Mưu sinh đêm
(QT) - Trong yên ả của thành phố Đông Hà về đêm, có những người cặm cụi, lặng lẽ làm việc kiếm kế sinh nhai. Quãng thời gian khi mọi người chìm vào giấc ngủ say cũng là lúc họ xuống đường phố bươn bả mưu sinh. Bằng những công việc khác nhau, họ lấy đêm làm ngày để nuôi sống bản thân, gia đình và  nuôi dưỡng những… ước mơ của mình.

Mưu sinh đêm

(QT) - Trong yên ả của thành phố Đông Hà về đêm, có những người cặm cụi, lặng lẽ làm việc kiếm kế sinh nhai. Quãng thời gian khi mọi người chìm vào giấc ngủ say cũng là lúc họ xuống đường phố bươn bả mưu sinh. Bằng những công việc khác nhau, họ lấy đêm làm ngày để nuôi sống bản thân, gia đình và nuôi dưỡng những… ước mơ của mình.

Chị Hồ Thị Hoa bán trái cây cho khách trước cổng chợ Đông Hà

Lấy đêm làm ngày Khoảng 21 giờ, trong mờ ảo ánh đèn đêm, tôi tìm vào một góc quán bán đồ ăn khuya nằm đối diện siêu thị Coo.opmart. Gọi là quán chứ thực ra chỉ có một chiếc xe đẩy và vài bộ bàn ghế nhựa được bày ra trên hè phố. Một phụ nữ trung niên tầm 50 tuổi, gương mặt phúc hậu vồn vã đón khách và không quên hỏi: “Chú dùng món gì? Ăn hay nhậu?”. Người phụ nữ ấy là chị Đoài, chủ quán. Đợi lúc vãn khách, tôi lân la bắt chuyện.

Vừa lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán vì đứng gần lò bếp than đỏ rực, chị Đoài vừa tâm sự: “Tôi làm nghề bán đồ ăn khuya cũng được hơn 20 năm rồi. Lúc đầu chỉ bán cháo gánh quanh khu vực gần nhà. Từ năm 2010, tôi mới đầu tư sắm một chiếc xe đẩy rồi ra đây ngồi để bán các món ăn, đồ nhậu bình dân cho khách qua đường. Thông thường, tôi bán đến khi nào hết khách thì thôi. Mà chú thấy rồi đấy, khu vực chợ thì có lúc nào vắng người đâu. Dù thu nhập lúc nhiều lúc ít nhưng cũng có thêm đồng tiền, bát gạo nuôi con”.

Quán của chị Đoài mở hàng từ 19 giờ đến 5 giờ sáng ngày hôm sau. Đều đặn mỗi ngày, buổi trưa chị đi lấy nguyên liệu về chế biến rồi đến chập tối đẩy xe ra đối diện chợ ngồi… đợi khách. Sáng hôm sau về ngủ lấy sức rồi đến tối lại tiếp tục chu kỳ như vậy. Hôm tôi ghé quán, người con gái lớn của chị Đoài đang phụ giúp mẹ bưng bê thức ăn cho khách. Em nhanh nhảu nói: “Thấy mẹ thức đêm làm việc quần quật, chúng em thương lắm. Khi nào rảnh việc nhà là em ra đây phụ mẹ. Chị em chúng em luôn nhắc nhở nhau cố gắng học tốt và ngoan ngoãn để không phụ lòng ba mẹ”. Nghe con gái nói vậy, chị Đoài nở nụ cười hạnh phúc rồi tiếp tục chế biến đồ ăn cho khách đang đợi.

Cách quán chị Đoài không xa là quầy hàng bán nước giải khát và trứng vịt lộn của chị Nở. Nhà chị Nở ở phường 2, thành phố Đông Hà. Chị theo “nghề” bán trứng vịt lộn ở chân cầu Đông Hà đã hơn 10 năm nay. Khởi đầu chỉ là đôi quang gánh với chiếc ghế nhỏ, đặt lên trên đó là ánh đèn cầy leo lắt. Sau này, khi tích cóp được chút vốn, chị sắm thêm một chiếc xe đẩy để phục vụ việc buôn bán cũng như thuận tiện hơn trong việc vận chuyển quầy hàng của mình.

Chị Đoài cùng con gái chế biến món ăn cho khách

Hàng ngày, chị Nở dọn hàng dưới chân cầu từ 5 giờ chiều đến 3 giờ sáng ngày hôm sau. Chị bán đủ loại hàng, từ bánh kẹo, nước giải khát đến thuốc lá, card điện thoại… và “món hàng” quan trọng nhất vẫn là trứng vịt lộn. Chị cười hiền nói: “Làm nhiều thành quen, cứ lấy đêm làm ngày miết nên giờ đồng hồ sinh học của tôi ngược lại với người bình thường mất rồi. Họ làm ngày, ngủ đêm còn tôi làm đêm ngủ ngày”. Khi hỏi cơ duyên nào đưa chị tới nghề này và bám trụ với nơi đây thì chị nói rằng nhờ gánh vịt lộn mà nuôi được gia đình và nuôi dạy con nên người. Giờ các con đã lớn, lập gia đình hết cả rồi nhưng chị vẫn theo nghề chỉ vì một lí do… “yêu nghề”.

