Hoa của bản
Ngày ngày, sau những giờ lên lớp thì nương ngô, nương lúa chính là mái trường thứ hai của các em. Nhưng khó khăn không thể nào ngăn được nghị lực của những học sinh vùng cao và chính cuộc sống khó khăn của thôn bản, của gia đình là động lực lớn để các em vươn lên học tốt. Các em chính là niềm tự hào, là bông hoa tươi thắm tỏa ngát hương giữa những bản làng trên vùng cao Đakrông. * Niềm tự hào của bà con Vân Kiều Niềm vui của cha bên thành tích học tập của em Quế

Hoa của bản

Ngày ngày, sau những giờ lên lớp thì nương ngô, nương lúa chính là mái trường thứ hai của các em. Nhưng khó khăn không thể nào ngăn được nghị lực của những học sinh vùng cao và chính cuộc sống khó khăn của thôn bản, của gia đình là động lực lớn để các em vươn lên học tốt. Các em chính là niềm tự hào, là bông hoa tươi thắm tỏa ngát hương giữa những bản làng trên vùng cao Đakrông. * Niềm tự hào của bà con Vân Kiều

Niềm vui của cha bên thành tích học tập của em Quế

Anh Nguyễn Xuân Hưởng, Hội khuyến học Đakrông không dấu được niềm vui khi gặp chúng tôi: "Năm nay huyện Đakrông có một em dân tộc Vân Kiều chính thức đậu đại học mà không thuôc diện cử tuyển". Ở thôn Phú An, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông này mọi người còn chưa quên cậu học trò nghèo thủ khoa Trường PTTH Đakrông trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, và bây giờ, niềm vui càng được nhân đôi khi cậu thủ khoa ấy lại tiếp tục đỗ vào khoa Lý, Trường ĐHSP Huế. Trong căn nhà trát tạm bằng xi măng, tài sản duy nhất của nhà em Hồ Văn Quế là chiếc tivi cũ rồ tiếng, chiếc xe đạp cọc cạch 5 anh chị em chuyền nhau đi học và mấy chiếc gùi lên nương hái lúa, trỉa ngô. Nhà ông Hồ Văn Mừng chỉ có vậy nhưng bà con dân bản đều biết đến ông bởi một gia đình hiếu học, 5 con của ông đều lần lượt học Đại học. Là con trai út trong gia đình, các anh chị đều đi học xa, sau buổi học, Quế vừa giữ bò, vừa lên nương cùng ba mẹ. Đôi măt sáng, da ngăm đen, thân hình chắc nịch, cậu bé Quế khoe: "Mình vừa làm vừa học từ lúc lên 6 tuổi, mỗi buổi lên nương mình đều nhẩm cái chữ trong bụng, thế là học thuộc bài của ngày hôm sau, buổi tối mình dành thời gian cho làm bài tập, đọc sách tham khảo". Bằng cách học như thế, 12 năm liền Quế luôn là học sinh giỏi của lớp và là một cán bộ lớp gương mẫu. Nhà nghèo, không có nhiều tiền để mua sách học, những năm học cấp III thư viện trường là tủ sách chủ yếu của em. Thấy những bạn khác mua được cuốn sách tham khảo, em mượn chép lại những cách giải hay, những bài tập khó hay những giờ ra chơi em tranh thủ hỏi thầy cô những điều còn thắc mắc. Là học sinh học giỏi nhất lớp, Quế luôn giúp các bạn học yếu hơn cùng vươn lên học khá, căn nhà nhỏ của Quế thường là nơi để em cùng các bạn trao đổi những bài khó, những chỗ nào các bạn chưa rõ em luôn giải đáp tận tình. Thôn Phú An còn nghèo lắm, cậu bé Quế thường xuyên phải chứng kiến cảnh bạn bè thất học. Quế ước mơ: "Mình muốn học thật giỏi để làm thầy giáo, về dạy cái chữ cho con em trong bản. Mình sẽ nói để bà con biết tầm quan trọng của cái chữ, chỉ có vậy bản làng mới bớt khổ được". Để chuẩn bị cho ngày nhập học, em tranh thủ cùng mẹ bẻ xong ngô trên nương, cắt thêm cỏ khô dự trữ cho đàn bò trong mùa mưa sắp tới. Ông Mừng, bố của Quế cảm động: "Nhà tôi nghèo của cải nhưng lại giàu cái chữ nhất bản, con cái đứa nào học được tôi cho đi học hết, đời chúng tôi khổ vì thiếu cái chữ, giờ phải phấn đấu để con mình học hết cái chữ mới được. Giờ thêm thằng Quế đậu Đại học nữa, tôi vui lắm, mừng cái bụng lắm!". * "Chỉ cần có quyết tâm, học không bao giờ muộn"

