Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4
(QT) - Sau cơn bão số 4, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ, nhân dân các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã bắt tay vào việc khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4

(QT) - Sau cơn bão số 4, với sự vào cuộc chủ động, tích cực của cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn và hỗ trợ, nhân dân các địa phương trong tỉnh Quảng Trị đã bắt tay vào việc khắc phục hậu quả thiên tai để sớm ổn định sinh hoạt, sản xuất.

Nhiều diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị ngập nặng do bão số 4

Sáng ngày 26/7/2017, chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Thành, một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất của huyện Vĩnh Linh với 13 căn nhà bị tốc mái, trong đó có 3 nhà bị tốc mái hoàn toàn; 24,76 ha tiêu, 20,9 ha cao su, 22 ha hoa màu, hơn 5.000 cây ăn quả bị gãy đổ, hư hỏng; 70 lán trại chăn nuôi bị hư hỏng... các hoạt động khắc phục hậu quả bão số 4 diễn ra khẩn trương. Ông Lê Đức Kiêm, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã cử cán bộ về các thôn nắm tình hình thiệt hại và động viên nhân dân khắc phục khó khăn để ổn định sinh hoạt. Huy động lực lượng công an, dân quân tự vệ cùng người dân dọn dẹp cây đổ gãy trên các tuyến đường để đảm bảo giao thông thông suốt. Trích ngân sách hỗ trợ bước đầu 3 triệu đồng cho 3 hộ có nhà bị tốc mái hoàn toàn và xem xét các hộ bị thiệt hại nặng, có hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục hỗ trợ”.

Sau bão số 4, xã Vĩnh Sơn có 3 nhà bị tốc mái; 45 ha rừng, 60 ha cao su, 30 ha hoa màu bị gãy đổ; hệ thống điện chiếu sáng đường giao thông ở 8 thôn bị hư hỏng. Bà Nguyễn Thị Dung ở thôn Phan Hiền, xã Vĩnh Sơn cho hay, do mưa lớn nên 2 sào đất trồng màu của gia đình bị hư hỏng hoàn toàn, ngay trong ngày mai gia đình bà sẽ tiến hành dọn dẹp, làm đất trồng lại loại rau quả khác để đảm bảo nhu cầu thực phẩm hàng ngày cũng như thu nhập của gia đình. “Không chỉ tôi mà nhiều người dân ở đây đều làm như vậy sau bão để ổn định cuộc sống gia đình”, bà Dung nói.

Ông Trần Ngọc Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio Châu, huyện Gio Linh thông tin, toàn xã có 12 ha cao su bị gãy đổ, 20 ha hoa màu bị hư hỏng. Ngay trong buổi sáng ngày 26/7/2017, người dâm đã bắt đầu dọn dẹp, cắt tỉa những vườn cao su để giúp cây phục hồi, sinh trưởng tốt. “Đối với diện tích hoa màu bị hư hỏng nặng, chúng tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thay thế các giống cây trồng ngắn ngày để đảm bảo thu nhập”, ông Hiệu nói.

Tại xã biển Trung Giang, huyện Gio Linh, công tác khắc phục hậu quả bão số 4 cũng diễn ra khẩn trương. Nhiều người dân bắt tay vào sữa chữa nhà cửa, phương tiện đánh bắt thủy sản để ổn định sinh hoạt, sản xuất. Người dân nơi đây càng vững lòng hơn khi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính về tận địa phương động viên, thăm hỏi người dân và tặng quà cho một hộ gia đình có nhà bị tốc mái.

Sau cơn bão số 4, lãnh đạo huyện Triệu Phong đã kịp thời về địa phương động viên người dân trước mắt khắc phục thiệt hại, tận dụng thu hoạch sớm số hoa màu có thể sử dụng được để giảm tổn thất. Xã Triệu Sơn có hơn 56 ha lúa bị ngập, trong đó có 40 ha ngập nặng có nguy cơ mất trắng. Dẫn chúng tôi ra thăm đồng, ông Lê Hoài Sinh, Giám đốc HTX An Lưu cho biết: “Với tình hình lúa đang chuẩn bị làm đòng mà bị ngập sâu trong nước như thế này thì khả năng cứu vãn là rất khó, nguy cơ diện tích lúa này mất trắng, ảnh hưởng đến năng suất vụ hè thu năm nay”.

Ảnh hưởng của cơn bão số 4 đã khiến cho hơn 1.300 ha lúa trên địa bàn huyện Triệu Phong bị ngập, trong đó có 115 ha ngập nặng, 126 nhà dân bị tốc mái. Ngoài ra, một số lượng lớn diện tích cây hoa màu, cây ăn quả và cây lâm nghiệp lâu năm cũng bị thiệt hại nghiêm trọng. Tại các xã vùng ven biển như Triệu An, Triệu Lăng, Triệu Vân, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã kịp thời tăng cường lực lượng về giúp dân các xã vùng biển khắc phục hậu quả bão số 4 như dọn dẹp nhà cửa, đường sá đi lại, lợp lại nhà bị tốc mái.

Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cửa Việt cũng huy động cán bộ, chiến sĩ của đồn về các nhà dân bị thiệt hại giúp đỡ khắc phục hậu quả sau bão. Không khí khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 4 cũng diễn ra trên địa bàn huyện Hải Lăng. Ông Nguyễn Văn Phước, ở thôn 2, xã Hải Thiện vừa thu hoạch sắn vừa chia sẻ: “Lẽ ra số diện tích sắn này của gia đình tôi một tháng nữa mới đến kỳ thu hoạch, nhưng thiên tai xảy ra thì đành chịu. Giờ chỉ mong vớt vát chút nào hay chút đó chứ để thêm một hai ngày ngâm nước như thế này nữa thì sẽ hỏng hết”.

Xã Hải Thiện có hơn 130 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, trong đó chủ yếu là cây sắn. Ông Lê Ngọc Trình, Chủ tịch UBND xã Hải Thiện cho biết: “Ngay từ đêm 25 rạng ngày 26/7, nhờ chủ động huy động nhân công đắp đất, gia cố tuyến đê bao dọc tỉnh lộ 582 nên xã giữ được 300 ha lúa không bị ngập úng. Hiện tại, đối với diện tích hoa màu đã bị ngập, chúng tôi huy động người dân khẩn trương thu hoạch, tận dụng được chừng nào tốt chừng đó. Trước mắt phải chấp nhận 100 ha lúa ngập nặng để bảo vệ 300 ha lúa ngoài đồng, sau khi nước rút bớt thì sẽ khơi thông dòng chảy và tiến hành cứu lúa”.

Theo thống kê của huyện Hải Lăng, toàn huyện có hơn 1.400 ha lúa đang thời kỳ làm đòng, trổ bông bị ngập nặng và có nguy cơ mất trắng, hơn 359 ha sắn bị ngập úng. Huyện đang huy động tối đa mọi phương tiện, lực lượng để khắc phục, trước mắt là tập trung máy bơm tiêu úng ở những diện tích lúa bị ngập ở khu vực trong đê, sau đó sẽ xử lý đối với những diện tích lúa bị ngập nằm ngoài đê. Đối với cây hoa màu, đặc biệt là cây sắn thì chỉ đạo các địa phương huy động nhân dân khẩn trương thu hoạch, không để bị ngập úng kéo dài. Huyện Hải Lăng cũng đã kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo nhà máy tinh bột sắn có kế hoạch thu mua diện tích sắn bị ngập úng kịp thời nhằm giảm thiệt hại cho người dân.

Huy Nam - Thanh Trúc