Những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Cam Lộ, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, các cấp Hội phụ nữ huyện Cam Lộ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ huyện Cam Lộ nhiệm kỳ 2016 - 2021 đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng huyện nông thôn mới.
![]() |
Hội viên phụ nữ huyện Cam Lộ sửa chữa nhà ở cho hội viên khó khăn - Ảnh: N.T.H |
Với 9.177 hội viên, thông qua các phong trào hoạt động, nhiệm kỳ qua các cấp Hội phụ nữ trong toàn huyện Cam Lộ đã tập hợp, đoàn kết các tầng lớp phụ nữ chung tay thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Với đặc thù của một huyện thuần nông, phụ nữ chiếm hơn 50% dân số, có mặt trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, chị em đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, hăng hái tham gia trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Điểm nổi bật trong hoạt động Hội phụ nữ huyện Cam Lộ nhiệm kỳ qua là xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; thực hiện giám sát, phản biện xã hội; đẩy mạnh công tác đối ngoại nhân dân và hợp tác quốc tế.
Về xây dựng tổ chức hội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội LHPN huyện đã xây dựng quy chế hoạt động, chương trình hoạt động toàn khóa, phân công cán bộ phụ trách địa bàn để hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn hội cơ sở đặc biệt quan tâm những đơn vị khó nhằm nâng độ đồng đều giữa các cơ sở. Thường xuyên tham gia sinh hoạt với các chi hội để kịp thời nắm bắt tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có giải pháp, định hướng phù hợp để nâng cao chất lượng hoạt động hội.
Thực hiện khâu đột phá "Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội và hoạt động cơ sở hội, đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ, phát huy quyền làm chủ của hội viên phụ nữ”, với phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, từ huyện đến cơ sở đã chú trọng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, gắn với giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ. Thường xuyên tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội, quyền và trách nhiệm của hội viên. Tăng cường công tác phối hợp với các ngành, tổ chức có liên quan để triển khai các hoạt động đến nhóm, đối tượng phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút hội viên, thực hiện tốt chức năng đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ. Chủ động liên kết, tạo mọi nguồn lực tổ chức các phong trào bề nổi để tạo chiều sâu như: Tổ chức các diễn đàn giao lưu chia sẻ kinh nghiệm; gặp mặt biểu dương điển hình phụ nữ tiêu biểu; xây dựng các mô hình phù hợp như mô hình quỹ lâm chung, mô hình bóng chuyền hơi, tổ phụ nữ thanh niên, tổ phụ nữ cao tuổi... Các hoạt động hội ngày càng hướng đến nhu cầu, lợi ích thiết thân của chị em phụ nữ, nên đã thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia. Trong nhiệm kỳ đã thành lập 47 mô hình tập hợp hội viên, với 617 thành viên tham gia, đã phát triển mới 496 hội viên, nâng tổng số hội viên đến nay là 9.177/ 11.782, đạt tỉ lệ 77,8% (chỉ tiêu 75%). Tỉ lệ tập hợp hội viên tăng 7,7% so với nhiệm kỳ 2011 - 2016 (chỉ tiêu tăng 5- 10%).
Hội LHPN huyện đổi mới công tác hướng dẫn, chỉ đạo thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trang facebook, zalo của hội, các cấp hội chuyển tải các thông tin, hướng dẫn các hoạt động một cách kịp thời; với phương châm “Một người biết nhiều việc, một việc có nhiều người tham gia” đối với cán bộ cơ quan chuyên trách Hội LHPN huyện, bố trí công việc theo hướng phù hợp với sở trường, năng lực của từng người, đồng thời có sự bố trí luân phiên trong một số công việc để nhằm thực hiện chuyên sâu lĩnh vực phụ trách và tham gia trên các mặt công tác; thực hiện nghiêm túc chế độ hội ý đầu tuần của cơ quan Thường trực Hội, trực báo cơ sở hằng tháng, hằng năm rà soát, bổ sung quy hoạch, bổ sung quy chế hoạt động của ban thường vụ, ban chấp hành, tổ chức ký kết thi đua và đăng ký nội dung phần việc của người đứng đầu, tập thể Ban Thường vụ Hội LHPN huyện, cơ sở với cấp ủy cùng cấp nhằm thống nhất trong định hướng lãnh đạo, chỉ đạo giữa Hội LHPN với cấp ủy địa phương.
Công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội tiếp tục được quan tâm, đặc biệt đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ cơ sở và cán bộ mới được kiện toàn sau đại hội. Hằng năm, hội phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện tổ chức các lớp bồi dưỡng lý luận và nghiệp vụ công tác hội. Nhìn chung trình độ, kỹ năng của cán bộ hội được nâng lên rõ rệt và ngày càng được trẻ hóa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Các cấp hội đã chủ động tham mưu cấp ủy về công tác hội, công tác cán bộ nữ, nhất là công tác bố trí, sắp xếp cán bộ nữ ở các đơn vị sáp nhập. Nhờ làm tốt công tác tham mưu nên số cán bộ nữ, cán bộ hội tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt tỉ lệ cao, cấp huyện đạt 28,5%, cấp cơ sở đạt 23,5%.