Hải tranh thủ gom củi bán chuẩn bị tiền nhập học

"Tôi không nghĩ năm nay Hải thi đậu đại học, bởi thấy nó toàn đi làm chứ có thời gian mô mà học?", ông Nguyễn Hồng Nam- ba của Hải bùi ngùi kể. Nguyễn Đức Hải, ở xã Ba Lòng thi đỗ vào Sư phạm Mỹ thuật- Đại học Nghệ thuật Huế với 18 điểm. Sinh ra trong gia đình 7 anh em, ba em, ông Nguyễn Hồng Nam là thương binh 4/4, bị thương lúc đang chiến đấu ở chiến khu Ba Lòng, bị tù đày ở Phú Quốc 7 năm ( 1967-1973). Ngoài 70 tuổi, vết thương cũ tái phát nên ông ốm đau luôn. Bà Nguyễn Thị Ba -mẹ em cũng ngoài 60 tuổi nên không đủ sức lao động để nuôi các con ăn học. Cứ thế mấy anh em sau buổi hoc cứ thay phiên nhau lên nương rẫy. 12 năm liền Hải luôn là học sinh giỏi, khá của lớp, của trường. Những năm cấp 3, do nộp hồ sơ muộn nên em phải về tận Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Quảng Trị để theo học. Ngoài buổi học trên lớp, Hải xin bán thêm hàng ăn, rồi tiếp thị kẹo Singum để kiếm thêm tiền ăn học. Với chút năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật, em thi đỗ vào trường Cao đẳng Văn hóa quần chúng. Hơn 7 trăm ngàn tiền lương thương binh không đủ tiền thuốc thang cho hai ông bà Nam khi đau yếu, Hải cũng như các anh của mình tự tự túc vừa làm vừa học. Cầm tấm bằng Cao đẳng năm 2007, không tự bằng lòng với những gì mình đang có, Hải quyết định thi tiếp Đại học Nghệ thuật để thực hiện giấc mơ làm nghệ thuật của mình. Hải luôn tâm niệm : " Chỉ cần có quyết tâm, học không bao giờ muộn, rồi một ngày ước mơ của em chắc chắn sẽ trở thành hiện thực". Ngày ngày đi đốn củi, bàn tay chai sạn vì lao động ấy đêm đêm lại mân mê lật từng trang sách ôn thi. Hải thật thà tâm sự: " Cả ngày lên núi kiếm củi nên tối đến mỏi rã rời, nhiều lúc không buồn học nhưng lại nghĩ đến ước mơ của mình nên phải học, riết rồi cũng thành thói quen". Giấy báo nhập học đến với cậu học trò nghèo Nguyễn Đức Hải trong niềm tự hào của gia đình, niềm vui của em bởi ước mơ của mình sắp thành hiện thực. Vào những ngày chuẩn bị nhập học, khi những tân sinh viên khác háo hức chuẩn bị mọi thứ thì Hải vẫn cặm cụi trong rừng, "làm sao đốn thật nhiều củi để kiếm ít tiền làm lộ phí". 12h 15 phút Hải mới về đến nhà, mồ hôi ướt sũng trên chiếc áo sờn vai, em chia sẻ: " Từ khi nhận được giấy báo trúng tuyển, em làm năng suất lắm, cứ nghĩ đến được tiếp tục học là không thấy mệt nhọc. Em cố gắng làm 100 vác củi mới mong đủ tiền lộ phí (100 vác củi bán được 300-400 ngàn đồng), vào nhập học xong em tranh thủ làm thêm để ăn học". Một "kế hoạch" sẽ được vạch sẵn và Hải đang quyết tâm để thực hiện, đây là một phần trên chặng đường dài em thực hiện ước mơ của mình. "Gia đình ông Nam là một điển hình về gia đình hiếu học của xã Ba Lòng, tuy gia đình khó khăn nhưng các con ông ai cũng biết vượt khó để học giỏi, em Hải chính là điển hình để tuổi trẻ Ba Lòng noi theo và học tập", ông Nguyễn Xuân Quang- Phó Bí thư Đảng ủy xã Ba Lòng nhấn mạnh. Bài, ảnh: Lệ Như