Đồng chí Ngô Gia Tự - Tấm gương cao đẹp của người cộng sản
QTO - Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng. Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng và từng giữ nhiều cương vị quan trọng như: Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929)... Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Ngô Gia Tự luôn đặt lợi ích của Đảng, cách mạng, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức và phẩm chất của người cách mạng, là tấm gương cao đẹp của người cộng sản đối với mọi thế hệ người Việt Nam.

Đồng chí Ngô Gia Tự - Tấm gương cao đẹp của người cộng sản

Đồng chí Ngô Gia Tự là một trong những chiến sĩ cách mạng tiền bối xuất sắc của Đảng. Đồng chí sớm tham gia hoạt động cách mạng và từng giữ nhiều cương vị quan trọng như: Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929)... Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Ngô Gia Tự luôn đặt lợi ích của Đảng, cách mạng, dân tộc lên trên hết, trước hết. Đồng chí là tấm gương sáng ngời về đạo đức và phẩm chất của người cách mạng, là tấm gương cao đẹp của người cộng sản đối với mọi thế hệ người Việt Nam.

Đồng chí Ngô Gia Tự - Tấm gương cao đẹp của người cộng sản

Tấm gương học giỏi và học tập không ngừng

Đồng chí Ngô Gia Tự sinh ngày 3/12/1908 trong một gia đình nhà Nho tại làng Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, xứ Kinh Bắc (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Kế thừa truyền thống gia đình, quê hương, ngay từ nhỏ Ngô Gia Tự đã nổi tiếng ham học và học giỏi. Năm 1914, Ngô Gia Tự được đi học chữ Nho tại trường làng; năm 1916, học chữ quốc ngữ tại trường phủ Từ Sơn. Trong 3 năm học tại trường (1916 - 1919), Ngô Gia Tự là học sinh giỏi, chăm ngoan được thầy yêu, bạn mến. Tốt nghiệp trường phủ Từ Sơn, Ngô Gia Tự đi học ở Trường Tiểu học Pháp - Việt tại tỉnh lỵ Bắc Ninh với thành tích học tập xuất sắc. Năm 1922, Ngô Gia Tự ra Hà Nội thi vào Trường Bưởi và trúng tuyển với điểm số cao. Thời gian học tại Trường Bưởi, Ngô Gia Tự học giỏi đều các môn. Trong thời gian học tập tại trường, Ngô Gia Tự được tiếp xúc với nhiều nhà giáo yêu nước. Là người ham hiểu biết, ngoài giờ học, Ngô Gia Tự thường đến thư viện tìm đọc các loại sách báo, các tác phẩm văn học tiêu biểu của các nhà văn Pháp; bí mật tìm đọc sách báo cách mạng, đặc biệt là báo Người cùng khổ, tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” của Nguyễn Ái Quốc... Qua đó, nhận thức về cách mạng và tinh thần đấu tranh chống áp bức dân tộc được bồi đắp thêm.

Ngô Gia Tự đã sớm hòa mình vào các hoạt động của học sinh, sinh viên, hăng hái tham gia phong trào đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà yêu nước Phan Bội Châu (1925); đấu tranh đòi truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1926), bị Giám đốc Trường Bưởi đuổi học vì “tội” chống lại chính phủ “bảo hộ”.

Trở về quê, Ngô Gia Tự mở lớp dạy học với mục đích tập hợp thanh, thiếu niên để tuyên truyền, giác ngộ tinh thần đấu tranh, giành độc lập, tự do dân tộc.

Cuối năm 1926, Ngô Gia Tự được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Đầu năm 1927, Ngô Gia Tự được Kỳ bộ Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ cử đi dự lớp huấn luyện chính trị tại Bản Đáy (Trung Quốc).

Trong thời gian tham gia lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã không ngừng học tập nâng cao trình độ lý luận, đạo đức cách mạng nhằm trang bị thế giới quan, phương pháp luận khoa học cho hoạt động cách mạng. Trở về từ lớp huấn luyện, Ngô Gia Tự đã tích cực hoạt động và trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào cách mạng Việt Nam những năm 1928 - 1930 với cương vị Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Ninh, Ủy viên Kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Bắc Kỳ (1928), Ủy viên Trung ương của Đông Dương Cộng sản Đảng (6-1929), Bí thư Chấp ủy lâm thời Đảng bộ Nam Kỳ (1930).

Cuối năm 1930, Ngô Gia Tự bị địch bắt tại Sài Gòn. Thực dân Pháp giải đồng chí từ Nam Kỳ ra Bắc Kỳ để xét xử. Ban đầu, đồng chí bị giam tại Hỏa Lò, Hà Nội, sau đó bị đày ra Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian Côn Đảo, tinh thần ham học hỏi của đồng chí Ngô Gia Tự vẫn không hề bị đòn roi, tra tấn của kẻ thù vùi dập. Đồng chí đã cùng các bạn tù - những chiến sĩ cộng sản “biến ngục tù đế quốc thành trường học cách mạng”. Ngô Gia Tự đã tham gia tổ chức cho anh em học tập, nghiên cứu những vấn đề lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối, phương pháp cách mạng; nghiên cứu những đặc điểm của giai cấp trong xã hội Việt Nam, rút ra những bài học kinh nghiệm về đường lối lãnh đạo của Đảng. Ngô Gia Tự đã viết cuốn “Những vấn đề cơ bản của cách mạng Đông Dương”. Tài liệu này được đưa ra ngoài phổ biến cho các đảng bộ ở đất liền. Ngô Gia Tự đã cùng các bạn tù của mình luôn nêu tấm gương sáng về tinh thần học tập. Học tập văn hóa qua chính trị. Càng tiến bộ về chính trị thì càng tiến bộ về văn hóa. Học cách xử thế, học để đoàn kết, học để đấu tranh.

