(QT) - “Ba Lòng bây giờ đổi thay nhiều lắm, tất cả cũng chỉ từ ý Đảng gặp lòng Dân, anh muốn biết thì vào trong đó một chuyến”, theo lời gợi mở của một cán bộ Huyện ủy Đakrông, từ thị trấn Krông Klang tôi vượt quãng đường hơn 17 km giữa màu xanh của ngút ngàn ruộng bắp, đậu và những cánh rừng trồng để đến với xã Ba Lòng, một địa danh nức tiếng trong 9 năm trường kỳ chống Pháp khi được chọn làm chiến khu kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân Quảng Trị.
![]() |
Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của một gia đình nông dân ở thôn Văn Vận, xã Ba Lòng |
Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2010 - 2015 Lê Thị Phương trong câu chuyện với tôi khi đề cập về những tháng ngày cả hệ thống chính trị của địa phương vào cuộc để thực hiện mục tiêu tạo bước đột phá về giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân, dẫu không nói nhiều về những công việc cụ thể nhưng tôi hiểu đây là một quá trình không hề đơn giản, đòi hỏi quyết tâm cao, sự năng động của đội ngũ cán bộ và đồng thuận, ủng hộ của người dân.
Vào đầu nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo của Ba Lòng chiếm trên 23%, còn lại đa số là hộ mới vượt qua chuẩn nghèo, số hộ khá giả chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ba Lòng sơn thủy hữu tình, có truyền thống cách mạng, có diện tích bãi bồi ven sông, lúa nước và đất rừng lớn nhưng vì sao đời sống của người dân vẫn gặp nhiều khó khăn?
Đây là câu hỏi đầy trăn trở, được đặt ra ở nhiều hội nghị, cuộc họp của cấp ủy, chính quyền địa phương. Phải có chủ trương lãnh đạo sát thực tế, khai thác được điều kiện tự nhiên, tiềm lực đất đai, khơi dậy ý chí vượt khó vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân và yêu cầu đặt ra là đảng viên phải gương mẫu đi đầu đã được Đảng bộ xã Ba Lòng xác định, triển khai thực hiện. Nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động được cấp ủy ban hành, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể đề ra giải pháp thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thi, Bí thư chi bộ thôn Văn Vận chia sẻ, từ chủ trương của đảng ủy xã, chi bộ thôn tổ chức quán triệt và đề ra giải pháp thực hiện. Chi bộ có 5 đảng viên, ở rất nhiều cuộc họp vấn đề chăn nuôi, trồng trọt như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cũng được bàn thảo sôi nổi.
![]() |
Diện mạo nông thôn mới của xã Ba Lòng đã có nhiều khởi sắc |
Ý kiến nhiều và có lúc chưa thống nhất nhưng đúc kết lại chi bộ thôn Văn Vận xác định mấy việc cụ thể phải làm là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động 80 hộ dân thay đổi lối nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế; xây dựng và nhân rộng một số mô hình chăn nuôi gia súc có quy mô, trồng cây lương thực, hoa màu, trồng rừng theo hướng thâm canh, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường và triển khai mô hình kinh doanh - dịch vụ; động viên người dân giúp đỡ, chia sẻ lẫn nhau về vốn, giống cây, con, máy móc nông nghiệp, kinh nghiệm sản xuất và đảng viên phải là người tiên phong làm trước.
Để thực hiện, Bí thư chi bộ Nguyễn Văn Thi bắt tay ngay vào việc mở rộng chăn nuôi. “Thay vì bán trâu giống như trước đây, tôi để lại nuôi để tăng đàn và chỉ sau một thời gian ngắn đàn trâu của tôi đã tăng lên 11 con. Trâu trưởng thành bán cho người có nhu cầu mua về phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm giống có giá cao hơn rất nhiều. Thấy lợi nhuận tốt, tôi tiếp tục đầu tư phát triển đàn bò, ban đầu cũng chỉ 2 - 3 con, sau đó nâng lên 8 con. Ai có nhu cầu học hỏi về kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh, gây đàn và hỗ trợ con giống tôi luôn sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ. Không chỉ tôi mà các đảng viên trong chi bộ đều làm, người thì mở rộng diện tích trồng rừng, người thì “lấn sân” sang lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ…”, ông Thi kể.
Thấy bí thư chi bộ và đảng viên “tăng tốc” trong phát triển kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của gia đình theo đó cũng được nâng lên rõ rệt và thường xuyên tuyên truyền, vận động nên nhiều hộ gia đình ở thôn Văn Vận không thể ngồi yên. Chia sẻ về hành trình giảm nghèo của mình, bà Lê Thị Mến cho biết, thấy hoàn cảnh của hai mẹ con quá khó khăn, cùng với thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ và nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chi bộ và Ban điều hành thôn Văn Vận đã đề xuất UBND xã hỗ trợ cho bà một con bò giống rồi tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh.
