(QT) - Với mục đích gắn kết, cùng chung tay giúp đỡ những người khuyết tật vươn lên nghịch cảnh, vượt qua khó khăn, năm 2009, Nhóm tự lực Người khuyết tật xã Gio Hòa được thành lập. Cũng từ đó đến nay, rất nhiều người khuyết tật cảm thấy ấm áp hơn, có cuộc sống ổn định hơn nhờ vào sự quan tâm, động viên và hỗ trợ kịp thời từ những người bạn có chung số phận…
![]() |
Cơ sở đúc chậu hoa của anh Nguyễn Ngọc Dũng tạo việc làm cho một số lao động là người khuyết tật trong Nhóm tự lực Người khuyết tật Gio Hòa |
Nhiều năm qua, Nhóm tự lực Người khuyết tật, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Gio Hòa hoạt động rất hiệu quả, giúp đỡ nhiều người khuyết tật trên địa bàn xã vượt qua mặc cảm và những khó khăn bủa vây của cuộc sống để vươn lên thoát nghèo.
Tôi tìm về nhà anh Nguyễn Ngọc Dũng (sinh năm 1972), nhà ở thôn Đại Tâm, Trưởng Nhóm tự lực Người khuyết tật Gio Hòa. Anh Dũng là một trong những tấm gương điển hình vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo và xây dựng cuộc sống ổn định. Anh Dũng kể, năm 2002, trong lúc đang cưa gỗ ở xưởng thì bị tai nạn lao động và mất đi cánh tay phải. Bấy giờ, gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, anh là lao động chính trong nhà nên cuộc sống gần như đi vào bế tắc. Nhưng nhờ sự động viên kịp thời từ người thân và bạn bè, anh nhanh chóng vực lại tinh thần và quyết tâm thoát nghèo. Được sự giúp đỡ, hướng dẫn từ bạn bè, anh Dũng chuyển sang nghề đúc chậu hoa và thoát nghèo từ năm 2014. Nay, cơ sở của anh tạo việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương (có một số người trong nhóm tự lực) với mức tiền công bình quân 200.000 đồng/người/ngày. Sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm, anh Dũng thu lãi ròng từ 60-70 triệu đồng. Cũng từ khi cuộc sống dần ổn định, anh tích cực giúp đỡ những người khác cũng bị khuyết tật như mình.
Năm 2009, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị có quyết định thành lập 2 nhóm tự lực người khuyết tật, đó là Nhóm tự lực Người khuyết tật xã Gio Hòa và Nhóm tự lực Người khuyết tật thôn Hà Trung (xã Gio Châu, huyện Gio Linh). Tuy nhiên, đến nay, chỉ còn Nhóm tự lực Người khuyết tật Gio Hòa là còn hoạt động và mang lại hiệu quả thiết thực. Ban đầu, nhóm chỉ có 9 thành viên, nay tăng lên 13 người. Từ khi thành lập đến nay, nhóm như một mái nhà chung của những người khuyết tật trên địa bàn xã. Họ cùng nhau chia sẻ những niềm vui nỗi buồn của cuộc sống thường nhật, động viên nhau vượt qua khó khăn và tiếp thêm cho nhau sức mạnh, nghị lực để vươn lên…
Anh Dũng cho biết, hoạt động của nhóm là thường xuyên thăm hỏi, động viên những người khuyết tật trên địa bàn xã. Đối với những trường hợp khó khăn, thuộc diện hộ nghèo, chính sách thì chủ động giúp đỡ họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như cho vay tiền quỹ để phát triển kinh tế, giúp đỡ những công việc gia đình. Mỗi khi có người đau ốm hoặc mất, thì tất cả các thành viên nhóm cùng nhau thăm hỏi, phúng viếng… “Trước đây, hằng tháng, mỗi thành viên đóng 50 ngàn đồng tiền quỹ nhóm. Từ năm 2017 đến nay, tiền quỹ nhóm tăng lên 100 ngàn đồng/người. Số tiền quỹ này được dùng cho các thành viên vay với lãi suất thấp (0,3%) để cải thiện cuộc sống, đầu tư thêm vào công việc làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Số tiền được cho vay xoay vòng. Vì vậy, thành viên nào cũng được vay tiền từ quỹ nhóm. Thấy được hiệu quả của nhóm nên từ 4 năm trở lại đây, mỗi năm, UBND xã hỗ trợ thêm 1 triệu đồng để nhóm hoạt động”, anh Dũng nói.
Anh Dũng còn phấn khởi chia sẻ thêm, khi mới thành lập nhóm, tỉ lệ hộ nghèo của các gia đình thành viên chiếm 50%. Nhưng đến nay, số hộ nghèo chỉ còn lại 3 hộ. Những hộ này thuộc diện chính sách nên không thể thoát được nghèo. Trong các hộ thoát nghèo phải kể đến gia đình anh Trần Văn Thành (sinh năm 1968), trú tại thôn Đông Hòa. Anh Thành bị teo chân phải từ nhỏ. Trước đây, vợ chồng anh phải chật vật làm đủ việc để nuôi 2 con nhỏ nên người. Đã có lúc, anh gục ngã bởi gánh nặng của cuộc sống đè nặng lên đôi vai gầy. Nhưng nhờ sự động viên, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời từ các thành viên Nhóm tự lực Người khuyết tật Gio Hòa, anh dần dần vượt qua khó khăn, có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống. “Tôi đã từng làm nhiều nghề để mưu sinh, nuôi sống gia đình nhưng cái khó vẫn đeo bám. Từ khi vào nhóm, tôi được các anh chị em động viên và cho vay tiền để phụ giúp gia đình, từ đó có vốn để đầu tư làm ăn, phát triển cuộc sống. Năm 2014, nhà tôi thoát nghèo và nay thì tôi đang làm chủ một xưởng rèn nhỏ, còn vợ tôi buôn bán trái cây. Các con cũng đã lớn nên cuộc sống bớt vất vả hơn nhiều”, anh Thành vui vẻ nói. Ngoài anh Dũng, anh Thành, trong nhóm còn có nhiều tấm gương vượt qua số phận, vươn lên thoát nghèo như hộ ông Lân, ông Đàn, ông Ú…
Trao đổi với tôi, anh Ngô Quốc Sáu, Chủ tịch Hội CTĐ xã Gio Hòa cho biết, thời gian tới, hội sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ Nhóm tự lực Người khuyết tật hoạt động tốt hơn và sẽ tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và hội cấp trên có chính sách hỗ trợ nhóm, đồng thời kêu gọi thêm từ nhiều nguồn khác nhau để nhóm có thêm nguồn lực giúp đỡ các thành viên.
Trần Tuyền