(QT) - Cùng với sự phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội thì việc xây dựng các nghĩa trang nhân dân là một vấn đề cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu chôn cất, mai táng của nhân dân khi có người qua đời. Tuy nhiên qua khảo sát cho thấy, thực trạng việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất nghĩa trang trên địa bàn tỉnh Quảng Trị còn nhiều bất cập, với nhiều nguyên nhân như do lịch sử quá trình hình thành và phân bố các khu vực nghĩa trang được để lại từ nhiều đời trước; có địa phương không có quy hoạch đất làm nghĩa trang; việc quản lý, sử dụng quỹ đất của các địa phương còn lỏng lẻo, không có quy định; nhận thức của chính quyền và người dân về ô nhiễm môi trường chưa đầy đủ. Từ đó đã dẫn đến hậu quả là việc xây dựng các nghĩa trang chưa hợp lý, không theo quy hoạch, kế hoạch; nhiều nơi các hộ gia đình, dòng họ tự khoanh bao, lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công làm đất nghĩa trang riêng, làm mộ giả để chiếm đất, giữ đất; có nơi không có đất làm nghĩa trang nên khi có người chết phải mua đất để chôn; bố trí khu nghĩa trang gần khu dân cư, thậm chí có nhiều ngôi mộ nằm rãi rác trong khu dân cư, làm ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt của người dân; các khu vực nghĩa trang hầu hết chưa có ranh giới rõ ràng, không có tường bao, rãnh thoát nước, chưa bố trí đường đi, cây xanh xung quanh khu vực nghĩa trang, dẫn đến tình trạng lấn chiếm, phá phách, mất vệ sinh, ảnh hưởng đến công tác trị an, sự tôn nghiêm trong khu vực nghĩa trang... Theo chúng tôi, để khắc phục thực trạng này thì nhất thiết phải thực hiện quy hoạch và đặt ra các quy định về quản lý, sử dụng hệ thống nghĩa trang nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề mà các cấp chính quyền nên sớm quan tâm giải quyết. Khi quy hoạch hệ thống nghĩa trang nhân dân, cơ quan chức năng cần chú ý đến các yêu cầu như đảm bảo tính bền vững, hiện đại, đáp ứng nhu cầu chôn cất, mai táng trước mắt và lâu dài của nhân dân, đồng thời phù hợp với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, bảo đảm tiết kiệm đất, kinh phí xây dựng và hạn chế tối đa việc ô nhiễm môi trường, nguồn nước, đảm bảo các yêu cầu về cảnh quan và thuận tiện cho công tác quản lý, sử dụng sau này. Quy hoạch hệ thống nghĩa trang phải theo hướng sẽ chuyển dần từ hình thức mai táng truyền thống sang hình thức mai táng tiên tiến, phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Cần phải di dời các nghĩa trang có quy mô nhỏ nằm xen kẽ trong dân cư, đất canh tác, quy tập các khu mồ mả trong nội thành, nội thị vào các khu nghĩa trang tập trung để dành quỹ đất cho phát triển đô thị, đồng thời thực hiện xã hội hoá đầu tư xây dựng và quản lý nghĩa trang. LÊ THIỆN