Định kỳ các cấp hội đã tổ chức kiểm tra đánh giá; rà soát đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở hội, chất lượng hội viên; kịp thời định hướng, hướng dẫn hội cơ sở giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong tổ chức sinh hoạt hội, quản lý hội viên. Tăng cường hoạt động xây dựng quỹ hội nhằm hỗ trợ cho các hoạt động của hội. Hiện nay 100% cơ sở hội và chi, tổ phụ nữ đều có quỹ hoạt động. Tỉ lệ hội viên đóng hội phí đạt 100%.
Nét nổi bật trong hướng dẫn chỉ đạo là không dàn trải mà lựa chọn vấn đề ưu tiên phù hợp với thực tế của địa phương. Chú trọng công tác bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ chi, tổ. Đa dạng hóa các loại hình tập hợp hội viên, chú trọng mô hình phụ nữ cao tuổi và nữ thanh niên. Tập trung hướng dẫn các cơ sở thông qua phần mềm quản lý hội viên, tăng cường công tác phối hợp với các ngành để huy động nguồn lực tổ chức các hoạt động.
Hằng năm, hội phối hợp tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng giám sát cho đội ngũ cán bộ cơ sở hội. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở hội xây dựng các sáng kiến giám sát cộng đồng, đồng thời xác định nội dung vấn đề giám sát, xin chủ trương của cấp ủy đảng cùng cấp để triển khai thực hiện. Hoạt động giám sát phản biện xã hội của các cấp hội dần đi vào chiều sâu, thực chất, đảm bảo quy trình theo Quyết định số 217, 218- QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị.
Đối với công tác giám sát, các cấp hội đã lựa chọn những vấn đề sát thực, liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đang là vấn đề được phụ nữ và người dân quan tâm để trình cấp ủy phê duyệt. Nội dung giám sát tập trung vào nhóm các vấn đề: Chính sách đối với cán bộ nữ, chính sách hỗ trợ nhóm phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách an sinh xã hội cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; chính sách về nhà ở cho người có công với cách mạng... Tổ chức giám sát theo đúng quy trình hướng dẫn, sau giám sát có báo cáo kết quả giám sát, các kiến nghị, đề xuất gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị giải quyết và giám sát quá trình thực hiện các kiến nghị đề xuất.
Về công tác phản biện xã hội, các cấp hội chủ động, tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo văn bản, các đề án, chương trình, kế hoạch của UBND các cấp và các ban, ngành. Tổ chức lấy ý kiến các tầng lớp phụ nữ vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân Gia đình; Luật Bảo hiểm xã hội; Luật Đất đai (sửa đổi); các dự thảo văn bản luật, pháp lệnh, nghị định có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; đặc biệt tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm và tinh thần dân chủ của hội viên phụ nữ, trong nhiệm kỳ, Hội LHPN huyện đã phối hợp tổ chức 5 buổi đối thoại các chính sách đối với hộ nghèo, đối thoại giảm nghèo... Tại các cuộc đối thoại, đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đã lắng nghe và giải đáp những vướng mắc của chị em, các kiến nghị, đề xuất của hội viên phụ nữ được ghi nhận, giải trình, được các ngành chức năng quan tâm giải quyết thỏa đáng; qua đó không ngừng củng cố, tạo niềm tin của chị em đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBND với Hội LHPN các cấp về thực hiện Nghị định 56/2012/ NĐ-CP của Chính phủ “về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý nhà nước”, hằng năm các cấp Hội phụ nữ huyện đã tham mưu đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí để tổ chức các hoạt động, mua sắm cơ sở vật chất, đồng thời phê duyệt Đề án 938 về “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2019 - 2027”.
Công tác hòa giải, giải quyết đơn thư, hoạt động trợ giúp pháp lý trong nhiệm kỳ qua đã được các cấp hội coi trọng và thực hiện hiệu quả. Hằng năm, hội tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên và thành viên các tổ hòa giải; chủ động phối hợp với các ngành chức năng như Công an, Tư pháp, Tòa án, Viện Kiểm sát để tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại cơ sở. Quá trình tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý luôn được gắn chặt với việc giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở và luôn có sự phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành liên quan.
Có thể khẳng định, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, các cấp hội thể hiện tốt hơn vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên phụ nữ, đồng thời các hoạt động giám sát và phản biện của Hội phụ nữ đã tạo điều kiện để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ, tạo mối quan hệ của tổ chức hội với các cấp, các ngành và các lực lượng xã hội, kịp thời tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập để phụ nữ được thụ hưởng chính sách của Đảng và Nhà nước đảm bảo công bằng, bình đẳng. Với những kết quả cụ thể đã đạt được qua giám sát và phản biện xã hội, Hội LHPN các cấp huyện Cam Lộ đã góp phần tích cực trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh.
Lê Thị Hường
Chủ tịch Hội LHPN huyện Cam Lộ