Con đê nằm vạ cánh đồng
Những chiều mùa hạ cách đây chừng mười năm, khi ấy tôi còn là đứa trẻ học cấp một, thường cùng bạn bè ở quê đem diều ra thả trên dải đê làng. Gió Nam Lào thốc về nực đến ngạt thở mà cánh diều vẫn hăm hở bay như muốn kéo chân lũ trẻ rong chạy. Hôm ấy con diều đứt dây bay mất hút về phía rất xa, không thể tìm lại được, tôi vật mình ra trên con đê làng nằm vạ với gió. Gió ghé tai nói thầm với tôi rằng có hai kẻ đang nằm vạ trên cánh đồng quê hương: một tôi và một con đê!  Giờ đây dù đi rất xa ...

Con đê nằm vạ cánh đồng

Những chiều mùa hạ cách đây chừng mười năm, khi ấy tôi còn là đứa trẻ học cấp một, thường cùng bạn bè ở quê đem diều ra thả trên dải đê làng. Gió Nam Lào thốc về nực đến ngạt thở mà cánh diều vẫn hăm hở bay như muốn kéo chân lũ trẻ rong chạy. Hôm ấy con diều đứt dây bay mất hút về phía rất xa, không thể tìm lại được, tôi vật mình ra trên con đê làng nằm vạ với gió. Gió ghé tai nói thầm với tôi rằng có hai kẻ đang nằm vạ trên cánh đồng quê hương: một tôi và một con đê! Giờ đây dù đi rất xa nhưng tôi vẫn cảm thấy như mình đang ở quê nhà, vừa đứng dậy sau lời chọc ghẹo của ngọn gió đó và nhìn ngắm, một dải đê không chận vẫn chạy ngang cánh đồng, không biết nũng nịu với ai mà cứ ăn vạ mãi như thế?

Một thoáng quê nhà -Ảnh: Cao Văn Tỉnh

Ngọn cỏ non dưới chân ngóc lá lên kể với tôi rằng, hồi trước quê hương nghèo lắm! Mùa màng thất bát thường xuyên. Một năm trời hạn nước khô, lúa chiêm mất trắng, nhà nhà ăn khoai sắn thay cơm. Có đứa trẻ mải chơi thả diều suốt buổi chiều, đến khi chạng vạng mới về nhà. Từ chiều ba mạ đã nhịn miệng, nhường phần khoai ngon nhất cho nó. Thế nhưng khi nhìn phần khoai vừa sâu vừa hà vừa sứt vừa mẻ thì thằng bé tủi thân chạy ra chỗ cánh đồng nằm vạ. Nó hoá thân thành con đê Nam Thạch Hãn, nằm khóc. Nước mắt chảy thành dòng để tươi tốt những vụ mùa quê hương. Tôi sinh ra khi cái nghèo đã vơi vớt, không còn cảnh sắn khoai mặc định những bữa ăn, thế nhưng thằng bé trong câu chuyện ấy vẫn còn nằm vạ chưa chịu dậy. Nó vẫn khóc, khóc mãi cho đến tận bây giờ vì một nhẽ đơn giản.... Quê mình là vựa lúa Triệu Phong. Một cánh đồng mênh mông xanh thì mừng vàng thì lo, nghiêng vai sợ gió xô ngã chẹn đòng. Mồ hôi đổ trên lưng trần cha trộn với nước mắt vẫn không đủ để tưới cho tấm ruộng nhỏ đang chịu hạn. Một câu vè thành ngữ tôi nghe từ hồi còn nhỏ rằng “nhất nước nhì phân tam cần tứ giống”. Câu này buộc vào chân những người nông dân Quảng Trị thì càng đúng hơn nữa, bởi ở xứ gió lào nóng bức cái sự khát nước cũng là khát khao! Câu chuyện loài cỏ kể với tôi chỉ là một ảo tưởng dân gian, hay một câu chuyện tiếu đàm dành cho trẻ thơ, còn thật ra dải đê chạy ngang trước mặt nhà mình chính là con kênh N1 nằm trong hệ thống thuỷ lợi Nam Thạch Hãn được xây dựng từ thập