(QT) - Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Quảng Trị (Agribank Quảng Trị) đã thực hiện tốt chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn tín dụng đó mà nhiều hộ gia đình đã đầu tư lập nên những trang trại, gia trại, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để vươn lên làm giàu bền vững...
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đoàn Kết kiểm tra tổng thể trang trại chăn nuôi lợn của mình |
Góp sức làm giàu
Ông Trần Minh Tuyển, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh huyện Cam Lộ, cho biết: “Hiện nay tổng dư nợ từ các khoản cho vay trên địa bàn là 395 tỷ đồng, trong đó cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ lệ 95%. Thực tế quá trình đầu tư cho thấy các hộ sử dụng nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, kinh doanh rất hiệu quả, đời sống kinh tế không ngừng tăng lên”.
Theo giới thiệu của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh huyện Cam Lộ, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn thịt, lợn sinh sản kết hợp trồng cây dược liệu của Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tổng hợp Đoàn Kết (HTX Đoàn Kết) trên địa bàn thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Đoàn Kết cho biết: “Hợp tác xã của chúng tôi thành lập từ tháng 5/2014 bao gồm 7 thành viên. Năm 2015, chúng tôi đã cùng nhau vay 4,2 tỷ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT chi nhánh huyện Cam Lộ để phục vụ cho việc mở rộng trang trại chăn nuôi lợn và phát triển kinh doanh, dịch vụ tổng hợp. Nhờ tiếp cận được với nguồn vốn lớn nên hiện nay mọi hoạt động của HTX Đoàn Kết tương đối thuận lợi”.
Sau khi vay vốn, các thành viên trong HTX Đoàn Kết đã đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn rất quy mô, hiện đại tại vùng đồi Lô Mít, thôn Cu Hoan, xã Cam Nghĩa. Trang trại rộng trên 3 ha và nằm khá xa khu dân cư, lại được đầu tư đảm bảo kỹ thuật nên hoạt động tốt. Hiện nay, trang trại nuôi đến 100 lợn nái sinh sản và 3.000 lợn thịt/năm với tổng sản lượng thịt cung ứng ra thị trường khoảng 240 tấn/năm. Bên cạnh đó, các thành viên trong HTX Đoàn Kết đã đầu tư trồng thêm 2 ha cây chè vằng, chăn nuôi gà thả vườn và đang nuôi thí điểm giống gà Đông Tảo. Hiện nay, nguồn thu chính của HTX Đoàn Kết vẫn là từ chăn nuôi lợn và trong thời gian tới khi giá lợn thịt ổn định hơn, cây chè vằng bắt đầu cho thu hoạch, việc chăn nuôi gà thả vườn thuận lợi thì mức thu nhập của các thành viên trong HTX Đoàn Kết sẽ cao hơn nhiều lần so với hiện nay. Mặc dù mới đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa lâu song cách cùng nhau góp sức làm giàu của HTX Đoàn Kết đã bắt đầu phát huy hiệu quả. Họ không chỉ biết vươn lên tích lũy làm giàu mà còn góp phần giải quyết việc làm cho 12 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân từ 4 - 4,5 triệu đồng/người/ tháng.
Thoát nghèo nhờ gia trại và trồng rừng
Cách đây chừng 15 năm, gia đình anh Nguyễn Văn Thạnh (53 tuổi), ở thôn An Tiêm, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong là một trong những hộ nghèo thuộc tốp đầu thôn. Nhà chỉ có 3 sào ruộng và mọi thu nhập đều dựa vào việc làm thêm khi nông nhàn nên cái nghèo vẫn bám lấy gia đình anh. Nhiều đêm suy nghĩ, anh Thạnh nhận ra rằng đất đai 2 bên triền sông vùng Cồn nổi An Tiêm rộng lớn lại giàu phù sa nên đã mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng, người thân để cải tạo đất trồng hoa màu. Thấy việc trồng hoa màu thuận lợi, anh quyết định trồng thêm sắn, bắp ngô, dưa hấu để tăng thêm thu nhập. Thời gian trôi qua, vợ chồng anh Thạnh dần tích cóp được số vốn nhỏ và quyết định đầu tư trồng rừng (chủ yếu là tràm và xà cừ).
