Người thương binh làm giàu từ cây lúa
Ông là Đỗ Tài Kiểm, thương binh 3/4, Phó Chủ tịch Hội tù chính trị huyện Gio Linh. Đến thôn Vinh Quang Hạ, xã Gio Quang mọi người đều biết đến ông bởi cái tên trìu mến "Vua lúa", là chủ tịch Hội Nông dân mẫu mực. 60 tuổi, từ chiến trường trở về với đôi chân không còn nguyên vẹn, không chịu khuất phục trước bệnh tật, cuộc sống đói nghèo ông đã vươn lên làm giàu chính đáng.  Theo con đường thẳng tắp, uốn quanh bởi hàng phi lao cao vút, ngôi nhà ông Kiểm nằm gọn trong ngút ngàn màu xanh ruộng lúa. ...

Người thương binh làm giàu từ cây lúa

Ông là Đỗ Tài Kiểm, thương binh 3/4, Phó Chủ tịch Hội tù chính trị huyện Gio Linh. Đến thôn Vinh Quang Hạ, xã Gio Quang mọi người đều biết đến ông bởi cái tên trìu mến "Vua lúa", là chủ tịch Hội Nông dân mẫu mực. 60 tuổi, từ chiến trường trở về với đôi chân không còn nguyên vẹn, không chịu khuất phục trước bệnh tật, cuộc sống đói nghèo ông đã vươn lên làm giàu chính đáng. Theo con đường thẳng tắp, uốn quanh bởi hàng phi lao cao vút, ngôi nhà ông Kiểm nằm gọn trong ngút ngàn màu xanh ruộng lúa. Ông chỉ tay về phía chân đồi cát bên kia cánh đồng rồi giải thích: "Ruộng nhà tui kéo dài qua tận chân đồi bên kia, rồi còn ở cánh đồng sau này nữa". Do điều kiện đất đai khí hậu không được thuận lợi như các vùng khác, nên việc thực hiện làm giàu trên quê hương là rất khó khăn. Đã bao lần ông Kiểm băn khoăn bởi bài toán, làm gì để đảm bảo đời sống gia đình, tạo điều kiện tốt nhất cho các con được ăn học. Đáp số của bài toán ấy chính là từ cây lúa, với hơn 3 ha ruộng khoán nhận từ hợp tác xã, cộng thêm 1,5 ha tự khai hoang, người thương binh Đỗ Tài Kiểm đã đưa kinh tế gia đình đi lên khá giả. Là chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ huyện Gio Linh, trong chiến dịch Mậu Thân 1968, ông bị thương nặng rồi bị địch bắt qua các nhà tù Quy Nhơn, Plâycu. Chiến tranh kết thúc, người chiến sĩ ấy trở về quê hương với cơ thể không còn nguyên vẹn như xưa, việc đi lại trở nên khó khăn hơn với đôi chân khập khểnh. Rồi ông gặp lại cô Lý Thị Phước - cô du kích gan dạ, từng là đồng đội của ông ngày nào giờ là trạm trưởng trạm y tế. Cảm thông, chia sẻ, hai người nguyện đến với nhau để xây dựng cuộc sống mới. Những ngày đầu mới lập gia đình, điều kiện rất khó khăn, chỉ vài sào ruộng công của hợp tác cộng thêm vài chục ngàn tiền trợ cấp của hai vợ chồng, ông làm đủ nghề để có thêm thu nhập, nuôi các con. Thời gian lặng lẽ trôi qua, vượt qua bao thăng trầm cuộc sống, ông Kiểm đã nhận ra rằng: "Trồng lúa là thích hợp nhất với gia đình ông, chỉ với cây lúa, dựa vào cây lúa để đưa kinh tế gia đình đi lên ". Trên diện tích lúa nhận từ hợp tác, ngày đêm người thương binh ấy vỡ thêm đất hoang để làm ruộng, nơi nào có nước ông đều dùng để trồng lúa, mảnh vườn nhà ông cũng tận dụng trồng thêm được vài sào lúa. Đất quê hợp với cây lúa, con người ông yêu cây lúa, trung bình mỗi mùa thu hoạch được 8-9 tấn, trừ phần lúa dự trữ trong gia đình ông cũng kiếm lãi vài chục triệu. Ruộng nhiều, cày trâu không kịp thời vụ, ông chung vốn với bà con trong thôn sắm máy cày. Năm 2001, ông dùng toàn bộ số tiền dành dụm được sắm riêng một máy cày để chủ động cày ruộng nhà. Khi có hạt lúa trong nhà, ông bắt đầu chuyển sang nuôi vịt đàn, đàn vịt nuôi theo vụ lúa vừa tiết kiệm được thức ăn mà vịt lại chóng lớn. Ông giải thích: "Trước khi thu hoạch lúa khoảng 2 tháng, ông cho ươm đàn vịt vài trăm con. Còn nhỏ nên công việc chăm sóc phải cẩn thận, tiêm phòng đủ liều cho mỗi con mới đảm bảo đàn vịt đều, không bị bệnh tật gì. Thu hoạch lúa xong thì cũng là lúc đàn vịt đủ lông đủ cánh để đưa ra đồng, đó là môi trường tốt để vịt chóng lớn, lại tiết kiệm nguồn thức ăn". Mỗi năm 2 vụ lúa thì ông có thêm 2 lứa vịt, trừ chi phí xong cũng thu lãi 5-7 triệu đồng. Ngoài đàn vịt theo mùa, gia đình ông thường xuyên thả vài lợn nái, chục lợn thịt để thêm thu nhập, nguồn thức ăn chủ yếu từ cám gạo và rau có sẵn trong vườn nhà. Với 4,5 ha trồng lúa, sau khi trừ chi phí phân bón đến công gặt, 2 vụ lúa trong năm gia đình ông lãi 50 triệu đồng. Cộng thêm các nguồn thu khác từ vịt, lợn...bình quân thu nhập gia đình ông Kiểm đạt 60-70 triệu đồng/ năm. Từ cây lúa, kinh tế gia đình người thương binh này đã có bước thay đổi lớn. Các con ông ai cũng học hành đến nơi đến chốn. Con cả Đỗ Tài Định học xong giờ đã có công việc ổn định ở thành phố Hồ Chí Minh; con kế Đỗ Tài Luật đang học năm cuối Cao đẳng Tài chính kế toán; con kế nữa là Đỗ Tài Quốc đang thi vào trường Đại học Giao thông vận tải... Điều làm ông Kiểm vui nhất là các con ông người nào cũng học hành chăm chỉ, hiền lành và biết yêu thương nhau. Cứ mỗi người ra trường lại nhận nuôi em kế tiếp ăn học để đỡ đần cha mẹ. Nhờ sự cần cù, chịu khó lao động chăm chỉ, ông Kiểm đã xây dựng được một cơ ngơi vững chắc, gia đình hạnh phúc, các con được học hành đàng hoàng. "Đó là niềm hạnh phúc nhất của một người thương binh, làm giàu được cho gia đình, cho quê hương chính là một cách góp phần xây dựng đất nước", ông tâm sự. Lệ Như