niên bảy mươi của thế kỉ trước. Thời ấy tôi chưa được sinh ra mà mới chỉ là một hạt bụi hư vô tiền nhiệm của mười bảy năm sau. Thế nhưng nhìn dải đê kiên cố chạy xa tít tắp về cả hai hướng thì vẫn có thể tưởng tượng ra một không khí lao động tất bật của bà con quê hương sau giải phóng. Những nhát cuốc van nài đất cho được lật lên, những lưỡi xẻng cầu xin được xắn xuống. Cọc tre được găm lông chông vừa để giữ đất chân đê, lại vừa như một cái móng khi người ta xây nhà. “Móng có vững thì nhà mới bền” - câu nói này nghe đâu là của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, một người sống bên kia đê làng tôi, khi ông tốt nghiệp tiến sĩ từ Liên Xô trở về chỉ để dạy...tiểu học. Từ câu chuyện cái móng chân đê và nền cốt giáo dục của một vị giáo sư quê hương, tôi chợt ngẫm thấy con người quê mình luôn nghĩ đến sự cẩn trọng. Một lần làm là một lần khó, nghèo thì phải khôn ngoan, ấy là bài học mà những nọc tre cắm sâu dưới đât mấy chục năm trước đây nói vọng lên để dạy cho tôi. Những tiếng chân thình thịch bước đi gánh từng trạc đất trộn với tiếng cười đùa của nam thanh nữ tú hồi ấy vẫn như còn thổn thức trong mỗi chặng đê. Hơn ba mươi năm qua con đê chưa hề được nghỉ ngơi một ngày nào, trông nó nằm yên thế nhưng thật ra là đang gồng mình nâng đỡ quê hương. Hết tiếng chân nện xuống gầy dựng thì đến nhịp đi gánh lúa mùa về, càng bội thu con đê càng phải oằn mình chịu sức nặng, nhưng tôi biết những mùa ấy con đê mỉm cười bởi nó vui với nghiệp nhà nông. Hồi học cấp ba trường thị xã, những ngày có lũ tôi từng đi học theo con đê này để không phải gặp nước. Đoạn đường ở chỗ làng Phương Ngạn thấp trũng, nước ngoài sông Thạch Hãn dâng lên làm nó ngập sớm nhất báo hiệu một mùa lũ đến. Từ nhà mình đi ngược theo kênh Nam Thạch Hãn một quãng dài chừng bảy cây số đến chỗ đập ngăn lũ An Tiêm thì rẽ phải để lên trường. Có ngày hạ nắng nóng, đi học về giữa đường bức bối quá dựng xe lên đê, cởi quần ra, mặc độc một chiếc quần xà lỏn mà nhảy ùm xuống mương nước ở chỗ cây cầu dẫn vào làng Hà My. Tôi đứng đó, nhìn về một phía xa xa con đê chạy giữa màu xanh cánh đồng, bất chợt nhận ra con đê như chạc dây mây bó lại một vựa lúa lớn Triệu Phong. Ai trên kia kẽo kẹt gánh lúa chẹn đi về giữa nắng tháng tư mà vẫn cười vui, năm ấy được mùa. Lại có hôm nước lên nhanh, bên này bên kia đê lũ đã liếm lên tới chận cổ những cây lúa đang trổ bông. Tôi đứng ở khúc đê đó và tưởng tượng “sợi chạc mây” bây giờ như cái vòng liềm đưa vội để vớt lúa non ngày lũ. Nhưng bất lực, nước về nhanh quá! Con đê mới tuổi ba mươi đã phải gồng gánh quá nhiều những nặng nhọc nên “đứt triêng”. Ấy là năm cuối 1999, cơn đại hồng thuỷ đã quật mạnh vào con đê khiến nó vỡ rất nhiều đoạn. Khúc chạy qua cánh đồng Mặt Bằng trước nhà tôi cũng bị xé toạc ra một quãng chừng ba