Thành phố trẻ trên cầu Xuyên Á
Thành phố trẻ trên cầu Xuyên Á

Thành phố trẻ trên cầu Xuyên Á

(LĐ) - Danh xưng thành phố trẻ Đông Hà gợi lên nhiều viễn cảnh về một trung tâm kinh tế phồn thịnh - vùng đất đầu cầu trên hành lang kinh tế Đông - Tây giàu tiềm năng và lợi thế. Cách đây chừng mười lăm năm, tôi mở đầu một phóng sự đăng trên báo Lao Động bằng câu "Thị xã nơi tôi sống nhỏ như một bàn tay". Những người thuộc "trường phái ham to" phê tôi dù gì cũng không nên nói quá thật như thế. Hôm nay, Đông Hà - thị xã nhỏ ngày nào của tôi - đã thành thành phố. 200% Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường - quê ở Triệu Phong, Quảng Trị - là một người luôn đau đáu với quê hương, một phần trong sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với những năm tháng hoạt động cách mạng ở mảnh đất Đông Hà. Ông kể: "Năm 1973, với tư cách là người của chính quyền cách mạng vào tiếp quản Đông Hà vừa giải phóng, tôi không thể nào tin vào mắt mình khi nhìn thấy Đông Hà ngổn ngang bom đạn, hoang tàn hơn cả bãi chiến trường. Một nhà báo nước ngoài đã thốt lên: Đông Hà của các bạn bị tàn phá phải đến 200%!". Từ đó cho đến trước năm 1989, Đông Hà trở thành một huyện lỵ của tỉnh Bình Trị Thiên "quy mô lớn" nên gần như không được quan tâm đầu tư phát triển xứng tầm với vị trí địa kinh tế đắc địa là ngã ba Đông Dương, đầu cầu Xuyên Á của hành lang kinh tế Đông Tây như các tổ chức tín dụng, kinh tế quốc tế phát hiện ra sau này. Phải đến tháng 7.1989, khi tỉnh Quảng Trị được tái lập, Đông Hà trở thành thị xã tỉnh lỵ thì hành trình đô thị hoá của thị xã này mới chính thức khởi động. Hai mươi năm - quãng thời gian chưa đủ dài để làm cho "một bàn tay" lớn nhanh bằng... nhiều bàn tay. Nhưng, nói như ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND thành phố (TP) nay là Đông Hà đã có rất nhiều đổi thay trên nhiều lĩnh vực, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm luôn ở con số 19 - 20%, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 36% so với toàn tỉnh, thương mại dịch vụ tăng trưởng 13 - 14% mỗi năm; đặc biệt là Đông Hà đã tạo ra được những tiền đề và nhân tố mới cho những giai đoạn phát triển tiếp theo. Nhận rõ sự phát triển và tiềm năng của Đông Hà trên hành lang kinh tế Đông - Tây, cùng với một chiến lược xây dựng chuỗi đô thị trên hành lang năng động này, ngày 11.8.2009, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33 thành lập TP.Đông Hà trực thuộc tỉnh Quảng Trị. Nhân sự kiện Đông Hà công bố quyết định lên TP, nữ ký giả của một kênh truyền hình Mỹ (quê ở Đông Hà - Quảng Trị) nói: "Thu nhập bình quân đầu người của TP này năm 2008 đạt trên 1.500USD, gấp chín lần so với năm 1995 và gấp bốn lần so với năm 2000; tỉ trọng nông nghiệp giảm từ 8,6% năm 2008 xuống còn 3,6%; thương mại và dịch vụ luôn chiếm tỉ trọng 70% trong cơ cấu kinh tế là những con số cho thấy TP trẻ Đông Hà đang phát triển... trên 200%".

