Lai lịch của một bài hát
(QT) - Thành Cổ Quảng Trị, những ngày tháng 4 lịch sử mỗi ngày đón hàng trăm đoàn du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính, tri ân. Trong không gian thiêng liêng của Thành Cổ thơm ngát hương sen, hương cỏ xanh non tơ, tôi chợt thấy một du khách đưa máy điện thoại ghi âm bài hát được phát ra từ hệ thống loa của Ban quản lí Di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị với những ca từ tha thiết, nhắn nhủ của tình yêu vợ chồng với bao tình thương trìu ...

Lai lịch của một bài hát

(QT) - Thành Cổ Quảng Trị, những ngày tháng 4 lịch sử mỗi ngày đón hàng trăm đoàn du khách ở khắp mọi miền Tổ quốc đến dâng hương các anh hùng liệt sĩ với lòng thành kính, tri ân. Trong không gian thiêng liêng của Thành Cổ thơm ngát hương sen, hương cỏ xanh non tơ, tôi chợt thấy một du khách đưa máy điện thoại ghi âm bài hát được phát ra từ hệ thống loa của Ban quản lí Di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị với những ca từ tha thiết, nhắn nhủ của tình yêu vợ chồng với bao tình thương trìu mến: “Ngày đồng đội về dù không thấy bóng hình anh/Nhưng em đừng buồn vì anh yêu Tổ quốc và yêu em, yêu cả cuộc đời/ Ngày hòa bình về nhòa trong nước mắt tìm anh/Em đi tàu vào rồi qua sông Thạch Hãn là nơi anh xa mãi cuộc đời…Đã bao năm em đợi em chờ/Dù lửa đạn, dù mưa năng, dù tóc em xanh nay đã bạc màu”. Như hiểu được sự tò mò của tôi, khi bản nhạc vừa kết thúc, vị khách đưa tay ra hiệu muốn cùng chia sẻ cảm xúc bài hát ấy.

Du khách rưng rưng khi tận mắt nhìn thấy bức thư và nghe ca từ của bài hát “Lá thư gửi từ lòng đất”​

Ông có tên Nguyễn Văn Tất, là cựu chiến binh, quê ở tỉnh Bắc Ninh, từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu và bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị. Sáng ấy, cùng đoàn đến dâng hương ở Thành Cổ, ông lặng người khi nghe từng ca từ thổn thức từ trái tim của những tuổi hai mươi nhắn nhủ với người vợ trẻ cũng như người thân ở lại hậu phương. Lắng nghe cho đến khi bài hát kết thúc và hỏi ra thì ông mới biết được bài hát có tên là “Lá thư gửi từ lòng đất” của nhạc sĩ Phan Lai Triều, con trai trưởng của nhà thơ Chế Lan Viên.

Vậy, bài hát “Lá thư gửi từ lòng đất” được tác giả sáng tác trong hoàn cảnh nào? Chúng tôi đã đi tìm và may mắn gặp được người nhạc sĩ tài hoa Phan Lai Triều. Ông hiện là hội viên Hội nhạc sĩ TP. Hồ Chí Minh, từng là người lính tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị vào năm 1972, nên ông hiểu và thật sự đồng cảm, khâm phục sự anh dũng chiến đấu hi sinh của các chiến sĩ ở Thành Cổ Quảng Trị. Để mất thị xã Quảng Trị vào năm 1972, quân đội Mỹ và quân đội của chính quyền miền Nam cũ đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm, mục tiêu số một là phải chiếm được Thành Cổ Quảng Trị. Trong lịch sử chiến tranh, chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu là đánh chiếm một toà thành có chu vi hơn 2.000 m được đối phương huy động một lực lượng lớn với sự hỗ trợ của hạm đội tên lửa trên Biển Đông, hàng loạt máy bay ném bom B52, một khối lượng bom đạn khổng lồ như ở chiến dịch tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị.

Trong những ngày chiến đấu anh dũng dưới bom đạn khói lửa ấy ở Thành Cổ, chiến sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình, nguyên là sinh viên năm thứ tư Khoa Xây dựng, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội như linh cảm được sự khó khăn, hiểm nguy trước mắt mà anh và đồng đội đối mặt nên đã gửi cho gia đình một bức thư chứa đựng tâm tư, tình cảm và cả những dự cảm kì lạ của một người lính ở chiến trường trước lúc hi sinh.

