“Đưa quê hương vào cho đồng đội”
(QT) - Nặng tình với đồng đội còn nằm lại ở mảnh đất Quảng Trị, nhiều cựu chiến binh đã tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa hướng về những người đã ngã xuống. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo LÊ BÁ DƯƠNG về chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” do chính ông thai nghén ý tưởng và trực tiếp đứng ra tổ chức, điều hành. - Thưa ông! Mới đây, ông cùng đồng đội vừa có chuyến thăm Quảng Trị, trở lại chiến trường xưa. Ông có thể ...

“Đưa quê hương vào cho đồng đội”

(QT) - Nặng tình với đồng đội còn nằm lại ở mảnh đất Quảng Trị, nhiều cựu chiến binh đã tổ chức các chương trình, hoạt động ý nghĩa hướng về những người đã ngã xuống. Phóng viên Báo Quảng Trị vừa có cuộc trò chuyện với cựu chiến binh, nhà thơ, nhà báo LÊ BÁ DƯƠNG về chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” do chính ông thai nghén ý tưởng và trực tiếp đứng ra tổ chức, điều hành. - Thưa ông! Mới đây, ông cùng đồng đội vừa có chuyến thăm Quảng Trị, trở lại chiến trường xưa. Ông có thể chia sẻ đôi nét về hành trình này?

- Đây là chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ tư – 2015 với sự tham gia tự nguyện của 518 cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ Trung đoàn 27 Triệu Hải (nguyên là Trung đoàn 27 Xô Viết Nghệ Tĩnh) cùng một số bạn chiến đấu thuộc các đơn vị bộ đội địa phương và chủ lực từng xông pha trận mạc trên chiến trường Quảng Trị. Các chương trình chính của cuộc hành hương gồm: “Đón bộ đội về làng”, “Đêm ấm rừng đồng đội”, “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”… - Được biết, cuộc hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” do ông đứng ra tổ chức và điều hành. Vậy, ý tưởng này xuất phát từ đâu, thưa ông? - Với tôi, đơn giản đó chỉ là việc thực hiện một lời thề với đồng đội của mình. Tôi là người lính từng cầm súng trực tiếp chiến đấu trên chiến trường Quảng Trị vào những năm tháng khốc liệt. Thời đó, mỗi khi gạt nước mắt chôn cất đồng đội vào góc rừng, bãi suối, tôi và những đồng đội khác vẫn bấm bụng tự thề rằng: Sau ngày miền Nam giải phóng, đất nước hòa bình, chúng tôi sẽ trở lại tìm đưa các đồng đội về với gia đình, quê hương! Vậy mà, suốt 40 năm sau chiến tranh với những chuyến kiếm tìm trong đau đáu lời thề, chúng tôi không thể đưa được hết anh em về quê, một phần do trước đây bom đào, đạn xới, sau này bão lũ làm thay đổi địa hình. Đặc biệt, là người lính trận mạc, tôi và đồng đội từng chứng kiến nhiều anh em hy sinh mà hình hài tan hòa vào đất, vào nước… Việc đưa hết anh em về quê là điều không thể. Để vơi bớt nỗi đau kiếm tìm đồng đội này, từ năm 1976, tôi đã xách ba lô một mình trở lại chiến trường xưa, lên đồi đốt thuốc thay hương, xuống sông thả từng nhành hoa cho anh em bạn bè, đồng đội. Năm 2008, tôi vận động được một số tiền, cùng gia đình cựu chiến binh Nguyễn Minh Kỳ (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị) xây khu lăng bia ghi danh 13 liệt sĩ đơn vị hy sinh tại Cao điểm Hồ Khê - Đá Bạc (Cam Lộ). Ngày khánh thành lăng bia vào năm 2009, tôi đứng ra khâu nối 253 đồng đội cùng Trung đoàn (có 11 thân nhân liệt sĩ) ở các tỉnh thành cả nước tổ chức một chuyến hành hương mang tên “Đêm ấm rừng đồng đội” với chương trình “Đón bộ đội về làng”, “Đêm ấm rừng đồng đội” và điểm nhấn là chương trình “Hòa đất nước sông quê vào lòng Thạch Hãn”. Tất cả các chương trình trong cuộc hành hương có ý nghĩa mang chính hơi ấm của từng người lính và thân nhân liệt sĩ từ quê hương vào làm ấm cánh rừng nơi các đồng đội vĩnh viễn nằm lại. Đặc biệt, chương trình kết thúc bằng tâm lễ “Hòa đất nước quê hương vào lòng Thạch Hãn” với nghi thức đưa đất, nước từ ba miền (đất Hoàng thành Thăng Long - nước Hồ Gươm, đất núi Chung Nam Đàn - nước thượng nguồn Sông Lam, đất 18 thôn Vườn Trầu - nước bến sông Nhà Rồng) hòa vào lòng sông Thạch Hãn. Chúng tôi tâm niệm: Không đưa được các đồng đội đã hy sinh về quê hương thì đưa quê hương vào cho đồng đội. Bắt đầu từ năm 2010, chúng tôi quyết định đặt tên cho chuyến hành hương của mình là “Đưa quê hương vào cho đồng đội”.