![]() |
Anh Nguyễn Văn Thạnh luôn chủ động dự trữ nguồn thức ăn vào mùa đông cho đàn bò sinh sản nên đem lại hiệu quả kinh tế cao |
Trong quá trình canh tác tại vùng Cồn nổi An Tiêm, anh Thạnh đã nghĩ đến việc mở trang trại chăn nuôi bò để tận dụng nguồn thức ăn dồi dào nơi đây. Nhưng vì thiếu vốn nên vợ chồng anh còn lưỡng lự. Trong một lần tình cờ được người quen giới thiệu về vay vốn ưu đãi dành cho sản xuất nông nghiệp, anh đã tìm đến Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh huyện Triệu Phong để trình bày nguyện vọng được vay vốn. Qua xem xét, thẩm định hồ sơ, Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT chi nhánh huyện Triệu Phong đã đồng ý cho gia đình anh Thạnh vay 200 triệu đồng với lãi suất ưu đãi. Anh Thạnh được vay theo Quyết định 21/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Trị về việc “Ban hành quy định thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất, kinh doanh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020”.
Có được nguồn vốn vay với lãi suất 5%/ năm (đã được hỗ trợ lãi suất), anh Thạnh đầu tư mua 15 con bò giống sinh sản và một con bò đực giống. Nhờ nắm bắt tốt các kỹ thuật chăn nuôi lại có nguồn thức ăn dồi dào nên đàn bò của gia đình anh phát triển rất nhanh. Trung bình mỗi năm, đàn bò sinh sản từ 12-14 bê con và chỉ sau một năm nuôi, giá trị của mỗi con bê con có thể đạt từ 8-10 triệu đồng. Để chủ động thức ăn trong chăn nuôi, vợ chồng anh Thạnh đầu tư trồng thêm 7 sào sắn, chuối, cỏ voi và dự trữ thêm rơm khô dành cho mùa đông. Từ cuối năm 2016 đến nay, năm nào anh Thạnh cũng bán vài con bò thịt ra thị trường và hiện đang duy trì đàn bò của gia đình lên đến 24 con.
Nhờ biết xoay vòng và sử dụng nguồn vốn hợp lý nên hiện nay gia đình anh Thạnh có trong tay 4,2 ha rừng trồng cùng đàn bò sinh sản. Bây giờ, gia đình anh đã có thu nhập trên 150 triệu đồng/năm từ việc chăn nuôi bò, khai thác dần rừng tràm, xà cừ cùng việc trồng hoa màu trên vùng Cồn nổi An Tiêm.
Vươn khơi bằng tàu vỏ thép
Sinh ra và lớn lên nơi miền cửa biển nên từ bé anh Võ Văn Hữu (42 tuổi), ở khu phố 3, thị trấn Cửa Việt đã quá quen thuộc với nghề chài lưới. Trước đây, anh Hữu thường xuyên bám biển mưu sinh bằng tàu vỏ gỗ với công suất 400 CV. Công việc chính của anh Hữu là đánh bắt thủy hải sản trên biển và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Dần về sau anh thấy tàu vỏ gỗ hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu hoạt động dài ngày trên biển nên mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đóng tàu vỏ thép theo Nghị định 67/2014/ NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ. Anh Võ Văn Hữu đã vay 16,25 tỷ đồng vào tháng 5/2015 từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bắc Cửa Việt (huyện Gio Linh) để đóng tàu vỏ thép chuyên đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển. Tàu vỏ thép của anh Võ Văn Hữu được thiết kế với chiều dài 35 mét, chiều rộng 7,5 mét, chiều cao 3,8 mét với trọng tải 220 tấn, công suất máy 822 CV. Bên cạnh đó, tàu của anh Hữu còn được đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tàu có 3 máy phát điện công suất lớn, dàn đèn phát sáng công suất 300.000 W, có máy lạnh, kho cấp đông ngay trên tàu nên có thể bám biển dài ngày hơn nhiều tàu khác. Chiếc tàu này được cho là một trong những tàu vỏ thép lớn nhất, hiện đại nhất khu vực miền Trung và là tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 đầu tiên của tỉnh Quảng Trị.
![]() |
Ngư dân Võ Văn Hữu cùng các thành viên kiểm tra một số thiết bị máy móc trước khi xuất bến đánh bắt dài ngày trên biển |
Từ khi hạ thủy đến nay, tàu vỏ thép của anh Hữu đã thực hiện hàng chục chuyến đánh bắt và làm dịch vụ hậu cần nghề cá dài ngày thắng lợi với thu nhập từ 200 - 400 triệu đồng/chuyến và thông thường mỗi chuyến kéo dài từ 7-15 ngày, có khi gần cả tháng trời. Hiện nay, mỗi năm anh có mức thu nhập bình quân trên 4 tỷ đồng từ việc đánh bắt hải sản và làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời vợ chồng anh còn giải quyết việc làm thường xuyên cho 11 lao động với mức thu nhập ổn định gần 10 triệu đồng/người/tháng.
Nhơn Bốn