(QT) - Hiện nay, tình trạng người dân đau ốm tìm đến các nhà thuốc khai bệnh để mua thuốc uống mà không cần đơn thuốc theo chỉ định của bác sĩ đang diễn ra phổ biến. Điều đáng lo ngại là nhiều người không chỉ khai bệnh để mua thuốc thông thường mà còn lạm dụng cả thuốc kháng sinh. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam ngày càng trở nên trầm trọng.
Trong ngành Y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về y khoa (chỉ định điều trị), kinh tế (căn cứ để tính chi phí điều trị) và pháp lý (căn cứ để giải quyết các khía cạnh pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề dược). Một đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo quy định, các thuốc được kê hợp lý về hàm lượng, cách dùng, liều dùng... sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cấp phát, sử dụng thuốc, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng chưa tuân thủ đầy đủ quy chế kê đơn thuốc ngoại trú; tình trạng lạm dụng thuốc và lạm dụng kháng sinh, thuốc tiêm, vitamin đang là vấn đề đáng báo động. Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế về việc bán thuốc kháng sinh tại các cơ sở bán lẻ thuốc ở vùng nông thôn và thành thị trên địa bàn cả nước cho thấy, nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người bán thuốc và người dân còn thấp, đặc biệt ở vùng nông thôn. Phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn 88% (ở thành thị) và 91% (ở nông thôn). Kháng sinh đóng góp 13,4% (ở thành thị) và 18,7% (ở nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.
Trên thực tế, kháng sinh có tác dụng duy nhất đối với những trường hợp bị nhiễm khuẩn. Những trường hợp nhiễm bệnh không do vi khuẩn mà sử dụng kháng sinh sẽ gây tác hại là kháng thuốc. Các nhóm vi khuẩn, virus có khả năng biến đổi rất nhanh và thích ứng với các loại kháng sinh nên tự tạo ra các dòng vi khuẩn mới để kháng lại kháng sinh, dẫn đến người bệnh phải dùng loại mạnh hơn. Nếu vi khuẩn vẫn kháng với loại kháng sinh mới thì phải tiếp tục thay đổi điều trị bằng kháng sinh khác. Việc tìm một loại kháng sinh mới rất khó, trong khi vi khuẩn biến đổi nhanh nên rất khó khăn trong việc điều trị đối với người bị kháng thuốc. Tất cả các kháng sinh đều có tác dụng phụ nên nếu sử dụng không đúng mục đích sẽ có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chức năng gan, thận, thậm chí gây phản ứng, dị ứng nặng, dẫn đến tử vong. Do đó, việc điều trị bằng kháng sinh không thể tùy tiện, bởi mỗi loại bệnh nhiễm khuẩn sẽ có một kháng sinh điều trị tương ứng. Ngoài ra, để tránh bị kháng thuốc, bác sĩ có kinh nghiệm khi kê đơn sẽ biết cách phối hợp nhiều kháng sinh để tăng hiệu quả điều trị, trong khi đó dược sĩ thường không nắm được nguyên tắc điều trị này.
Hiện nay, đã có nhiều văn bản quy định về bán thuốc kê đơn được ban hành. Hành vi bán lẻ thuốc mà không có đơn thuốc bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Tại Quảng Trị hiện có 77 nhà thuốc, 85 quầy thuốc và 120 đại lý kinh doanh thuốc tây. Tuy nhiên với cơ cấu nhân lực thanh tra của cơ quan quản lý y tế nói chung, dược phẩm nói riêng còn ít trong khi chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe nên tình trạng bán thuốc không đơn, dược sĩ tự kê đơn thuốc cho người bệnh diễn ra ở hầu hết các cơ sở kinh doanh thuốc tây trên địa bàn tỉnh.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 4448/QĐ-BYT ngày 3/10/2017 về việc ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017 - 2020; Công văn số 6269/ BYT- QLD ngày 2/11/2017 của Bộ Y tế về việc xây dựng Kế hoạch & triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020; Thông tư số 52/2017/TT-BYT quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2018. Tại Quảng Trị, Sở Y tế đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn và bán thuốc kê đơn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017-2020 trình UBND tỉnh xem xét ban hành. Một trong những mục tiêu cụ thể mà kế hoạch đặt ra là: Đến năm 2020, trên địa bàn toàn tỉnh 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.
Với thực trạng như hiện nay, để đạt mục tiêu trên là điều không dễ bởi nguyên nhân chính khiến tình trạng bán thuốc không đơn của bác sĩ diễn ra phổ biến đó là: Đại bộ phận người dân vẫn có thói quen ngại đi khám bác sĩ khi có bệnh, phần vì sợ mất thời gian, phần sợ tốn kém nên thường tự đến quầy thuốc tây mua thuốc về uống trong khi đó nhà thuốc vì lợi nhuận nên sẵn sàng bán thuốc không cần toa. Một bất cập nữa là các quầy thuốc tư nhân đều hoạt động như một doanh nghiệp nên tất cả việc kiểm tra, thanh tra đều phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp. Vì thế, nếu muốn tổ chức kiểm tra, thanh tra phải lên kế hoạch cụ thể. Lực lượng chức năng chỉ được phép thanh tra, kiểm tra đột xuất khi phát sinh dấu hiệu bất thường hoặc có đơn phản ánh của người dân. Do đó, công tác kiểm soát việc mua bán thuốc còn nhiều lỗ hổng khó kiểm soát. Nhà thuốc bán thuốc không ai kiểm tra, giám sát nên tình trạng bán thuốc không đơn thuốc hoặc nhà thuốc tự kê đơn cho người bệnh là điều tất yếu theo kiểu có “cầu” ắt có “cung”.
Chính vì vậy, bên cạnh việc ngành chức năng lập các biện pháp, kế hoạch cũng như chế tài chấn chỉnh tình trạng bán thuốc không đơn như hiện nay thì điều quan trọng là cần tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức và sự hiểu biết trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, không tùy tiện dùng thuốc mà không có chỉ dẫn của bác sĩ cũng như tác hại của việc tự ý sử dụng thuốc không kê đơn, việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, hậu quả của kháng kháng sinh cũng như các lợi ích mang lại khi khám bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Lâm Thanh