Tấm gương về sống, chiến đấu hết mình vì sự nghiệp cách mạng

Không chỉ lựa chọn đúng đắn con đường, hướng đi, lý tưởng cách mạng, Ngô Gia Tự còn là tấm gương về sự phấn đấu hết mình cho lý tưởng cách mạng. Ngô Gia Tự đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho sự nghiệp cách mạng, cho lý tưởng mà mình đã lựa chọn. Là một trong những chiến sĩ cách mạng thời kỳ tiền thành lập Đảng, Ngô Gia Tự đã luôn sống, chiến đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng chí là người chiến sĩ cách mạng đã hoạt động không biết mệt mỏi, đóng góp lớn cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ngay từ những ngày đầu khi hội thành lập tại Hà Nội, Ngô Gia Tự là một trong những thành viên góp phần rất lớn vào việc phát triển tổ chức hội. Tiếp đó, nhờ nắm bắt được xu thế phát triển chung của thời đại và yêu cầu thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Ngô Gia Tự đã cùng một số đồng chí hăng hái tham gia cuộc vận động thành lập chính Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tinh thần, ý chí đấu tranh kiên quyết cho sự nghiệp cách mạng của Ngô Gia Tự được thể hiện rõ nét tại Đại hội đại biểu lần thứ Nhất Hội Việt Nam cách mạng thanh niên tại Hương Cảng (5/1929). Khi nêu vấn đề và yêu cầu đưa vào chương trình nghị sự của đại hội việc thành lập Đảng Cộng sản nhằm đáp ứng đòi hỏi và yêu cầu của thực tiễn nhưng không được đại hội chấp nhận, Ngô Gia Tự đã cùng đoàn đại biểu Bắc Kỳ thoát ly đại hội ra về, sau đó thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng vào ngày 17/6/1929. Sự ra đời của Đông Dương Cộng sản Đảng đã góp phần động viên cách mạng Việt Nam tiến lên một bước mới và lôi cuốn sự ra đời của các tổ chức khác ở trong nước, trước khi hợp nhất thành Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Ngô Gia Tự là một trong những thành viên có đóng góp tích cực vào việc thống nhất Đảng về tổ chức. Đồng chí luôn khẳng định: “Điều tối kỵ ở trong Đảng là chia rẽ bè phái”. Được cử là Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo của Đảng, đồng chí đã tổ chức cuộc họp ngày 24/2/1930 và thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam ký nghị quyết chấp thuận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Khi được phân công vào Nam Kỳ phát triển đảng và phong trào cách mạng, trên cương vị Bí thư Chấp ủy lâm thời Nam Kỳ, đồng chí Ngô Gia Tự đã ngày đêm lăn lộn với phong trào cách mạng của quần chúng, trực tiếp chỉ đạo, lãnh đạo các tầng lớp nhân dân biểu tình đấu tranh ngay tại trung tâm thành phố Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định và các tỉnh Cần Thơ, Tây Ninh...

Ngô Gia Tự cũng đã góp phần rất lớn vào việc phát triển các tổ chức đảng tại Nam Kỳ. Tiêu biểu là đồng chí đã thay mặt Xứ ủy đến công nhận chi bộ đầu tiên được thành lập tại xã Vĩnh Kim, tỉnh Tiền Giang, tại buổi lễ đồng chí đã căn dặn các đảng viên: “Người đảng viên phải bảo vệ Đảng. Ta vì Đảng, vì cách mạng mà hy sinh, đừng vì ta mà cách mạng bị hy sinh”.

Bị bắt khi đang hoạt động tại Sài Gòn, Ngô Gia Tự đã phải trải qua mọi đòn roi, tra tấn dã man của kẻ thù. Dù bị giam tại nhà tù Hỏa Lò, hay địa ngục trần gian Côn Đảo, tấm gương, ý chí đấu tranh không khoan nhượng trước quân thù và tinh thần cách mạng tiến công, niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng của cách mạng vẫn luôn được thể hiện rõ trong con người Ngô Gia Tự.

Trước quân thù, đồng chí Ngô Gia Tự luôn giữ vững khí tiết của người cộng sản, luôn ở thế tiến công, nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất, khí phách anh hùng. Dù bị tra tấn hết sức dã man nhưng trong các lần hỏi cung, Ngô Gia Tự vẫn một mực không khai, không làm tổn hại tới tổ chức Đảng.

Đứng trước các phiên tòa xét xử của thực dân Pháp, Ngô Gia Tự vẫn kiên cường dùng những lời lẽ đanh thép để đấu tranh với quân thù, biến phiên tòa đế quốc thành nơi luận tội chúng. Trong hoàn cảnh ngục tù lao khổ, Ngô Gia Tự vẫn không hề nản ý chí và quyết tâm, đồng chí vẫn hoạt động không mệt mỏi, luôn đứng đầu các cuộc đấu tranh tuyệt thực, chống đánh đập tù nhân, đòi cải thiện chế độ nhà tù.

Ngô Gia Tự cũng là người đã tích cực tuyên truyền cách mạng. Đồng chí viết báo, viết sách, giảng dạy lý luận trong tù... Ý chí cách mạng tiến công và chủ nghĩa anh hùng cách mạng là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp của Ngô Gia Tự.

TS TRẦN THỊ HUYỀN

TS TRẦN THỊ HUYỀN