Nói không sai, sau bao năm bươn bả lấy đêm làm ngày với nghề bán vịt lộn, nay chỉ cần nhìn thoáng qua là chị biết được trứng nào già, trứng nào non và chất lượng từng quả như thế nào. Khách chỉ cần yêu cầu là chị chọn đúng như ý nên ít ai phàn nàn. “Nghề này cũng thú vị lắm. Mặc dù là quầy hàng của tôi nhỏ như “mắt muỗi” nhưng từ anh xe thồ tới các ông khách sang trọng ngồi trên ô tô đều ghé vào làm vài cái trứng lộn, uống ly nước. Mặc dù thức trắng đêm miết nhưng vì quen rồi nên cũng không thấy mệt, giờ mà nghỉ một ngày là ngứa ngáy tay chân lắm”, chị Nở bộc bạch.

Nuôi những ước mơ Trong cơn mưa phùn bất chợt giữa tháng 2 âm lịch, mọi người nhanh chóng tìm cho mình chỗ trú hoặc vội vã về với ngôi nhà ấm áp nhưng anh Trung vẫn kiên trì ngồi đợi khách trên chiếc xe máy hiệu Dream đã cũ với chiếc áo mưa mỏng mảnh. Như thấy được ánh nhìn ái ngại của tôi, anh bình thản đáp: “Chỉ khi nào mưa bão, tôi mới nghỉ ở nhà thôi. Chứ trời mưa lất phất như thế này thì ăn thua gì, chỉ cần che tạm cái ô, mặc thêm bộ áo mưa là ổn thôi mà. Tôi mà nghỉ một ngày là các con tôi ở nhà thiếu đi bữa ăn, vợ thiếu tiền mua thuốc”. Sau vài câu làm quen, anh Trung lúc này đã vui vẻ hơn.

Rít một hơi thuốc rồi nhả làn khói trắng vất vưởng vào thinh không, anh kể: “Lúc trước, tôi từng đi bộ đội. Sau đó xuất ngũ về quê cưới vợ rồi sinh con. Lúc bấy giờ, tài sản cả gia đình chỉ có chiếc xe máy HONDA 67 cũ của bố mẹ để lại nên tôi nảy sinh ý định làm tạm nghề xe ôm kiếm kế sinh nhai rồi sau này có vốn sẽ chuyển nghề khác. Từ đó, nghề xe ôm như vận vào tôi. Tính đến nay cũng ngót nghét 30 năm rồi đấy chú ạ”.

Quanh khu vực chợ Đông Hà có khoảng 10 người hành nghề xe ôm như anh Trung, người trẻ nhất 30 và già nhất khoảng 60 tuổi. Hầu hết, họ đều có hoàn cảnh không mấy khá giả. Gia đình anh Trung thuộc hàng “hoàn cảnh” nhất trong nhóm xe ôm. Vợ anh đau ốm triền miên, không làm được việc nặng. Một mình anh gánh vác mọi việc trong nhà và nuôi đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Anh nói: “Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhờ có sức khỏe, tôi luôn chăm chỉ làm việc để vợ và con tôi không phải khổ. Tôi đang tích cóp tiền để đưa vợ đi chữa bệnh”.

Một quán bán đồ ăn khuya trước chợ Đông Hà

Chia tay anh Trung, tôi tạt vào quầy hàng bán trái cây của chị Hồ Thị Hoa sát ngay cổng chợ Đông Hà. Thấy có khách tới mua hàng, chị nhanh nhảu giới thiệu các loại trái cây. Chị Hoa cho hay, nhà chị ở khu phố 6, phường 2, thành phố Đông Hà, làm nghề bán trái cây ở chợ từ năm 2000. Cả năm, chị chỉ nghỉ đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán, còn lại 364 đêm chị ngồi nơi đây. “Tôi bán từ 5 giờ chiều đến khoảng 1 giờ sáng hôm sau là dọn hàng về nhà. Quầy của tôi bán đủ loại trái cây, từ Nam chí Bắc loại nào cũng có cả. Vì lựa chọn kỹ càng và có nguồn gốc rõ ràng nên khách hàng tin tưởng lắm. Làm gì cũng phải có uy tín thì mới tồn tại lâu được chứ”, chị Hoa tâm sự.

Nhà chị có 4 người, chồng làm thợ “đụng”, người con trai cả vào miền Nam làm công nhân, còn người con trai út đang học lớp 11. Mong ước lớn nhất bây giờ của vợ chồng chị là cho người con trai út học đại học. Bởi, chị tin con cái có học thức, có trí tuệ mới mong thoát cảnh nghèo khó như đời chị. “Làm nghề này tuy nhẹ nhàng nhưng không phải không vất vả, cực nhọc.

Nhiều lúc, trái cây mua về bị hư hỏng phải bỏ đi hết nên lỗ vốn nặng. Nếu buôn bán thuận lợi thì trung bình mỗi ngày, tôi thu tiền lời khoảng 100 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí ăn uống số tiền còn lại tôi để dành cho con út đi học. Đó là niềm hy vọng của cả gia đình tôi”, ánh mắt chị Hoa ấm áp niềm tin.

Hiện nay, quanh khu vực chợ Đông Hà, đêm đêm vẫn có những con người, những phận đời cần mẫn, cặm cụi làm nhiều nghề để mưu sinh. Sớm mai, người về nhà, người tiếp tục rong ruổi bắt đầu một cuộc kiếm sống mới. Họ lấy đêm làm ngày để mưu sinh và gửi gắm vào ngày mai những ước mơ rất đỗi giản dị của mình.

Trần Tuyền