Sự hy sinh thầm lặng
(QT) - Mỗi người trong số họ có một hoàn cảnh riêng nhưng đều gặp nhau ở nỗi đau có con, cháu bị khuyết tật. Ròng rã chăm sóc người thân, cuộc sống của họ quẩn quanh bên chiếc giường bệnh với hằng hà sa số khó khăn. Những người phụ nữ ấy rất cần sự quan tâm của toàn xã hội. Ròng rã nuôi con khuyết tật Tấm lưng bà Hồ Thị Lý (63 tuổi), trú tại thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) còng xuống như một dấu chấm hỏi. 42 năm nay, tấm lưng ấy là chỗ dựa cho người con trai bị khuyết tật. Lúc chào đời, con bà Lý đã không được khỏe mạnh như những đứa trẻ khác. Bà không thể nhớ bao nhiêu lần bồng bế con gõ cửa nhờ bác sĩ, lang y, thậm chí là... thầy bói để chữa trị. Thế nhưng, bà đau đớn nhận ra rằng, con mình không thể phát triển bình thường về cả thể chất lẫn trí tuệ. Gạt nỗi đau sang bên, bà Hồ Thị Lý quyết tâm chăm sóc, phục hồi chức năng cho con. Mỗi bước tiến dù nhỏ nhất của con cũng là niềm vui khôn tả đối với bà.
 |
Mẹ Hồ Thị Lý cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự quan tâm của mọi người |
“Tôi nhận ra, dù không khỏe mạnh, tinh anh nhưng con vẫn có những cảm xúc như những người bình thường. Vì thế, tôi càng phải cố gắng bù đắp cho sự thiệt thòi của cháu”, bà Hồ Thị Lý xúc động tâm sự. Ở cái tuổi 80 trĩu nặng, bà Hoàng Thị Mót, trú tại thôn Gia Độ, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong vẫn ngày ngày lo lắng, chăm sóc cho bốn người con khiếm thị. Cứ mỗi lần sinh con là một lần bà chết lặng khi biết đứa trẻ không thể nhìn thấy ánh sáng. Vậy mà, chưa bao giờ bà để các con thấy sự buồn đau, tuyệt vọng của mình. Bà Mót an ủi, động viên các con: “Mất đi đôi mắt nhưng các con còn có bàn tay. Nhiều người khiếm thị vẫn làm kinh tế giỏi, lấy vợ chồng và có một gia đình hạnh phúc đấy thôi”. Trên nẻo đường đưa bốn người con bước “từ bóng tối ra ánh sáng”, bà Mót gánh hết mọi sự khó khăn, cực nhọc. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có hơn 37.000 người khuyết tật, chiếm 6,2% dân số. Trong đó, 4.965 gia đình có hai người con khuyết tật trở lên. Đến nhiều miền quê Quảng Trị, không khó để bắt gặp những người bà, người mẹ hơn 40 năm đằng đẵng nuôi hai, ba đứa con khuyết tật như bà Hồ Thị Lý, Hoàng Thị Mót... Không được may mắn như những người phụ nữ khác, họ gặp rất nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần. Hầu hết gia đình có con bị khuyết tật đều nghèo khó. Ngay việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho con, cháu đã hết sức khó khăn. Bà Trần Thị Dần (66 tuổi), trú tại thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ giãi bày: “Thời gian dành hết cho 4 người con bị khuyết tật nên tôi không thể lao động, sản xuất gì được. Tiền có đồng nào dồn hết cho con chữa bệnh đồng ấy. Mấy chục năm nay, mẹ con tôi rau cháo qua ngày. Điều tôi sợ nhất là các con phải chịu đói”. Một số gia đình có con bị khuyết tật nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước nhưng số tiền ấy chẳng đáng là bao. Trường hợp bà Hồ Thị Đơn, trú tại xã Thanh, huyện Hướng Hóa là ví dụ. Nuôi hai người con bị khuyết tật suốt 40 năm nay, bà thường xuyên phải gõ cửa các gia đình trong bản xin lon gạo, củ sắn, củ khoai… Chuyện nhịn đói để nhường miếng ăn cho con không xa lạ đối