Hội thảo nâng cao hiệu quả kinh tế một số cây trồng
(QT) - Ngày 25/4/2011, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức hội thảo khoa học tìm biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc và một số cây trồng trên địa bàn. Tham dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Chương, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; trung tâm KHKT nông nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn; lãnh đạo huyện Cam Lộ, các phòng ban chức năng và địa phương trong huyện.  Cam Lộ là một huyện thuần nông với 82% dân số sống ở vùng nông thôn, diện ...

Hội thảo nâng cao hiệu quả kinh tế một số cây trồng

(QT) - Ngày 25/4/2011, UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) tổ chức hội thảo khoa học tìm biện pháp nâng cao hiệu quả kinh tế vùng lạc và một số cây trồng trên địa bàn. Tham dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Chương, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ; đại diện lãnh đạo các sở, ngành; trung tâm KHKT nông nghiệp, các doanh nghiệp trên địa bàn; lãnh đạo huyện Cam Lộ, các phòng ban chức năng và địa phương trong huyện. Cam Lộ là một huyện thuần nông với 82% dân số sống ở vùng nông thôn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 80% diện tích tự nhiên, trong đó có 1.632 ha đất lúa, 2.252 ha đất trồng lạc và các cây ngắn ngày, 5.500 ha đất trồng cây công nghiệp lâu năm (cao su 4.500 ha, hồ tiêu 1.000 ha). Những năm qua, bằng nhiều giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huyện Cam Lộ đã chú trọng đầu tư phát triển nông nghiệp chiều sâu, tạo bước chuyển về chất trong sản xuất nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cải thiện đời sống người lao động. Cây lạc là cây trồng truyền thống của Cam Lộ, là cây trồng đứng thứ hai (sau cây lúa), diện tích gieo trồng bình quân hàng năm từ 1.000 đến 1.200 ha, nhưng thời gian qua, do giá cả nông sản biến động thất thường, giá vật tư nông nghiệp tăng cao, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, sâu bệnh phá hoại nặng nề, giống lạc đã thoái hóa, người trồng lạc không mấy mặn mà với cây trồng có nhiều ưu thế trên vùng đất này nên năng suất cũng như diện tích trồng lạc ngày càng giảm. Để nâng cao giá trị cây lạc của địa phương, huyện Cam Lộ đã tích cực triển khai các biện pháp nâng cao nhận thức của người dân về thâm canh, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giống, tổ chức mạng lưới tiêu thụ nông sản giúp nông dân ổn định sản xuất và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên hiện tại cây lạc vẫn phát triển một cách manh mún và mang tính tự phát, chưa xây dựng được vùng chuyên canh với sự phát triển bền vững, có chiều sâu, người nông dân vẫn chưa mặn mà với cây lạc. Bên cạnh đó, cây hồ tiêu cũng là cây trồng truyền thống đã có mặt từ lâu đời trên vùng đất này, giá trị và thương hiệu của cây hồ tiêu đã được khẳng định nhưng do những tác động tiêu cực của thị trường, dịch bệnh, phương thức canh tác lạc hậu, diện tích hồ tiêu đã giảm rất mạnh từ 1.200 ha lúc cao điểm nay chỉ còn chưa đầy 300 ha, nhiều vùng người dân đã phá bỏ cây hồ tiêu để trồng các loại cây ngắn ngày khác, với thực tế này, nguy cơ cây hồ tiêu bị xóa sổ trên địa bàn là khó tránh khỏi. Tại hội thảo lần này, trên cơ sở đề án nâng cao hiệu quả vùng lạc và đề án phục hồi, phát triển cây hồ tiêu của huyện giai đoạn 2011 – 2015, các nhà khoa học và quản lý nông nghiệp đã tập trung đi sâu phân tích những nguyên nhân làm cho các cây trồng truyền thống không phát huy được trên địa bàn, đồng thời cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế yếu kém của địa phương và người nông dân trong định hướng chiến lược cũng như quy trình đầu tư thâm canh. Với các cây trồng truyền thống có nhiều lợi thế này, các đại biểu đều thống nhất khuyến cáo địa phương cũng như người nông dân cần phải mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác, thay đổi giống đã thoái hóa, xây dựng quy trình thâm canh phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng để chủ động đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng được các nhà doanh nghiệp quan tâm và đề xuất nhiều giải pháp mang tính bền vững và lâu dài. Để phục hồi, phát triển và nâng cao hiệu quả một số cây trồng truyền thống trên địa bàn cần phải tăng cường hơn nữa mối quan hệ, liên kết giữa 4 nhà theo tinh thần Nghị quyết 80 của Chính phủ, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân về một nền nông nghiệp bền vững, gắn bó với thị trường, trên cơ sở tiềm năng lợi thế của địa phương cần phải quy hoạch xây dựng các vùng chuyên canh để đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa có số lượng cũng như chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. H.Đ