Đến giữa năm 2015, đàn bò của bà đã tăng lên 5 con, năm 2016 bà xây dựng được căn nhà cấp 4 rồi thoát nghèo và đến thời điểm này bà đã sở hữu trong tay 8 con bò. Dù đã có 1 chiếc máy cày phục vụ sản xuất của gia đình và làm dịch vụ cho một vài hộ ở trong thôn nhưng anh Lê Văn Lành nhận định, khi mở rộng diện tích canh tác và trồng rừng thì việc sử dụng máy móc trong khâu làm đất, vận chuyển sẽ tăng cao, nếu mua thêm một chiếc nữa thì không chỉ giải quyết được nhu cầu của người dân mà việc làm, thu nhập của gia đình cũng sẽ được cải thiện.
Nghĩ là làm và đến cuối năm 2014, anh Lành không chỉ sở hữu 2 chiếc máy cày mà còn có trong tay đàn trâu 8 con, 2 ha rừng trồng và vài sào đất trồng đậu xanh, bắp, mỗi khi mùa vụ vào lúc cao điểm anh còn giải quyết việc làm cho 5 - 6 lao động địa phương. “Đất đai, sức lao động thì có sẵn nhưng điều mà người dân thiếu và cần chính là sự định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ của cấp ủy đảng, chính quyền. Khi có được những điều này thì việc giảm nghèo bền vững rồi vươn lên khá giả không phải quá khó”, anh Lành nói.
Ở thôn Văn Vận có rất nhiều người thoát nghèo, vươn lên làm giàu như bà Mến, anh Lành. Chỉ trong 5 năm qua, Văn Vận đã giảm được 11 hộ nghèo và đến nay thôn chỉ còn 5 hộ nghèo, có 28 hộ khá giả và giàu. Cùng tôi đi tìm hiểu tình hình sản xuất, sinh hoạt của người dân thôn Tân Trà, Bí thư chi bộ thôn Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết: “Tân Trà có hơn 60 ha rừng, 31,5 ha đất nông nghiệp, đàn trâu bò trên 300 con…Từ 3 - 4 năm trở lại đây, cuộc sống của người dân đã có bước đổi thay lớn.
Toàn thôn có 101 hộ, còn 16 hộ nghèo theo chuẩn mới nhưng lại có 40% số hộ thuộc diện khá và giàu. Trong năm nay chúng tôi đang phấn đấu để giúp đỡ 2 hộ thoát nghèo”. Đến thăm nhà của anh Phan Ngọc Túy, ít ai có thể hình dung được người thanh niên này đang sở hữu một khối tài sản tương đối lớn với 5 ha rừng, 2 ha đất nông nghiệp, đàn trâu bò 35 con cùng nhiều loại máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất.
Hỏi kinh nghiệm làm ăn, anh Túy cho hay: “Tôi và vợ luôn xác định mình phải siêng năng, chịu khó, nắm bắt được nhu cầu của thị trường để sản xuất. Bên cạnh đó là sự quan tâm động viên, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của cấp ủy, chính quyền địa phương. Người làm ăn như tôi ở Tân Trà cũng khá nhiều”.
Bí thư chi bộ Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết thêm, người dân địa phương hiện đang rất tin tưởng vào cấp ủy, chính quyền địa phương. Lý giải về điều này, anh Tuấn cho rằng vấn đề mấu chốt là phải đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Từ chủ trương của cấp trên, phải bàn bạc, cụ thể hóa sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương và tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Đơn cử như đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, đảng ủy xã đã đề ra chủ trương là ưu tiên đầu tư cho những công trình cấp bách, vùng sản xuất trọng điểm, vùng đông dân cư hay như việc chỉ đạo tập trung giải quyết những tồn đọng, vướng mắc, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho các hộ gia đình bởi đây chính là những điều kiện, cơ sở mang tính quyết định để người dân yên tâm làm ăn…
Đồng chí Lê Quang Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng nhiệm kỳ 2015 - 2020 dẫn một vài thông tin, hiện nay xã có 698 hộ, 2.997 nhân khẩu cư trú trên địa bàn 10 thôn; tổng diện tích gieo trồng lúa và hoa màu 418,7 ha; hơn 620 ha rừng trồng; đàn trâu bò trên 1.500 con; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới trên 20%...Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm 2010 - 2015 của xã là 17,79%, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020 đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng từ 20 - 25%/năm; hàng năm giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3 - 4%; đến năm 2020 xã đạt chuẩn nông thôn mới; hàng năm 100% tổ chức cơ sở đảng được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 60 - 70% đạt trong sạch vững mạnh; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 15% hoàn thành tốt nhiệm vụ...
Đến nay, sau hơn 2 năm thực hiện nghị quyết, có thể thấy rằng địa phương đang triển khai hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp đề ra. Chủ tịch UBND xã Ba Lòng Trần Văn Việt chia sẻ, về kinh tế - xã hội, Ba Lòng đã tạo được bước chuyển dịch cơ bản về cơ cấu kinh tế, sản xuất nông - lâm nghiệp đã theo hướng hàng hóa với các sản phẩm chủ lực như trâu, bò, gỗ rừng trồng, đậu xanh. Ở 10 thôn đều có nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh - dịch vụ quy mô, mang lại hiệu quả kinh tế cao, số hộ khá giả, giàu chiếm tỷ lệ ngày càng cao.
Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh được quan tâm đầu tư. Xây dựng nông thôn mới được tuyên truyền, triển khai đồng bộ, tạo sự đồng thuận, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và mang lại những kết quả tích cực. Tuy vậy, Ba Lòng vẫn còn những khó khăn, hạn chế, trong đó cơ bản nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất - dân sinh còn thiếu, khi xác định hộ nghèo theo chuẩn mới thì tỷ lệ hộ nghèo của địa phương tăng cao, tập trung chủ yếu ở thôn Khe Cau, nơi có 46 hộ đồng bào dân tộc Vân Kiều sinh sống và các hộ neo đơn, già yếu, không còn sức lao động.
Đây là những vấn đề mà cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tập trung giải quyết trong thời gian tới. “Điều mà chúng tôi tâm đắc nhất chính là người dân luôn ủng hộ, chấp hành tốt chủ trương của cấp ủy, giải pháp của chính quyền trong phát triển kinh tế, từ đó đầu tư mở rộng các loại hình sản xuất - kinh doanh để giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu. Tới đây, khi triển khai sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020, chúng tôi sẽ đánh giá toàn diện, chi tiết những kết quả đạt được nhưng sơ bộ có thể thấy rằng, phần lớn các chỉ tiêu đề ra trong nghị quyết của đảng ủy hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị đều đạt và vượt”, Bí thư Đảng ủy Lê Quang Hiền nói.
Đề cập về những giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của địa phương, người đứng đầu cấp ủy đảng xã Ba Lòng cho rằng, với 14 chi bộ trực thuộc, 100 đảng viên, Đảng bộ xã luôn tổ chức hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, học tập, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật củaNhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của cấp ủy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Các nghị quyết, chủ trương lãnh đạo về phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh trước khi ban hành đều được lấy ý kiến rộng rãi, do đó đã tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao. Từ chủ trương của Đảng bộ xã, các chi bộ đã kịp thời quán triệt, xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, lãnh đạo phù hợp với tình hình thực tế.
“Chúng tôi cũng đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tổ chức đảng, đảng viên. Việc sinh hoạt chi bộ được thực hiện nghiêm túc, đảng viên được nắm bắt tình hình, được bàn thảo, quyết định các chủ trương, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chính trị, chú trọng giải quyết những vấn đề người dân quan tâm, bức xúc; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, mọi vấn đề phải được công khai, minh bạch, dân chủ. Quan tâm phát huy tính tự giác rèn luyện để mỗi đảng viên tự hoàn thiện bản thân, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức gắn với tích cực thực hiện Chỉ thị số 05 - CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Năm 2016, qua đánh giá chất lượng 14 tổ chức cơ sở đảng có 7 chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, 7 chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; trong 93 đảng viên được đánh giá có 11 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 75 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đồng chí Lê Quang Hiền cho biết thêm.
“Mấy năm gần đây, Đảng bộ xã Ba Lòng là điểm sáng trong 14 Đảng bộ xã, thị trấn của huyện Đakrông về phát huy tinh thần đoàn kết, năng động và sáng tạo trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, nổi bật là trong xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững và vươn lên làm giàu trong nhân dân. Cách làm, kết quả đạt được của Đảng bộ xã Ba Lòng gợi mở nhiều vấn đề quan trọng về bám sát thực tiễn, đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức cơ sở đảng và phát huy tính tiên phong gương mẫu của đảng viên để Ban Thường vụ Huyện ủy đúc kết, tiếp tục chỉ đạo cấp ủy đảng các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nghiên cứu, thực hiện”, đồng chí Ly Kiều Vân, Bí thư Huyện ủy Đakrông nói.
Đi qua những thôn xóm của Ba Lòng hôm nay, tôi cảm nhận rất rõ sự đổi thay nhanh chóng về mọi mặt của một xã vùng chiến khu xưa. Thành tựu đạt được là đáng trân trọng và tự hào, là kết tinh của ý Đảng, lòng Dân. Ba Lòng vẫn còn đó những trăn trở, hạn chế trong tạo bước đột phá cơ bản, vững chắc hơn về phát triển kinh tế - xã hội, về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Những vấn đề này, nhiều cán bộ cốt cán của xã đã rất thẳng thắn nhìn nhận và cho rằng đây là những thách thức không nhỏ đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng địa phương.
Những trăn trở này không chỉ của cán bộ và nhân dân xã Ba Lòng mà còn là sự quan tâm của lãnh đạo huyện Đakrông nhưng tôi có niềm tin rằng, với những thành tựu đạt được, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực không ngừng của mình, Đảng bộ xã Ba Lòng sẽ tìm ra giải pháp cho những vấn đề này để địa phương tiếp tục có bước phát triển mới và vững chắc hơn, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương.
Huy Nam