Một góc Đông Hà.
Trẻ không phải là... ít tuổi Tôi nói với Uỷ viên Thường vụ tỉnh uỷ - Bí thư Thành uỷ Đông Hà Mai Thức rằng người dân TP băn khoăn, trăn trở nhiều nhất vẫn là làm sao có một đội ngũ cán bộ, lãnh đạo xứng tầm TP động lực, đầu cầu trên con đường làm ăn mang tên Xuyên Á. Ông Thức nở một nụ cười cầu thị: "Thành uỷ và chính quyền TP còn bức xúc, trăn trở nhiều lần hơn so với nhân dân. Chúng tôi cũng nhìn nhận thẳng thắn rằng đội ngũ cán bộ công chức của TP vẫn còn những tồn tại, chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Lãnh đạo xác định khâu đột phá, tạo ra động lực vẫn là nhân tố con người. TP phải được xây dựng, quản lý, quản trị bởi những con người có học vấn, chuyên môn cao". Quan điểm đó của Thành uỷ Đông Hà được người dân đón nhận hoan hỉ. Bà Nguyễn Thị Trọn - một nhà giáo nghỉ hưu - kể: "Hôm tôi đến trụ sở phường 5 xác nhận lá đơn, bất ngờ thấy một cô giữ chức phó chủ tịch phường trẻ măng, hỏi ra mới biết là TP mới điều động về, đâu chừng chưa tới 30 tuổi thôi. Ở ta quen với cảnh đã là lãnh đạo một đơn vị thì thường là người lớn tuổi, bất kể có đủ trình độ, năng lực hay không, nay thấy thế người dân vui lắm, rõ là đang đổi mới nhiều". Con số 69,77% số cán bộ hiện có ở các phường thuộc TP đã, đang được sắp xếp, bố trí lại, trong đó có nhiều người phải rời cương vị chủ tịch, phó chủ tịch phường vì không đạt chuẩn là minh chứng cho quyết tâm chính trị "nhân tố con người" của TP này. Đông Hà cũng là một trong số ít TP trên cả nước thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND phường, chỉ vài tháng lại đây, đã có 5 cán bộ trẻ có học vấn đại học chính quy được bổ nhiệm làm lãnh đạo ở các phường. Anh Nguyễn Chiến Thắng - sinh năm 1976 - được điều động giữ chức Bí thư kiêm Chủ tịch phường Đông Lễ. Nói như anh đã ngoài 30 rồi thì không thể nói là còn trẻ nữa, nhưng rõ ràng so với đội ngũ lãnh đạo tiền nhiệm thì những người như anh Thắng là những người... rất trẻ. Bí thư Thành uỷ Mai Thức khẳng khái: "Từ đây đến cuối năm 2009, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu, bố trí những người trẻ vào các vị trí chủ chốt ở các phường và ngay tại các phòng ban, chính quyền TP. Tôi nghĩ không phải cứ ít tuổi mới là trẻ, không ít người trẻ hiện vẫn rất ngại công nghệ thông tin, không chịu tự học để làm chủ phương tiện thiết bị, trong khi nhiều người có tuổi vẫn tự học tốt. Trẻ phải là người có học vấn, không ngừng nghỉ sự học, suy nghĩ và hành động đổi mới và cách mạng, tận tụy phục vụ nhân dân... Những người như vậy, bất kể ở tuổi nào cũng là trẻ, cũng là hữu ích cho cách mạng".
Những công trình kiến trúc hiện đại, đẹp chỉ mới đếm được... trên một bàn tay.
Xin đừng... "phân lô bán mặt tiền" Tôi cùng đám bạn mở một cuộc nhậu mừng Đông Hà lên TP ngay tại bờ sông Hiếu - nơi các nhà quy hoạch gọi tên là trung tâm, điểm nhấn đô thị của Đông Hà. Kiến trúc sư trẻ Bùi Đức Huy khẩn khoản: "Đáng lo ngại nhất hiện nay của các đô thị trẻ ở Việt Nam là tình trạng phân lô bán mặt tiền để lấy tiền đầu tư hạ tầng đô thị. Hậu quả là tạo nên những đô thị vô hồn, manh mún, không có điểm nhấn bằng các quảng trường, công viên tầm cỡ tương xứng, công năng sử dụng kém... Kịch bản đó cũng đã, đang xảy ra ở TP trẻ của chúng ta". Có những chuyện không nhất thiết phải là nhà chuyên môn mới nhìn thấy, như thật khó tìm ra những bãi đỗ xe công cộng hoặc không hề thấy chỗ để xe bên đường; có những con đường mặt cắt hẹp không đáp ứng yêu cầu hiện tại chứ chưa nói đến tương lai như đường Lê Lợi - nơi tập trung Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trường trung học chuyên nghiệp, trung học, tiểu học..., rồi đường Nguyễn Du, Trần Phú cũng tương tự. Một khu công nghiệp đặt ngay trong lòng TP ngay đầu hướng gió và đầu nguồn nước làm cho cả khu quy hoạch dân cư đang trong giai đoạn bán nền bị... ế vì mùi hôi, nước thải từ nhà máy trong khu toả ra. Rõ ràng, TP đang phải đối mặt với khá nhiều tồn tại, hạn chế do "lịch sử... gần" để lại. "Tôi cho rằng khu lâm viên Cọ Dầu - khoảng không gian xanh làm đẹp đô thị hiếm hoi do lịch sử để lại - đang có xu thế bị thu hẹp dần, không được đầu tư và trao nó cho nhà đầu tư nghèo khó quản lý sẽ là một tổn thất vô cùng lớn cho TP hôm nay và mai sau" - hoạ sĩ Võ Xuân Huy - giảng viên Đại học Mỹ thuật Huế - nhấn mạnh. Chỉ ra một số "khiếm khuyết" đô thị của thành phố mình đang sống, những người trẻ của thành phố này muốn truyền đi một khuyến cáo: Phía bắc TP, bên kia con sông Hiếu thơ mộng, vẫn còn là cả vùng đất nguyên sơ, đặc sệt "nhà quê" với miệt vườn, ruộng lúa; nếu vẫn áp dụng tư duy "phân lô bán nền mặt tiền" đối với bờ bắc sông Hiếu thì sẽ là "thảm hoạ". Cần tạo ra thật nhiều biệt thự, khu biệt thự nhà vườn trong một không gian cảnh quan kiến trúc "TP bên sông nước". "Những con đường trôi trong tre xanh, những nhà vườn lẫn trong tre xanh, có phải là một nét duyên nơi phía bắc TP.Đông Hà" - nhà báo kiêm hoạ sĩ Đào Tâm Thanh lãng mạn kiến nghị với ông "thị trưởng" Nguyễn Văn Hùng. Trao chức vụ cho người trẻ là cả một sự dũng cảm. Lắng nghe và sử dụng họ là biểu hiện của trí tuệ. Tôi cảm nhận rõ hình hài một đô thị xứng tầm trên đầu cầu hành lang kinh tế Đông - Tây khi nó được quản trị bởi những người trẻ có chuyên môn, tâm huyết như kỹ sư Nguyễn Chiến Thắng - người đang được lãnh đạo TP "thí điểm" kiêm chức bí thư Đảng và chủ tịch UBND ở một phường. Lâm Chí Công