trăm mét. Trước đây nó là khúc đê ngăn giữa làng Phúc Lộc và làng Võ Thuận về cả lãnh thổ và tầm mắt. Hôm sau lũ chúng tôi ra đó thì cái tầm chướng mắt ấy đã không còn. Đất cát soãi ra dàn choán cả cánh đồng Mặt Bằng một màu trắng. Cây cầu Đùng bắc lối đi qua lại giữa hai làng cũng trôi luôn, nó bị nhấn chìm rất sâu dưới đất không thể tìm ra được. Có lẽ tôi là người buồn nhất, vì chiếc cầu Đùng đen nhẻm ấy gắn liền với mình kỉ niệm một vết sẹo trên đầu. Chừng trước mùa lũ đó nửa năm, một hôm tôi đứng trên cầu nhảy lộn xuống tắm thì đầu đập phải gờ cầu. Máu chảy khá nhiều nhưng tôi không khóc, tôi ngụp sâu xuống chính dòng nước để cầm máu và ơn “Mẹ-quê-hương” đã cứu tôi. “Mẹ” đánh dấu vào đầu tôi một vết thẹo để nhắc nhủ lần sau chớ có nghịch như vậy nữa. Nhưng lạ thay, cứ như nhờ vết toạc đầu năm xưa nên trong tôi có lẫn một viên sỏi quê mình, đi xa thi thoảng viên sỏi ấy lại trở chứng khiến tôi đau thắc thỏm một nỗi nhớ. Xác thân đoạn đê đó tan ra hoải đều nên cánh đồng Mặt Bằng làm thành sân đá bóng cho lũ trẻ. Sau trận lũ, xe ủi được điều động về làng, dân công quanh vùng và cả những cô cậu học sinh trường cấp ba Bồ Bản cùng nhau hun lại con đê. Năm đó tôi học lớp bảy, cứ chạy lăng xăng quanh xóm chơi với các anh các chị học trò cấp ba - họ là những thanh niên thế hệ tôi, “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”. Rồi một con đê mới được vun lên. Dường như thằng bé nằm vạ trong câu chuyện kể hôm nào nằm lâu đói bụng quá nên đi kiếm cái nhét vào bụng. Nó chạy về nhà lại thấy một củ khoai dành phần, nó ngấu nghiến nhai ăn. Củ khoai này ngon hơn nhưng nó vẫn thèm cơm trắng cơ, thế là thằng bé lại chạy ra cánh đồng. Tiếp tục cuộc nằm vạ và khóc. Sau khi củ khoai vào bụng thì như một chú Thánh Gióng, thằng bé vạm vỡ hẳn và nó thách thức những cơn lũ mùa sau. Tám năm trôi qua rồi vẫn chưa có một trận lũ nào dám làm lở một cục đất. Con đê mới khoẻ khoắn hơn, cũng từ đó những mùa lúa lại sây hạt hơn. Lần đầu tiên tôi đặt triêng lúa lên vai gánh về, khi ấy thì tôi tưởng tượng con đê chính là chiếc đòn triêng, gồng gánh hạt lúa về chăm chút sức phồn sinh cho quê hương. Ví con đê với cái đòn triêng và tôi yên tâm về khả năng chịu đưng của nó. Giờ đây, bổn phận và trách nhiệm của con đê càng nặng nề hơn khi mà nguồn nước tưới tiêu được thả về nhiều, những cánh đồng nó chạy qua cũng được tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu canh tác theo hình thức công nghiệp đại trà. Tôi cầm một hạt lúa vàng sau mùa bội thu, hạt lúa nói với tôi nó cũng thương con đê quê hương lắm! Và nó đã giấu vào trong ruột mình một con đê, nên khi cơm sôi thì chiếc nắp nồi tự dưng bung bật lên vì con đê đang quẫy chân. Một hôm có đám rước dâu đi trên đê, cô dâu quê áo đỏ hồng hồng, chú rể làng quần vải chỉnh chu, con đê như