Đoàn kết dân tộc xoá đói giảm nghèo ở Tà Rụt
(QT) - Nếu ai đã từng có dịp đến thăm và dừng chân ở những bản làng miền núi thuộc xã Tà Rụt (Đakrông, Quảng Trị) vào nhiều năm trước đây nay trở lại ắt sẽ thấy có nhiều sự đổi mới. Nhờ thực hiện tốt công tác và chính sách dân tộc, bộ mặt của xã ngày càng phát triển, nhất là từ năm 1997 đến nay. Cơ sở vật chất hạ tầng được quan tâm đầu tư xây dựng khang trang hơn. Công tác chăm sóc sức khoẻ, giáo dục đào tạo có nhiều tiến bộ. Nền kinh tế có nhiều chuyển biến mới. Đời sống vật chất cũng như tinh thần của bà con được nâng lên rõ rệt.
 |
Đồng bào dân tộc thu hoạch ngô lai. Ảnh: N.H |
Tình hình an ninh, trật tự được củng cố, giữ vững. Khoảng cách của những nẻo đường từ bản làng này sang bản làng khác ngày nào dường như heo hút, cách trở, khó khăn lắm nay đã được “xích” lại gần nhau hơn, bà con các dân tộc Vân Kiều Pa Cô đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau xoá đói giảm nghèo, xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp... Xã Tà Rụt nằm ở vùng đặc biệt khó khăn của huyện Đakrông, có tổng diện tích tự nhiên là 6224,79 ha, gồm 9 thôn bản với 754 hộ và 3.741 khẩu, có 3 dân tộc chính là Pa Cô, Vân Kiều và Kinh sinh sống chan hoà (trong đó dân tộc Pa Cô chiếm 75%). Những năm về trước, do là xã nằm trung tâm cụm 4 xã nên tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khá phức tạp, như nạn khai thác vàng trái phép, phá rừng, chích hút ma tuý, kẻ xấu lợi dụng người dân bản địa để lôi kéo vào những việc làm trái pháp luật... Nhận thấy cần phải giúp nhân dân nhận thức đúng đắn và thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, trên cơ sở lấy ý kiến chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, Đảng bộ xã đã tập trung chỉ đạo sát sao UBND xã và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con đoàn kết, thực hiện tốt công tác định canh, định cư, đầu tư các nguồn lực để phát triển sản xuất; hưởng ứng các phong trào xây dựng đời sống mới, tiến bộ ở thôn bản... Đặc biệt, phải đặt tinh thần đoàn kết các dân tộc lên hàng đầu, không nghe theo các phần tử xấu dụ dỗ, kích động, tham vào các hoạt động trái pháp luật. Nhờ vậy, đến nay bộ mặt của xã đã có nhiều chuyển biến tích cực. Ông Hồ Trọng Biên, Bí thư Đảng uỷ xã Tà Rụt cho biết: “Nhờ thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, từ năm 1997 đến nay, bà con các dân tộc anh em ở xã luôn đoàn kết, gắn bó, thể hiện tinh thần “Tương thân tương ái”, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua đói nghèo, xây dựng bản làng no ấm.
 |
Thế hệ măng non hôm nay ở Đakrông. Ảnh: N.H |
Bà con đã thay đổi dần trong suy nghĩ, động viên nhau loại bỏ những tập tục lạc hậu; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả hơn. Người Pa Cô, Vân Kiều và người Kinh sống chan hoà, học tập lẫn nhau về áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất... Do đó, nhiều chỉ tiêu kinh tế, xã hội qua 13 năm thực hiện đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Diện tích, năng suất, sản lượng và số lượng cây trồng vật nuôi đều tăng. So với năm 1997, năm 2009 lúa nước tăng 5,2 ha, đạt 9,7 ha; ngô tăng hơn 42 ha, đạt 202 ha; sắn 101 ha, tăng 16 ha; cây công nghiệp ngắn ngày 15,7 ha, tăng 5 ha; cây công nghiệp lâu năm 283,5 ha, tăng 40 ha; tổng đàn gia súc 1.646 con, tăng gần 700 con...; lâm nghiệp năm 2009 đạt 130 ha...”. Để giúp cho đồng bào ở Tà Rụt có nguồn vốn phát triển kinh tế, huyện và xã đã đẩy mạnh công tác cho vay vốn phát triển sản xuất và kinh doanh xoá đói giảm nghèo. Đến năm 2009 bà con được vay với tổng số vốn trên 8,1 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này đã giúp giải quyết cho hàng trăm hộ có nhu cầu và sử dụng nguồn vốn có mục đích, hiệu quả. Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy cày, máy xay xát, máy quạt thóc vừa phục vụ gia đình vừa giúp đỡ bà con trên địa bàn khi họ cần đến. Các nghề rèn, xây dựng, sửa chữa xe máy, điện tử, các quầy hàng tạp hoá, dịch vụ ngày một phát triển đáp ứng cơ bản nhu cầu thiết yếu của bà con. Bên cạnh đó, mạng lưới giáo dục, đào tạo cũng phát triển về chất lượng và số lượng. Hệ thống trường, lớp học được xây dựng kiên cố hoá và khang trang, sạch đẹp. Phần lớn trẻ em đến độ tuổi được đến trường. Hiện toàn xã có 3 trường tiểu học, 3 trường mầm non và 1 trường cấp 2, 3, trong đó ngành học mầm non có 190 cháu, tiểu học 510 học sinh, THCS và THPT 658 học sinh. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được quan tâm đúng mức, xã có 1 trạm y tế, 1 phòng khám khu vực đóng trên địa bàn, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho bà con. Ngoài ra, công tác dân số-KHHGĐ cũng được đẩy mạnh, do đó tình trạng sinh con đông, phân biệt nam, nữ được hạn chế. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ngày một phát triển, tính đến nay toàn xã có 9/9 thôn bản được phát động xây dựng làng văn hoá, trong đó có 3 làng đã được công nhận Làng văn hoá cấp huyện. Các phong tục, tập quán thuộc bản sắc văn hoá của người Pa Cô, Vân Kiều luôn được coi trọng và phát huy. Nổi bật những năm gần đây xã đã thành lập 1 đội nghệ nhân cồng chiêng để phục vụ trong các dịp lễ, hội của xã, huyện và tỉnh. Cùng với việc vận động, tuyên truyền đoàn kết dân tộc và hướng cho bà con cách đổi mới trong sản xuất, chăn nuôi..., xã Tà Rụt cũng đã thực hiện tốt công tác phối hợp với các ngành chức năng trong chương trình phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; các phong trào đền ơn đáp nghĩa đối với gia đình chính sách, người có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... Để xây dựng Tà rụt ngày một phát triển bền vững hơn, trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa trong việc đầu tư, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là về y tế và giáo dục. Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ thôn bản, xã là người dân tộc thiểu số ở địa phương. Hỗ trợ giống vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Đầu tư hơn nữa việc bảo tồn, phát huy, phát triển bản sắc văn hoá dân tộc ở địa phương. Có kế hoạch tổ chức các hoạt động giao lưu, học hỏi, rút kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, văn hoá, văn nghệ giữa các dân tộc; tạo sự đoàn kết, đồng thuận cao hơn nữa trong việc thực hiện các chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước... Ngọc Trang