Người vợ mà anh Huỳnh yêu thương nhắn nhủ trong lá thư là chị Đặng Thị Xơ, phải xa chồng khi vừa cưới được bảy ngày. Nhờ những chỉ dẫn trong thư nên cuối năm 2002, đồng đội và chị Đặng Thị Xơ đã may mắn tìm thấy nơi yên nghỉ của chồng mình - liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và 2 đồng đội khác để đưa về quê hương. Khi ấy chị Đặng Thị Xơ tặng lại bức thư của chồng cho Bảo tàng Thành Cổ Quảng Trị như một kỉ vật đặc biệt của người chiến sĩ trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, bức thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh được hướng dẫn viên Bảo tàng Thành Cổ thường xuyên giới thiệu với khách tham quan, bao nhiêu người được nghe nội dung bức thư là bấy nhiêu người không cầm được nước mắt, trong đó có nhạc sĩ Phan Lai Triều. Khi được nhìn thấy tận mắt và nghe hết nội dung bức thư, ông quá xúc động nên viết thành bài ca, ca ngợi sự hi sinh tuổi trẻ không tiếc máu xương, hi sinh hạnh phúc riêng tư của mình để hôm nay triệu triệu con người được sống trong hòa bình, đang tiếp nối và phát huy truyền thống của cha anh để xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp hơn, lớn mạnh hơn.

Nhạc sĩ Phan Lai Triều chùng giọng: “Câu chuyện, nét chữ, dòng thư của người anh hùng liệt sĩ đã là một bài thơ tuyệt đẹp, vô cùng trong sáng. Vì lẽ đó mà tôi sáng tác ca khúc không gặp một chút trở ngại nào. Ca khúc “Lá thư gửi từ lòng đất” là tình yêu thương, sự chia sẻ và lòng tôn kính của một người lính là tôi với đồng đội. Đây là bản nhạc mà tôi tâm đắc nhất trong số các nhạc phẩm của mình. Tôi viết bằng niềm tin yêu và xúc cảm của lòng mình.

Nhạc sĩ nhắn nhủ, các anh hùng liệt sĩ đã tạc hình hài đất nước bằng chính máu xương, thân thể của mình, bằng những dòng lưu bút giản dị mà đầy tình thương yêu, xúc động: “Khi được sống trong hòa bình, hãy nhớ đến anh”, những người hi sinh cho Tổ quốc, cho hạnh phúc của muôn người. Sau một thời gian chuẩn bị mọi điều cần thiết để phổ biến tác phẩm đến với rộng rãi công chúng, năm 2004 bài hát “Lá thư gửi từ lòng đất” được ra đời và nhạc sĩ đăng kí bản quyền tại Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam. “Lá thư gửi từ lòng đất” lại càng nổi tiếng hơn khi được NSƯT Quỳnh Liên, ca sĩ Ngọc Quy và Đức Long thể hiện trong các chương trình ca nhạc cách mạng tại TP. Hà Nội, Hồ Chí Minh và trong trường học một số tỉnh thành. Bài hát được nhiều nhạc sĩ cũng như người yêu âm nhạc ghi nhận, đánh giá cao. Nhạc sĩ đã gửi bản nhạc tặng chị Đặng Thị Xơ, vợ của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh. Tại TP Hồ Chí Minh, trong một vài lần tổ chức lễ kỉ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4, chị Xơ được trân trọng mời vào tham dự. Chị đã rất xúc động khi nghe bài hát “Lá thư gửi từ lòng đất”.

Trong một lần nhạc sĩ Phan Lai Triều cùng với đoàn Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng TP. Hồ Chí Minh về thăm Di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị, ông đã trân trọng tặng bản nhạc “Lá thư gửi từ lòng đất” cho Ban Quản lí khu di tích để bổ sung vào chương trình những bài ca về Thành Cổ phục vụ du khách đến dâng hương.

Ông Phan Lai Triều chia sẻ bài hát được công chúng đón nhận là niềm hạnh phúc lớn của một nhạc sĩ. Nhưng điều lớn hơn mà ông cảm nhận được là sự tin yêu của nhiều khán, thính giả, trong đó có thế hệ trẻ hôm nay luôn trân quý âm nhạc cách mạng.

Trưởng Ban quản lí Khu di tích đặc biệt quốc gia Thành Cổ Quảng Trị, Cáp Thị Kim Trang cho biết chị cùng đội ngũ cán bộ đang công tác tại đây, bao nhiêu lần giới thiệu lá thư của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh và mở bài hát của nhạc sĩ Phan Lai Triều phục vụ du khách thì bấy nhiêu lần cảm xúc vẫn nguyên vẹn, tươi mới. Giọng các hướng dẫn viên luôn chùng xuống, nghẹn ngào, bị ngắt quãng vì lời thư và ca từ, giai điệu của bài hát thiết tha, cảm động vang lên trong không gian thiêng liêng.

Nhạc sĩ Phan Lai Triều cho biết ước mong của ông là sẽ trở lại Thành Cổ Quảng Trị một ngày không xa, được gặp chị Đăng Thị Xơ, được cùng đồng đội hát ca khúc này để trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn, kính phục các anh, những người lính đã sống trọn đời cho Tổ quốc, tạc hình đất nước bằng máu xương và nằm lại yên giấc ngàn năm dưới cỏ non Thành Cổ.

Tú Linh