Nỗ lực với công tác dân số
(QT) - Một ngày làm việc của chị Lê Thị Phương, chuyên trách dân số xã Cam An (Cam Lộ, Quảng Trị) thường bắt đầu từ sau 12 giờ trưa và 19 giờ tối. Tôi thắc mắc, chị Phương lý giải: “Tuyên truyền dân số phải bắt đầu từ những mốc thời gian “đặc biệt” như thế. Người dân ở đây đa số làm nông nghiệp, nếu cứ giờ hành chính mà đến tuyên tuyên truyền DS-KHHGĐ thì… cũng bằng không”. Hơn 11 năm nay, chị Phương gắn bó với công tác dân số với lịch làm việc như thế. Cách đây chừng 10 năm, do vẫn còn tồn tại một số quan niệm lạc hậu như “đông con hơn đông của”, “có nếp có tẻ”, nhận thức về công tác DS-KHHGĐ còn hạn chế nên tỷ lệ sinh ở Cam An còn ở mức cao (trên 30%). Bình quân mỗi cặp vợ chồng có từ 4-5 con, kinh tế khó khăn, hạnh phúc gia đình cũng bị lung lay trước sự đói nghèo, việc học hành của con trẻ bị gián đoạn. Đảm nhận chức vụ chuyên trách dân số từ năm 1999, điều chị Phương băn khoăn nhất là làm thế nào để thay đổi nhận thức của người dân về DS-KHHGĐ, giúp mọi người hiểu thấu đáo lợi ích của mô hình sinh ít con. Chị tham mưu cho chính quyền địa phương những biện pháp cụ thể về dân số, trên cơ sở đó ra nghị quyết chuyên đề về công tác dân số dựa trên tình hình thực tế tại Cam An. Nhận thấy công tác dân số muốn thành công rất cần sự chung tay của toàn xã hội, sự giúp sức các đoàn thể, chị Phương mạnh dạn tham mưu cho Đảng ủy xã chỉ đạo các phong trào đoàn thể đưa nội dung dân số vào hoạt động của mình, đặt ra tiêu chí để mỗi hội viên tự giác phấn đấu.
 |
Các trưởng thôn ký cam kết thực hiện tốt công tác DS- KHHGĐ. |
Công tác dân số được xã hội hóa đã làm chuyển biến nhận thức trong mỗi người dân, từ hiệu quả thực tế của các mô hình ít con đã có tác động lớn đến nhiều cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn. Chị Phương tổ chức lập kế hoạch cụ thể, phổ biến đến mỗi cộng tác viên thôn các biện pháp tuyên truyền phù hợp tại các khu dân cư khác nhau. Ngoài tuyên truyền qua các cuộc họp dân, phân phát tờ rơi, khẩu hiệu, chị Phương còn tranh thủ đến tận từng nhà để vận động thực hiện DS-KHHGĐ. “Dân quê mình đa số là thuần nông, nếu tuyên truyền suông bằng lý thuyết, số liệu hay tỷ lệ phần trăm thì không có hiệu quả. Vì vậy, chúng tôi thường lồng ghép vào nội dung tuyên truyền bằng những câu chuyện kể hóm hỉnh về gia đình ít con, những bất lợi của các gia đình đông con. Chính những tấm gương về người thực, việc thực tại địa phương đã mang lại kết quả cao trong công tác tuyên truyền dân số”, chị Phương chia sẻ kinh nghiệm. Nhờ đó, 100% gia đình chị Phương đến vận động đều thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Lật cho chúng tôi xem những con số, những kết quả làm được trong thời gian qua ở cuốn sổ tay chuyên trách, chị Phương nhớ lại trường hợp anh Nguyễn Bình, thôn Phú Hội. Sinh 7 con, “có nếp có tẻ”, gia đình nghèo khó nhưng vợ chồng anh Bình vẫn chưa có ý định dừng sinh con bởi quan niệm “trời sinh voi, ắt sinh cỏ”. Thấy chị Phương đến tuyên truyền dân số, nhiều lần anh Bình mượn rượu để đuổi chị ra khỏi nhà. Không hề nản chí, lần sau, lần sau chị lại tiếp tục đến vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng anh Bình cũng đã đồng ý đưa vợ đi triệt sản. Dừng sinh con, anh Bình có điều kiện để phát triển kinh tế, gia đình anh thoát nghèo, các con đều được đến trường. Đối với những gia đình nhiều thế hệ, các cặp vợ chồng trẻ chịu áp lực từ phía ông bà, cha mẹ nên quyết tâm sinh con cho “có nếp, có tẻ”, công tác tuyên truyền của chị Phương thường gặp khó khăn hơn. Nhưng bằng kinh nghiệm của một người làm công tác chuyên trách dân số lâu năm cùng sự nhiệt tình với công việc, hầu hết các trường hợp dù khó đến mấy chị đều vận động thành công, gia đình đối tượng vui vẻ chấp nhận thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Với những nỗ lực của chị Phương, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, các đoàn thể, tình hình dân số ở Cam An đã có sự chuyển biến rõ nét. Với trên 5.000 dân, 14 khu dân cư/11 thôn, toàn xã Cam An có 767 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp nhận các biện pháp tránh thai chiếm đến 86%, trong đó có 84 ca đình sản nữ, 4 ca triệt sản nam, 446 dụng cụ tử cung, 11 thuốc cấy, 16 thuốc tiêm, 42 thuốc uống… Phong trào dân số được phát động thực hiện rầm rộ trên toàn xã, đến nay đã có 7/11 làng phát động phong trào “Làng không có người sinh con thứ ba trở lên”, trong đó có nhiều làng từ 4-6 năm không có người vi phạm sinh con thứ ba trở lên. Giảm tỷ lệ sinh đồng bộ, dân số ổn định, kinh tế Cam An có bước chuyển biến đáng kể, ngoài trồng lúa, hoa màu, một số ngành nghề dịch vụ khác (nghề làm bún, bánh ướt, buôn bán nhỏ) ngày một phát triển. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay giảm xuống còn dưới 20%. Là một người gắn bó với công tác dân số lâu nhất ở Cam An, chị Phương chưa bao giờ bằng lòng với những gì mình đạt được. Chị thường xuyên học hỏi để mở rộng kiến thức, tìm hiểu cách làm dân số ở các nơi khác, trên cơ sở đó tìm ra những giải pháp thích hợp để duy trì tính bền vững trong phát triển dân số tại địa phương. Trước xu hướng phát triển hiện nay của xã hội, chị Phương không khỏi băn khoăn: “Khi đời sống người dân nâng cao, kinh tế ổn định, tâm lý sinh thêm con thường xuất hiện ở một số gia đình. Hiện tượng này là thách thức lớn, đặt trọng trách nặng nề lên vai những người làm công tác dân số. Vì vậy, chúng tôi phải phấn đấu nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ của mình trong thời gian tới”. Bài, ảnh: LỆ NHƯ