Cùng với cao su và cà phê, hồ tiêu được xác định là một trong ba cây công nghiệp dài ngày chủ lực của tỉnh. Để nhân rộng diện tích hồ tiêu theo hướng chất lượng cao, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân cũng như ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Cùng với đó, người trồng tiêu còn được hỗ trợ tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ từ các chương trình dự án. Chính sự tác động của các chính sách đã thúc đẩy, lan tỏa việc ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây hồ tiêu, đẩy mạnh sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ, công nghệ cao.
![]() |
Một vườn ươm giống hồ tiêu đảm bảo tiêu chuẩn tại huyện Cam Lộ - Ảnh: T.L |
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 ha diện tích trồng cây hồ tiêu với năng suất bình quân đạt từ 10 - 12 tạ/ ha, sản lượng bình quân mỗi năm từ 2.000 - 2.600 tấn. Xác định việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) vào canh tác quyết định đến năng suất, chất lượng, tính bền vững của cây hồ tiêu nên thời gian qua, bằng nhiều nguồn kinh phí, Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng một số mô hình mới mang lại hiệu quả cao. Tiêu biểu như mô hình xây dựng vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ an toàn dịch bệnh với diện tích trên 100 ha tại 2 huyện Gio Linh và Vĩnh Linh; mô hình áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) vào sản xuất. Một số mô hình áp dụng các chế phẩm sinh học như Trichoderma, Pseudomonas vào phòng trừ bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu. Cùng với đó, ngành còn phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai mô hình phục hồi vườn hồ tiêu sau thiên tai tại 2 xã Cam Chính và Cam Nghĩa (huyện Cam Lộ); mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, kết hợp bón phân trong khuôn khổ Dự án Nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Vĩnh Linh. Nhiều vùng trồng hồ tiêu đã chủ động thiết kế hệ thống thoát nước trong mùa mưa, áp dụng phương pháp “trồng dương” thay cho phương pháp “trồng âm” theo truyền thống.
Bên cạnh đó, công tác sơ chế, bảo quản, chế biến cũng được các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh chú trọng thực hiện. Một số HTX đã đầu tư hệ thống sấy hạt thay cho việc phơi thủ công, chuyển từ bán hạt hồ tiêu dạng thô sang hạt hồ tiêu đã được sơ chế, do đó chất lượng, giá bán hồ tiêu được nâng lên đáng kể. Việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu cũng được tỉnh quan tâm thực hiện trong thời gian qua. Trên địa bàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp, công ty thông qua tổ hợp tác, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản chủ lực để chế biến, tiêu thụ sản phẩm hồ tiêu. Theo đó, người sản xuất được các doanh nghiệp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn chấp hành quy trình canh tác và thành lập các tổ hợp tác sản xuất hoặc câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu hữu cơ, đảm bảo tiêu chuẩn, yêu cầu của đơn vị thu mua. Người dân khi tham gia tổ hợp tác sản xuất hoặc câu lạc bộ sản xuất hồ tiêu không được sử dụng các loại phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; cấm sử dụng các chất tổng hợp kích thích sinh trưởng... Phía doanh nghiệp ký hợp đồng cam kết thu mua 100% sản lượng hồ tiêu của các hộ nông dân tham gia sản xuất theo đúng yêu cầu về canh tác với giá bán cho doanh nghiệp cao hơn từ 15 - 20% so với giá thị trường.
Cùng với những kết quả đạt được, việc nhân rộng diện tích trồng tiêu theo hướng chất lượng cao vẫn gặp một số khó khăn nhất định. Thời gian qua, giá hồ tiêu trên thị trường trong nước đã giảm sâu từ khoảng 200 ngàn đồng/kg xuống còn từ 40 - 50 ngàn đồng/kg gây khó khăn rất lớn cho người sản xuất. Nhiều hộ trồng tiêu đã đầu tư cầm chừng hoặc bỏ mặc không chăm sóc cây hồ tiêu, vì vậy năng suất và chất lượng hồ tiêu giảm sút rõ rệt, một số hộ dân phá bỏ hoặc chuyển đổi qua các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Về nguồn giống, hiện nay khoảng 80% vườn tiêu đang trồng là giống tiêu Vĩnh Linh có chất lượng cao, năng suất trung bình. Tuy nhiên các giống tiêu đã tồn tại lâu trên địa bàn, không được phục tráng nên phần lớn đã bị thoái hóa. Trong khi đó hiện nay tỉnh chưa có vườn ươm giống chuẩn, giống hiện tại chủ yếu được tuyển lựa qua quá trình canh tác của địa phương nên có hàng chục loại giống, lai tạp khác nhau làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt tiêu. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng chưa xây dựng được nhiều vườn nhân giống tiêu đảm bảo tiêu chuẩn, người trồng tiêu quen với việc tự lấy giống tiêu tại các vườn tiêu cũ để trồng mới do đó khó khăn cho việc cung ứng giống và công tác quản lý giống tiêu. Sâu bệnh hại là một vấn đề đáng quan tâm đối với những người trồng tiêu, đặc biệt là bệnh chết nhanh. Mặc dù đã được nhiều chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm hỗ trợ, khảo sát và tiến hành nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp để phòng và trị bệnh nhưng hiệu quả mang lại vẫn chưa cao, nhiều vườn hồ tiêu vẫn bị bệnh chết hàng loạt gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người trồng tiêu. Vấn đề chuyển giao các tiến bộ KHKT được chú trọng nhưng vẫn còn một bộ phận người dân trồng tiêu theo kinh nghiệm truyền thống, việc ứng dụng các tiến bộ KHKT còn hạn chế nên năng suất chưa cao, thấp hơn nhiều so với các địa phương khác trong nước, đặc biệt tỉ lệ vườn tiêu bị bệnh còn cao.
Để tiếp tục đưa cây hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới, tỉnh cần thực hiện phục hồi các vườn tiêu cũ, quy hoạch vùng trồng mới cây hồ tiêu ở những vùng có điều kiện thuận lợi. Áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), hữu cơ, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, chú trọng công tác quản lý dịch bệnh, đặc biệt là bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu. Tập trung xây dựng chuỗi giá trị sản xuất hồ tiêu bền vững, tạo mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ để phát huy tiềm năng lợi thế, nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập cho nông dân. Đồng thời chọn lựa, xây dựng các vườn đầu dòng có chất lượng nhằm cung ứng giống tiêu sạch bệnh đảm bảo cho việc trồng mới trên địa bàn. Thiết lập kênh thông tin thị trường vật tư phân bón và sản phẩm hồ tiêu để giúp người dân chủ động hơn trong đầu tư sản xuất. Xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm hồ tiêu, mở rộng thị trường xuất khẩu. Nghiên cứu, ban hành một số chính sách mới, phù hợp hỗ trợ cho người sản xuất hồ tiêu theo hướng chất lượng cao, có chứng nhận, đáp ứng các tiêu chuẩn tiêu dùng, đặc biệt là xuất khẩu ra các thị trường tiềm năng.
Thanh Lê