“Mạnh thường quân” vùng biên ải
(QT) - Xuất phát từ tấm lòng của người con đã gắn bó hơn nửa đời người ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thương đã tích cóp khoản phụ cấp chức danh Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khóm để mua bò giống tặng người dân trong khóm; hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa và dùng số tiền 20 triệu đồng từ giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” năm 2016 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam để mua 8 con dê giống tặng cho 8 gia đình nghèo trong khóm Ka Tăng. ...

“Mạnh thường quân” vùng biên ải

(QT) - Xuất phát từ tấm lòng của người con đã gắn bó hơn nửa đời người ở khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Thương đã tích cóp khoản phụ cấp chức danh Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khóm để mua bò giống tặng người dân trong khóm; hỗ trợ người dân xây dựng nhà cửa và dùng số tiền 20 triệu đồng từ giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” năm 2016 của Trung ương Hội LHPN Việt Nam để mua 8 con dê giống tặng cho 8 gia đình nghèo trong khóm Ka Tăng. Việc làm của chị được nhiều người biết đến và ghi nhận.

Chị Nguyễn Thị Thương mang sữa đến cho cháu Hồ Bình An.vẢnh: H.T.S

Trong trí nhớ của chị Nguyễn Thị Thương, miền đất Lao Bảo ngày đầu tiên chị đặt bước chân về làm dâu, còn buồn vắng trong buổi chiều mờ sương lạnh. Chỉ có loạng choạng bước chân vài phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô lam lũ từ nương rẫy mang thổ sản xuống núi… Đó là năm 1988, cũng bởi thương chàng trai dân tộc Vân Kiều Hồ Minh Thư nên chị lặn lội từ miền cát trắng Triệu Lăng, huyện Triệu Phong theo anh lên khóm Ka Tăng (xưa là bản Ka Tăng) lập nghiệp. Đến tận bây giờ, cứ mỗi lần ngồi nhớ lại, chị vẫn còn thấy ớn lạnh dọc sống lưng. Gia đình chồng đói nghèo, dân khóm Ka Tăng đói nghèo, nên về làm dâu hôm trước, hôm sau chị đã theo anh em trong nhà chồng lên rừng phát rẫy trồng lúa, ngô… Vừa cuốc, vừa sợ đụng phải bom mìn. Bởi trên những triền đồi mà người dân khóm Ka Tăng làm nương rẫy, bom mìn phơi trên mặt đất, ẩn trong lòng đất. Nhiều cái chết thương tâm vẫn xảy ra hằng ngày vì cuốc phải bom mìn. Vất vả, hiểm nguy là vậy nhưng đến bữa ăn của gia đình cũng chỉ có sắn, ngô thay cơm. Trong đói khổ, vợ chồng chị càng thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Vậy rồi cũng qua cơn “bĩ cực”…

“Gia đình tôi thực sự hết khó khăn từ năm 2001, khi tôi bỏ làm nương rẫy để đi gánh hàng thuê ở Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo. Mỗi gánh hàng, tôi được trả công từ 10.000 - 15.000 đồng. Mỗi ngày gánh được khoảng 10 chuyến, tôi có hơn 100.000-150.000 đồng. Số tiền ấy cũng đủ để trang trải cho cuộc sống gia đình. Rồi một lần sang chợ Ca Rôn (huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet, Lào) gánh hàng thuê, tôi thấy bác lao công ở chợ dùng chiếc xe kéo đóng bằng gỗ chở rất nhiều rác. Tôi chợt nghĩ sao mình không đóng một chiếc xe như vậy để chở hàng thay cho việc gồng gánh nặng nhọc. Tôi chủ động làm quen với bác lao công, khi đã quen biết thì mượn chiếc xe kéo mang về Việt Nam để đặt thợ mộc làm theo mẫu. Chỉ mấy ngày sau, tôi có chiếc xe chở hàng bằng gỗ khá đẹp mắt. Có chiếc xe kéo, tôi chở nhiều hàng hóa hơn nên thu nhập 300.000 - 400.000 đồng/ngày là chuyện thường. Khi có thu nhập cao, tôi nghĩ đến chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô trong khóm Ka Tăng đang sống khó nghèo, vất vả. Vậy là, tôi bỏ tiền túi đóng thêm 4 chiếc xe kéo (không làm bằng gỗ mà bằng sắt) rồi gọi 4 chị em trong khóm Ka Tăng cùng làm nghề kéo xe chở hàng hóa thuê để có thu nhập, cải thiện đời sống gia đình”, chị Thương nhớ lại.