với bà. Đời sống tinh thần của những người phụ nữ có con khuyết tật cũng vô cùng thiếu thốn. Nhiều người thậm chí cả tháng chưa bước ra khỏi lũy tre làng; không thể tham gia các hoạt động xã hội; hiếm khi được xem ti vi, nghe đài… Hàng ngày, họ chỉ biết tới tiếng la hét, cơn đau vật vã, giọt nước mắt của những người con khuyết tật. Đừng lãng quên Những phụ nữ tham dự hội nghị biểu dương các bà, mẹ nuôi dạy và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật đều khoác chiếc áo dài đỏ. Đối với một số người, đây là lần đầu tiên họ được may tặng và khoác lên mình chiếc áo truyền thống. Vân vê tà áo mới, bà Hồ Thị Kưm (50 tuổi), trú tại thôn Khe Xoong, thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông chia sẻ: “Nhà mẹ nghèo lắm, đến lo cái ăn cho con còn không đủ, làm gì dám mơ đến một tấm áo cho mình. Nhờ tham gia chương trình này, mẹ mới có được chiếc áo dài để mặc mỗi khi lễ lạt”. Lâu nay, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội thường hướng sự quan tâm đến người khuyết tật. Ít ai hiểu, các bà, các mẹ quanh năm tảo tần nuôi con, cháu khuyết tật cũng rất cần sự sẻ chia. Nói như ông Phùng Xuân Quý, Chủ tịch Hội Người khuyết tật tỉnh: “Chúng tôi đã đến thăm nhiều gia đình có con, cháu bị khuyết tật nên rất hiểu nỗi khổ của các bà, các mẹ. Họ thường gặp rất nhiều áp lực về cả vật chất lẫn tinh thần. Thế nên, chỉ một lời động viên, món quà nhỏ cũng rất quý giá đối với các bà, các mẹ”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, các cán bộ Hội Người khuyết tật tỉnh đã kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tấm lòng nhân ái để tổ chức hội nghị biểu dương, ghi nhận sự hi sinh thầm lặng của những bà, mẹ nuôi dạy và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Tham gia hội nghị có 20 bà mẹ đến từ nhiều miền quê trên địa bàn. Đây là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: bà Trần Thị Dần (66 tuổi), thôn Tân Hòa, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ có 4 người con khuyết tật; bà Hoàng Thị Bích Yến (39 tuổi), thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ có 3 con khuyết tật; bà Hồ Thị Kưm (60 tuổi), thôn Khe Xoong, thị trấn Krông Klang có 3 con khuyết tật… Trong hội nghị, nhiều bà, mẹ đã rơi nước mắt. Tuy nhiên, họ đều khẳng định rằng, đây không phải là giọt nước mắt bi lụy mà xuất phát từ sự xúc động. Lâu nay, nhiều người quen với cuộc sống như một chiếc bóng, luôn song hành với con, cháu khuyết tật. Dần dần, họ quên đi việc bản thân mình cũng có nhu cầu được quan tâm, chăm sóc. Thế nên, khi có điều kiện chia sẻ câu chuyện của mình, nhận được lời động viên hay đơn thuần là cái nắm tay, các bà, mẹ có con bị khuyết tật đều nghẹn ngào. Hội nghị biểu dương các bà, mẹ nuôi dạy và phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật được tổ chức khá ấm cúng, gọn gàng. Về cuối hội nghị, các bà, các mẹ không còn chia sẻ về những gian khó trong cuộc sống, họ tận tình trao đổi cách nuôi, dạy con, cháu bị khuyết tật. Các bà, các mẹ mượn câu ca “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” để động viên nhau, cùng hướng đến ngày mai tươi sáng hơn. Và, ai cũng đau đáu mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự sẻ chia, động viên từ cộng đồng. Bài, ảnh: TÂY LONG