏ xíu. Như bà Phan Thị Tẩm, năm nay 72 tuổi, hiện đang sống trong căn nhà nhỏ nơi xóm cát. Bà Tẩm kể: “Lúc ấy tôi mới được 2,5 tuổi. Nghe mẹ tôi kể lại, để trốn giặc Pháp, nhiều gia đình trong làng đã đến trú ẩn trong một căn nhà kiên cố. Nhưng giặc Pháp đã sục sạo và phát hiện ra nơi trú ẩn. Chúng xả súng đại liên vào căn nhà tàn sát hết mọi người cho đến khi không còn tiếng kêu la. Sau đó chúng bật lửa đốt nhà rồi bỏ đi… Trong ngọn lửa ngùn ngụt cháy, mẹ tôi dù bị thương nặng vẫn cố ôm tôi lê lết ra đến ao môn sau nhà, tay của tôi cũng bị trúng đạn. Cuộc bắn giết trong căn nhà ấy, chỉ có 2 mẹ con tôi và một người nữa sống sót, còn chết cả trăm người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Nghe kể, lúc ấy người tôi tím tái, không còn tiếng khóc, máu me thì bê bết khắp người nên mẹ tôi tưởng đã chết. Mẹ hái lá môn lót cho tôi nằm dưới ao môn rồi lịm đi. Sau khi tỉnh dậy, thấy kiến bu đầy người và tôi đau quá cất tiếng khóc, biết tôi còn sống nên bà ôm tôi chạy vào nhà một thầy lang ở làng Kim Long (Hải Quế) mới cứu sống được tôi. Nhưng cánh tay phải của tôi tàn tật từ đó đến giờ”, bà Tẩm kể.
Bà Đặng Thị Thí, năm nay tròn 70 tuổi, người đã sinh ra trong năm xảy ra cuộc thảm sát vẫn bàng hoàng khi nhắc chuyện cũ. “Giữa chết chóc thì tôi được sinh ra. Nhiều người bảo là tôi được sinh ra từ cõi chết, là tôi được sống 2 lần. Sống phần mình và cho nhiều cuộc đời khác…”, bà Thí nói vậy. Bà bảo may mắn lắm mẹ con bà mới thoát khỏi cuộc thảm sát ám ảnh kia. Thời điểm xảy ra thảm sát, cũng như bao gia đình khác, gia đình bà và nhiều người làng tập trung trong một căn nhà lớn, kiên cố trong làng để lánh nạn. Riêng mẹ bà lẻn ra sau căn chòi bếp, chui vào đống lá cây khô trốn. Lúc này mẹ bà đang mang bầu bà ở tháng thứ 2. “Nghe mẹ kể lại thì lúc ấy giặc Pháp kéo đến cũng bắn giết hết người trong nhà, đốt nhà rồi bỏ đi. Không biết chúng bỏ quên căn chòi bếp nằm sau căn nhà hay sao mà nhờ đó mẹ con tôi thoát chết. Đến tháng 10 âm lịch thì tôi sinh ra, nghe kể đợt đó toàn bộ những người trú trong nhà đều bị bắn chết, trong đó có 3 mẹ con người o ruột của tôi”, bà Thí kể thêm. Đến nay, những người chứng kiến cuộc thảm sát như bà Một hầu như đã trở thành người thiên cổ, số người còn sống cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay và ít nhiều đã đãng trí, già yếu nhiều. Những đứa trẻ nhỏ sống sót hay sinh ra ít ỏi sau thảm nạn ấy giờ cũng đã trên 70 tuổi… Nhưng trong tâm trí của mỗi người, nỗi đau, sự ám ảnh ấy sẽ mãi mãi đeo đẵng cho đến tận cuối đời.
Ngày giỗ chung của làng chài
Bà Một run run đôi tay gầy guộc thắp lần lượt những nén nhang thơm lên chiếc bàn thờ được xây cất bằng bê tông, ốp gạch men trắng toát thờ toàn bộ những người trong gia đình bị giặc Pháp giết chết năm xưa. Bà kể, sau một thời gian ở với chú Bí, bà xung phong vào du kích, hoạt động khắp vùng đông huyện Hải Lăng. Trong thời gian hoạt động cách mạng, bà kết duyên với một người làng Kim Long cũng là du kích địa phương. “Bây giờ thì tôi có đàn con cháu đề huề, gồm 7 con trai gái và kể cả cháu chắt nữa cũng gần 70 đứa tất cả. Cứ tưởng năm xưa còn sót trơ trọi một mình sẽ hiu quạnh lắm. Nhưng nỗi đau lần hồi qua thời gian cũng nguôi đi. Bây giờ thì tôi cũng vui lắm, vì có con cháu đông đúc, sum vầy… nhờ đó vợi bớt phần nào nỗi ám ảnh của quá khứ”, bà Một ánh lên niềm vui. Bà nói những ngày tới bà sẽ làm một mâm cơm tươm tất để giỗ cho cha mẹ và những người anh chị em ruột của mình. “Năm nào gia đình cũng làm một mâm cơm như thế để tưởng nhớ những người đã khuất. Ở làng này cứ đến ngày 8/2 và 28/2 âm lịch, hầu như gia đình nào cũng đều có giỗ nên ít ai mời ai. Đây cũng được xem là ngày giỗ chung của làng chài Mỹ Thủy này”, bà Một giãi bày.
