Gia đình góp phần quan trọng trong thực hiện bình đẳng giới
(QT) - Gia đình là yếu tố tác động trực tiếp và thường xuyên nhất đến việc thực hiện bình đẳng giới, là nhân tố quan trọng để giải phóng phụ nữ và góp phần xây dựng thể chế gia đình bền vững. Bình đẳng giới nói chung và bình đẳng giới trong gia đình nói riêng không phải chỉ vì phụ nữ, không phải chỉ là vấn đề của phụ nữ mà còn là vì nam giới, là vấn đề của cả nam giới. Vậy nên, để có sự bình đẳng giới một cách thiết thực, đòi hỏi phải có sự tham gia của cả nam giới và nữ giới trong mọi vấn đề của xã hội.
.jpg) |
Thực hiện bình đẳng giới góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc |
Bà N.T.H. (thành phố Đông Hà) cho biết, gia đình bà có 3 thế hệ với gần 10 con cháu nội, ngoại cùng chung sống trong một gia đình. Là người lớn tuổi trong gia đình, bà đã giáo dục các con, cháu phải biết yêu thương, quý trọng nhau, không phân biệt trai hay gái. Đồng thời, bản thân vợ chồng bà cũng cư xử đúng mực trong cuộc sống hàng ngày, yêu thương, nhường nhịn nhau, cùng chia sẻ những công việc gia đình... nên các con, cháu cũng noi gương làm theo. Nhờ vậy, dù là mẫu gia đình nhiều thế hệ nhưng gia đình bà chung sống rất hòa thuận, con cháu chăm ngoan, học giỏi và đoàn kết. Trao đổi thêm với chúng tôi về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, anh L.T.K. (Gio Linh) chia sẻ, là trụ cột trong gia đình, để xây dựng gia đình hạnh phúc là điều mà mỗi gia đình đều thực hiện được nếu cả vợ và chồng đều hiểu, chia sẻ với nhau trong cuộc sống. Từ sự chia sẻ, không phân biệt việc vợ, việc chồng trong gia đình, vợ chồng anh đã cùng nhau phát triển kinh tế, cùng nhau bàn bạc, tôn trọng ý kiến của nhau trước khi quyết định một vấn đề lớn, quan tâm, chăm sóc, tạo điều kiện về mọi mặt cho cả con trai và con gái. Nhờ vậy, cả 2 con của anh chị đều chăm ngoan, biết thương yêu và giúp đỡ lẫn nhau, nhất là trong học tập luôn đạt kết quả cao, làm cha mẹ vui lòng. Sau một ngày lao động vất vả, gia đình anh thường quây quần bên mâm cơm đầm ấm, vui vẻ, mọi mệt nhọc của cuộc sống đời thường được xua tan, đây chính là niềm hạnh phúc giản dị, là động lực để xây dựng một gia đình bình đẳng và hạnh phúc. Có thể thấy rằng, gia đình là môi trường tuyên truyền, giáo dục tốt nhất về bình đẳng giới. Gia đình đóng vai trò cơ bản trong việc định hình mối quan hệ giới ngay từ những buổi đầu của cuộc sống con người và truyền tải chúng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Khi các thế hệ đi trước nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thì họ sẽ truyền dạy cho các thế hệ kế tiếp những nhận thức đúng đắn đó. Sự quan tâm, chăm sóc, tình yêu thương của cha mẹ, ông bà dành cho trẻ em trai và trẻ em gái là như nhau. Con trai, con gái đều được tôn trọng như nhau. Sự đầu tư của cha mẹ, ông bà trong việc phát triển đối với con trai, con gái phải trên cơ sở năng lực, sở thích và cơ hội của mỗi người con mà không dựa trên giới tính. Sự phân công lao động trong gia đình phải trên cơ sở khả năng của mỗi người con mà không phụ thuộc vào giới tính... từ đó góp phần rút ngắn khoảng cách giới, tiến tới bình đẳng giới. Việc giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình còn thể hiện trong việc làm gương của ông bà, cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Khi trong gia đình ông bà, cha mẹ tôn trọng nhau, chia sẻ công việc gia đình, cùng nhau bàn bạc và giải quyết các vấn đề sẽ là tấm gương sáng cho con cháu học tập, góp phần giáo dục cho thế hệ tương lai. Như vậy, để có được bình đẳng giới, trước hết trong gia đình cha mẹ, ông bà cần phải nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vì chính họ là tác nhân quan trọng nhất trong việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho thế hệ trẻ. Khi các thành viên gia đình nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới thì trẻ em trai và trẻ em gái ngay từ khi chào đời đã được cha mẹ, những người lớn tuổi đối xử bình đẳng. Khi lớn lên, được chứng kiến quyền bình đẳng giữa cha mẹ, ông bà, được hưởng quyền và thực hiện trách nhiệm bình đẳng với nhau. Gia đình sẽ tiếp tục là môi trường tuyên truyền, giáo dục hiệu quả nhất về bình đẳng giới. Cùng với gia đình là sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành và cộng đồng xã hội, nhất là Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, đến nay nhiều thành tựu về bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh từng bước đã được khẳng định. Đặc biệt là từ khi có Luật Bình đẳng giới cùng với sự quan tâm, đầu tư của toàn xã hội, vấn đề thực hiện bình đẳng giới đã có sự chuyển biến tích cực. Bình đẳng giới trong gia đình thể hiện ở việc cả vợ, chồng đều có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các hoạt động của gia đình, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng như quyền quyết định số con, khoảng cách sinh, việc chăm sóc và nuôi dạy con cái trên cơ sở chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo sự đồng thuận. Sự quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau của cả vợ và chồng giúp cho sự phát triển của gia đình được ổn định và bền vững hơn. Mặt khác, nhờ thực hiện tốt vấn đề bình đẳng giới trong gia đình mà các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình được tiếp tục giữ gìn và phát huy, đời sống vật chất, tinh thần của nhiều gia đình được cải thiện và nâng cao. Nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình có nhiều chuyển biến tích cực... Đặc biệt, số hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Vì vậy, ngày càng có nhiều gia đình là tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù pháp luật quy định trong gia đình vợ chồng đều bình đẳng với nhau về mọi mặt nhưng một số nơi nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là thiên chức của phụ nữ. Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Do vậy, để thực hiện tốt công tác bình đẳng giới cần sự phối hợp đồng bộ của toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Trong mỗi gia đình cần xây dựng được mối quan hệ dân chủ, bình đẳng giữa các thành viên, tạo được sự nền nếp, hòa thuận, kỷ cương ngay trong gia đình. Người phụ nữ trong gia đình phải có ý thức tự vươn lên để học hỏi và phát triển, đồng thời người chồng cũng phải hỗ trợ và khuyến khích, tạo điều kiện cho vợ có điều kiện khẳng định vị trí và vai trò của mình trong gia đình và xã hội. Thực hiện tốt bình đẳng giới trong gia đình là biện pháp hữu hiệu để xây dựng một xã hội no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bài, ảnh: THANH LÊ