mỉm cười vui với duyên đôi trẻ. Sắc áo cô dâu màu quần chú rể thắm tươi cả một chặng đê làng. Con đê lúc ấy thành một dải tơ hồng chắp nối keo loan. Từ làng này qua làng khác, dải tơ hồng cứ trườn mình đi một cách vô tư và hát câu giao duyên “là ô í a ối rằng, tơ hồng, tơ hồng, thiếp theo chàng về dinh”. Ở cách ví von này, tôi lại có dịp nhìn những khúc cua điệu đàng khi nó chạy về vùng thấp trũng. Từ trên đập An Tiêm, con đê chạy một mạch qua Triệu Thành, Triệu Long, đến đoạn làng Vệ Nghĩa thì nó bẻ quặp uốn sang vắt án ngữ trước làng Phúc Lộc thành một vòng cung. Đoạn ấy đẹp nhất! Không phải vì chạy qua làng mình nên tôi nói thế, mà thật sự đến đây nó như thể là chặng tơ hồng đang dùng dằng duyên nợ với tình cũ. Hay như một khúc nối mà ông Tơ trong tích “Tơ hồng Nguyệt lão” đã chắp lại để móc tay nhau những đôi uyên ương se duyên. Vượt qua đoạn này, con đê thon nhỏ lại và chạy về phía tây nối ra bãi đất khô làng Phúc Lộc. Ngày nhỏ khúc đê này đã thân thiết với tôi, những sáng dậy sớm đi đá bóng, những chiều đi tưới nước cho cây ớt, những đêm đi rình dế bắt về chọi nhau. Tôi gói trọn tuổi thơ mình trong tiếng dế ấy, mượn một chặng tơ hồng mềm mại buộc lại, nên đi xa đôi khi còn nghe reng reng.... Con đê “dẫn thủy nhập điền” và cũng dẫn một ánh trăng về cùng. Những đêm rằm lũ trẻ làng hay kéo nhau đi tắm mương. Tôi đứng trên bờ nhìn xuống dòng nước, con trăng thượng thiên xa vời bỗng nhiên rơi tõm vào đáy nước lòng đê. Rồi từ chỗ vừa rơi xuống đó trăng tản ra trôi theo dòng chảy lập lờ khi lẩn khuất khi hiển hiện, ánh trăng ấy cứ đến một chiếc cống lại chia ra rót vào từng thửa ruộng, hạt gạo nhờ đó mà ngon hơn. Nhưng thật lạ là dù có chia đều ánh trăng qua mấy chiếc cống thì nó vẫn không nhạt màu, tôi đi dọc đê theo dõi bóng vàng lặn trong nước và nhận ra điều đó. Giá như chỉ có thế, thì con đê quê hương tôi quá đẹp, quá kiêu hùng và thơ mộng. Tiếc thay rằng trong ký ức những ngày thơ ấu ở làng, tôi vẫn bị ám ảnh bởi những cái chết trôi của bạn bè đồng trang lứa hay một người say rượu ngã xuống rồi bị thuỷ thần bỏ bùa mê ngủ quên. Sau khi vớt xác người say ấy lên, thằng bé con rống đến khản cổ khóc gọi cha, nó lại vật mình ra đê nằm vạ với trời xanh. Mà trời thì cao làm sao nghe thấu lời van nài ấy. Chỉ có đất dày chôn thây cha nó và mây trắng buộc lại một vầng tang trên đầu cho người hiếu tử mà thôi. Đêm đó, đoạn đê này nhang thắp lên rất nhiều, khói vấn vít bay trong gió lạnh đến rợn người. *** Có một con đê chạy dọc chặng đường đi học, con đê đòn gánh mùa màng quê hương, con đê chạc mây ôm tròn vạt lúa, con đê tơ hồng thắm nồng tình duyên... Con đê ấy ngày xưa ăn vạ cánh đồng, bây chừ lại ăn vạ tôi, nương theo một chiếc xương sóng chạy dọc lưng, băng qua cánh đồng tâm hồn tình yêu. Minsk 10.08 HOÀNG CÔNG DANH