Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, nhiêm kỳ 2010-2015 (Bài 7)
(QT) - Đọc dự thảo Báo cáo Chính trị BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đăng trên phụ bản báo Quảng Trị, tôi xin có những đóng góp sau:  Mối quan hệ giữa nông nghiệp-nông dân-nông thôn là mối quan hệ hữu cơ và biện chứng cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7( khóa X) và Chương trình hành động số 72 ...

Đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XV, nhiêm kỳ 2010-2015 (Bài 7)

(QT) - Đọc dự thảo Báo cáo Chính trị BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010-2015 đăng trên phụ bản báo Quảng Trị, tôi xin có những đóng góp sau: Mối quan hệ giữa nông nghiệp-nông dân-nông thôn là mối quan hệ hữu cơ và biện chứng cần được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt trong thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ Đảng lần thứ 7( khóa X) và Chương trình hành động số 72 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị của Đảng bộ tỉnh đã nêu rõ những mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế- xã hội chung của tỉnh, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, nhằm cụ thể hóa, đưa các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra đi vào cuộc sống, thúc đẩy hơn nữa sự phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nông dân, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh hiện đại. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp của tỉnh không thuận lợi, đa số nông dân mới đủ ăn, chưa có tích lũy nhiều, nội lực còn hạn chế, để thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nhiệm vụ mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong nhiệm kỳ 2010-2015, theo nhận thức của chúng tôi cần chú trọng những việc sau đây: Một là , đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, rà soát thống nhất quy hoạch ngành các địa phương, bao gồm quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, nhằm quản lý chặt chẽ quỹ đất trồng lúa, đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng rừng sản xuất và phòng hộ...Tạo tiền đề cho việc đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, nhằm phát triển một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Hai là , tiếp tục thực hiện việc dồn điền đổi thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thâm canh, cơ giới hóa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất nông sản hàng hóa. Ba là , đẩy mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, khảo nghiệm, chọn lọc những giống cây, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện Quảng Trị để đưa nhanh vào sản xuất đại trà. Phát triển các mô hình sản xuất nông sản sạch, hướng tới hình thành một số địa điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng sản phẩm tốt đủ khả năng cạnh tranh và xâm nhập vào thị trường thế giới. Bốn là , huy động nguồn lực, đẩy mạnh việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới của Chính phủ. Đặc biệt là hết sức chú ý việc phân tích, đánh giá đúng tiềm năng và lợi thế, xây dựng các dự án có tính khả thi cao để tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các tổ chức quốc tế, thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhằm khai thác tốt hơn các tiềm năng, phát triển kết cấu hạ tầng, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Năm là , khuyến khích và hỗ trợ tích cực hơn cho phát triển công nghiệp chế biến, ngành nghề và dịch vụ, chuyển mạnh cơ cấu kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm mới, phân công lại lao động nông thôn theo hướng “ly nông bất ly hương”. Tiếp tục củng cố nâng cao năng lực và hiệu quả của các loại hình kinh tế trong nông nghiệp và nông thôn để làm tốt dịch vụ đầu vào và đầu ra, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đẩy mạnh sản xuất. Sáu là , chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp và kinh tế nông thôn thông qua việc đa dạng hóa hình thức đào tạo nghề cho nông dân, theo hướng phát triển theo nhu cầu và sở thích, giỏi nghề gì cần được bồi dưỡng, đào tạo để nâng cao tay nghề đó. Có chính sách khuyến khích và thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật yên tâm, nhiệt tình gắn bó công tác lâu dài với nông dân và nông thôn, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tôc. Bảy là , thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, nhằm né tránh điều kiện thời tiết không thuận lợi, chủ động phòng chống giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh kịp thời. Tám là , kịp thời cụ thể hóa và thực hiện tốt các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, huy động được nhiều nguồn lực vào phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. NGUYỄN VĂN THANH