Chuyển biến tích cực từ công tác giải quyết việc làm
(QT) - Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tham gia hiệu quả của người dân, công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đạt nhiều kết quả nổi bật.

Chuyển biến tích cực từ công tác giải quyết việc làm

(QT) - Với sự vào cuộc tích cực, đồng bộ trên tinh thần trách nhiệm, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự tham gia hiệu quả của người dân, công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh những năm gần đây đạt nhiều kết quả nổi bật.

Đào tạo nghề may, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn​

Có thể nói, giải quyết việc làm cho người dân là điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển kinh tế, xã hội. Số liệu thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, trung bình mỗi năm, tỉnh Quảng Trị giải quyết việc làm cho trên 11.500 lao động. Điển hình như năm 2017, toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 11.728 lao động; năm 2018 giải quyết việc làm cho 11.318 lao động; 6 tháng đầu năm 2019 giải quyết việc làm cho 7.569 lao động. Kết quả trên đã khẳng định sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong công tác giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ vậy, người lao động các địa phương không chỉ được tham gia làm việc ở tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh mà mỗi năm còn có hàng ngàn lao động tìm được việc làm ở trong nước và nước ngoài qua nhiều kênh khác nhau. Công tác giải quyết việc làm đã góp phần phát huy tối đa nội lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giảm tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị, tăng tỉ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.

Mốc đánh dấu sự chuyển biến tích cực của công tác giải quyết việc làm đó là từ khi Luật Việc làm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015. Sau khi bộ luật quan trọng này ra đời, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách thúc đẩy công tác giải quyết việc làm mang lại những kết quả khả quan như: Tín dụng ưu đãi tạo việc làm; chính sách hỗ trợ chuyển dịch việc làm đối với người lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề; chính sách việc làm công; chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài; hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên… Đối với tỉnh Quảng Trị, nhằm tạo hành trang vững chắc cho người lao động trên con đường tìm kiếm, tạo việc làm, công tác đào tạo nghề được tỉnh đặc biệt chú trọng. Mỗi năm có hàng ngàn lao động được đào tạo nghề với nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, đã trang bị kĩ năng nghề nghiệp và cơ hội để người lao động tham gia chương trình xuất khẩu lao động, tìm việc làm ở các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hay tự tạo việc làm tại chỗ ở địa phương, ngay trong gia đình.

Trên cơ sở xác định giải quyết việc làm tại chỗ là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, các cấp, ngành trên địa bàn huyện Gio Linh đã tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động giai đoạn 2016 - 2020. Đây là địa phương có sự lồng ghép, phối hợp chặt chẽ giữa công tác giải quyết việc làm với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và các chương trình, đề án khác trên địa bàn. Bên cạnh việc tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của tỉnh, huyện về công tác giải quyết việc làm, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động…cho tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân; huyện đã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bố trí, sắp xếp lại sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm mới cho lao động. Chính quyền các cấp trong huyện phối hợp với các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để lựa chọn, giới thiệu lao động, trong đó ưu tiên những người thuộc diện chính sách, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, lao động đã qua đào tạo ở các cơ sở dạy nghề tham gia xuất khẩu lao động.

Nâng cao chất lượng dịch vụ vay vốn giải quyết việc làm, phát triển sản xuất và xuất khẩu lao động qua các ngân hàng đóng trên địa bàn huyện. Gio Linh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện có hiệu quả công tác giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như 6 tháng đầu năm 2019, từ sự tích hợp, lồng ghép thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong việc giải quyết việc làm tại chỗ, toàn huyện đã tạo việc làm cho gần 1.500 người. Xuất khẩu lao động được xem là một hoạt động mũi nhọn của địa phương này. Toàn huyện hiện có 2.386 người đi xuất khẩu lao động, tập trung nhiều nhất ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… Số tiền chuyển về địa phương từ người đi xuất khẩu lao động năm 2018 ước trên 551 tỉ đồng. Qua xuất khẩu lao động, nhiều gia đình đã có điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu, góp phần làm cho bộ mặt quê hương khởi sắc.

Ông Lê Văn Trắc, Trưởng phòng Việc làm và An toàn lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, trên cơ cở những kết quả đạt được về công tác giải quyết việc làm, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai nhiều giải pháp, tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nắm được thông tin và có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời, chú trọng việc tuyên truyền cho người lao động về công tác xuất khẩu lao động, đặc biệt là những thị trường tiềm năng, từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

Thủy Ngọc