Không dừng lại ở đó, chị Thương cùng chị Phạm Thị Lan ở khóm Ka Tăng tiếp tục mua sắm thêm 10 chiếc xe kéo để vận chuyển hàng hóa qua về cửa khẩu. 15 chị em phụ nữ khóm Ka Tăng nhờ những chiếc xe kéo của chị Thương, chị Lan đã có công ăn việc làm, thu nhập ổn định. Năm 2004, chị Thương cùng chị em làm nghề kéo xe chở hàng hóa thống nhất lập Hội xe kéo thị trấn Lao Bảo do chị làm hội trưởng. Hội xe kéo thị trấn Lao Bảo có thời điểm phát triển lên 70 chiếc xe kéo với hàng chục chị em phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô tham gia. Từ khi thành lập đến nay, Hội xe kéo thị trấn Lao Bảo đã đỡ đầu cho 15 chị em phụ nữ khuyết tật, đơn thân trên địa bàn thị trấn Lao Bảo. Đơn cử như trường hợp chị Hồ Thị Tuân ở khóm Ka Tăng. Chị Tuân bị chứng bệnh mất trí nhớ, nên có thời gian bỏ vào rừng sống rồi được chị em phụ nữ khóm Ka Tăng vận động, đưa về khóm sinh sống. Đến nay, chị Tuân vẫn nhận được sự đỡ đầu, chăm sóc tận tình của Chi hội Phụ nữ khóm Ka Tăng cũng như các thành viên hội xe kéo thị trấn Lao Bảo. Rồi trường hợp cháu Hồ Bình An vừa mới ra đời đã mồ côi mẹ. Hiện tại, chị cùng chị em phụ nữ khóm Ka Tăng đang chăm sóc, nuôi dạy… Cách đỡ đầu của Hội xe kéo thị trấn Lao Bảo là cứ hằng tháng, mỗi thành viên đóng góp 20.000 đồng cho hội. Số tiền đóng góp ấy sẽ được hội tích cóp dần rồi dùng để mua áo quần, gạo, thức ăn… giúp chị em phụ nữ bị khuyết tật, đơn thân. “Hiện tại, do lượng hàng hóa vận chuyển qua lại Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ít dần, nên đội xe kéo thị trấn Lao Bảo chỉ còn lại khoảng 48 chiếc. Thấy nhiều chị em trong hội ngày càng ít việc làm, giảm thu nhập, tôi cảm thấy buồn. Nhưng biết làm sao được…”.

Bên cạnh đó, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ khóm Ka Tăng, chị Thương cùng với chị em phụ nữ trong khóm đã vận động sự đóng góp của các nhà hảo tâm, cơ quan, đơn vị để xây dựng ngân hàng dê (từ 6 con ban đầu đến nay đã lên đến 70 con) giúp các gia đình khó khăn trong khóm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Ở khóm Ka Tăng, phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô đã “tiếng nói” trong gia đình nhờ có thu nhập ổn định. Nhiều chị em có thu nhập cao từ nghề kéo hàng hóa nên đã xây dựng được nhà, mua sắm ti vi, xe máy… Tận thấy đời sống của chị em phụ nữ đổi thay như vậy, tôi vui mừng lắm. Gần 30 năm gắn bó với phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, tôi thấu hiểu sự cam chịu, nhẫn nhịn, thiếu tự tin của chị em khi tham gia giải quyết các vấn đề từ gia đình cho đến xã hội vì bị “trói buộc” bởi nhiều luật tục của bản làng. Để chị em phụ nữ có “tiếng nói” cũng như vị thế trong gia đình, ngoài xã hội, thì phải có phương pháp, cách thức về lâu, về dài để chính chị em tự “cởi trói” cho mình. Tôi luôn ước mơ rằng phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô không chỉ trong khóm Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo… hết nghèo, hết khổ, hết cam chịu. Và tôi sẽ tiếp tục cố gắng hết sức mình để làm từ những việc nhỏ nhất nhằm giúp họ”, chị Nguyễn Thị Thương tâm sự về những việc đang làm cũng như dự định tương lai của mình. Tôi biết, cái đích mà chị hướng đến chính là sự bình đẳng giới và kéo gần vị thế người phụ nữ đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô với chị em phụ nữ dân tộc Kinh trong chính mái ấm của gia đình mình.

Hoàng Tiến - Công Điền