![]() |
Bà Một thắp nhang tưởng nhớ những người thân trong gia đình bị giặc Pháp thảm sát. Ảnh: LĐV |
Năm 20 tuổi (1968), bà Thí xung phong vào bộ đội Tỉnh đội Quảng Trị, tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ. “Hồi ấy, nhà tôi chỉ có hai chị em. Đứa em trai nằng nặc đòi thay chị đi bộ đội diệt thù. Nhưng tôi quyết tâm gạt nó ra, bảo ở nhà chăm sóc bố mẹ. Sau này nó cũng tham gia hoạt động ở công an vũ trang huyện, và cũng hy sinh không tìm thấy xác trên vùng chiến khu”, bà Thí cho biết. Vào bộ đội, bà Thí từng tham gia gùi cõng đạn dược, lương thực tiến đánh thị xã Quảng Trị trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Sau đó bà có đi học y tá, và tham gia cứu thương trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Năm 1975 bà về quê và gầy dựng cuộc sống đến ngày nay. Hiện bà có 8 người con gồm 5 trai, 3 gái và hầu hết đã lập gia đình.
Những ngày này, hầu hết các gia đình ở làng chài Mỹ Thủy đều chuẩn bị một mâm lễ giỗ cho những người thân thích bị giặc Pháp tàn sát. Trong lễ giỗ, bao giờ người nhà cũng thành kính thắp nhang vái lên ban thờ rồi sau đó vọng hướng ra xung quanh ngôi nhà, ra những khoảnh cát trắng, ra bãi biển - nơi xảy ra cuộc thảm sát kinh hoàng, ám ảnh năm xưa- để cầu khấn cho vong linh những người đã khuất và cầu mong cho cuộc sống hôm nay của dân làng gặp nhiều may mắn, an yên.
Đến ngày 8/4/1948 (28/2 âm lịch), khi nước mắt đau thương của người dân các thôn Tân An, Thuận Đầu, Mỹ Thủy khóc cho người thân bị thảm sát trên biển chưa nguôi, thì thực dân Pháp tiếp tục gây ra cuộc tàn sát, đốt phá hết sức dã man. Trong lúc 2 thuyền buồm có trọng tải từ 5-7 tấn đang bốc dở muối và đường phân tán chuyển lên cất giấu trong nhân dân để phục vụ công cuộc kháng chiến… Lúc này máy bay của giặc Pháp phát hiện và ném lựu đạn khói dọn đường cho bộ binh càn quét. Chúng tiến hành chuyển quân theo 2 hướng: Từ đồn Thanh Hương (Phong Điền, Thừa Thiên Huế) đánh ra; từ Hội Yên- Thi Ông (Hải Vĩnh) đánh vào Thuận Đầu, qua Tân An rồi cùng tiến về làng Mỹ Thủy. Đi đến đâu chúng cũng tỏ rõ sự khát máu, tàn sát người già, trẻ em, hãm hiếp phụ nữ cho đến chết, bắn giết đàn ông. Vì quá sợ hãi, dân làng tập trung vào 4 ngôi nhà của các ông Phan Boong, Phan Lão, Phan Hồ và ông Võ Tề, mong dựa vào nhau để bảo toàn tính mạng. Nhưng không ngờ rằng, giặc Pháp đã xông vào chém giết và phóng hỏa đốt nhà. Những đứa trẻ nằm trên xác mẹ cũng bị chúng ném vào lửa. Cả làng Mỹ Thủy lửa cháy rực trời, mùi cháy xác người khét lẹt, tiếng la hét tuyệt vọng ngắt quãng vào không gian… Tổng cộng 2 đợt thảm sát, giặc Pháp đã giết chết 526 người dân vô tội của Mỹ Thủy. Những dòng vắn tắt ấy có thể chưa miêu tả hết sự tàn độc, man rợ của giặc Pháp, nhưng ký ức kinh hoàng về vụ thảm sát đã trôi qua tròn 70 năm chưa bao giờ lãng quên trong tâm trí dân làng chài này. Nỗi đau đó theo suốt nhiều gia đình, nhiều cuộc đời cho đến tận ngày nay.
Ngày nay, ngang qua Tỉnh lộ 8 thẳng tắp nối về biển Mỹ Thủy vẫn còn đó chứng tích của vụ thảm sát năm xưa. Bước qua đau thương, Mỹ Thủy bây giờ đã gầy dựng được cuộc sống tươi vui. Làng biển này giờ đã bừng lên sức sống mới. Ở đó bây giờ, ngày ngày vẫn đều đều vọng tiếng lách cách đục đẽo của nghề đóng thuyền truyền thống; hay mùi thơm dậy của hương vị nước mắm Mỹ Thủy trứ danh; tiếng xôn xao của sóng biển, tiếng cười nói nhộn nhịp của du khách vọng lên từ bãi biển… Từ tận cùng đau thương, làng chài Mỹ Thủy đã hồi sinh mạnh mẽ.
Lê Đức Việt