Các cựu chiến binh “Đưa quê hương vào cho đồng đội” -Ảnh do nhân vật cung cấp

- Có phải chính ý nghĩa sâu đậm của chương trình đã thôi thúc ông định kỳ tổ chức những chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội”? - Thực ra, chuyến hành hương khác với một tour du lịch thông thường. Đây là sự trở về với đồng bào, đồng đội theo đúng tâm nguyện mang hơi ấm quê hương vào cho các đồng đội, được thực hiện trên tinh thần tự nguyện, tự túc. Chính điều này đã chạm đúng trái tim của đồng đội tôi ở nhiều địa phương. Họ nắm tay tôi, cùng nhau kết thành đội hình hành hương đầu tiên vào năm 2009 với 253 thành viên. Qua chuyến hành hương thứ 2 (tháng 7/2010), chúng tôi có 443 thành viên. Tiếp đến chuyến hành hương thứ 3 vào tháng 4/2012, quân số đã lên đến 684 thành viên. Ở chuyến hành hương thứ 4 này, chúng tôi có 518 thành viên, trong đó, người trẻ nhất cũng đã 62 tuổi, lớn nhất 84 tuổi. Tất cả đều tự nguyện đặt bàn tay họ vào bàn tay tôi, cùng dắt nhau về lại chiến trường xưa để thắp một nén hương lòng cho đồng bào, đồng đội. Thú thực, phần vì tuổi đã lớn, lại là thương binh, điều kiện kinh tế không khá giả gì, năm nay tôi định chỉ tổ chức một nhóm anh em tâm huyết về Quảng Trị thắp hương vào Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Thế nhưng các đồng đội, đặc biệt nhiều anh em lớn tuổi gọi điện tha thiết muốn tôi đứng ra tổ chức chuyến hành hương “Đưa quê hương vào cho đồng đội” lần thứ4 để họ có cơ hội được vào thăm đồng bào, thắp hương cho đồng đội tại chiến trường xưa Quảng Trị nên tôi lại tiếp tục đưa bàn tay của mình ra. - Trải qua bốn chuyến hành hương, chắc chắn sẽ có rất nhiều câu chuyện cảm động, kỷ niệm vui buồn. Rất mong ông chia sẻ với độc giả Báo Quảng Trị về những kỷ niệm đó? - Mỗi chuyến hành hương là một dịp để những đồng đội từ các địa phương cả nước có dịp gặp nhau sau mấy chục năm. Không ai có thể cầm nước mắt khi thấy hai cựu chiến binh sau bốn mươi năm gặp lại mà mỗi người chỉ còn một chân chụm lại để đứng bên nhau. Hai người lính khác, mỗi người mỗi tay còn lại mới đủ hai tay ôm nhau. Không ít trường hợp, mỗi người một mắt còn lại mới đủ hai mắt khóc cùng nhau trong ngày hạnh ngộ. Những câu chuyện mày - tao giữa những người lính già, tóc bạc trắng dưới tán rừng xanh một thời là trận địa mà họ từng chia bom, xẻ đạn vang lên ấm áp và vô cùng xúc động. Còn nhớ chuyến hành hương vào tháng 7/2010, tại cánh rừng Hồ Khê, ngay cạnh lăng bia ghi danh liệt sĩ, khi thấy bà Nguyễn Thị Lý (lúc đó 77 tuổi, là vợ liệt sĩ Ngô Đức Hạt) và con cháu trải võng nằm dưới đất, tôi hỏi chị sao không mắc võng nằm cho khỏi hơi đất? Bà Lý đã làm cho tôi và mọi người khóc nghẹn bằng câu trả lời: “Võng chú cho chị sẽ mắc chỗ khác. Riêng chỗ này, chú để chị trải nằm dưới đất cho gần với anh ấy”. - Tâm nguyện của ông là gì khi làm những điều không phải ai cũng thực hiện được cho đồng đội? - Những gì tôi làm chẳng có gì to tát. Đây chỉ là cách tôi và đồng đội còn sống sau chiến tranh đang sống thay, làm thay những công việc mà đồng đội đã hy sinh không có cơ hội làm. Nói cho cùng, nếu tôi hy sinh mà các đồng đội tôi còn sống, họ cũng sẽ làm những việc như tôi bây giờ thôi. - Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện cảm động này! TÂY LONG (thực hiện)