(QT) - Tốt nghiệp THPH đã được một năm, trong khi các bạn cùng trang lứa người thì học đại học, người thì theo học cao đẳng hoặc học nghề gần hết thì T cứ mãi đeo đuổi giấc mơ du học sang Nhật Bản.
![]() |
Một địa chỉ tư vấn du học ở Quảng Trị. Ảnh : Lê Duy |
Gia đình có điều kiện nên vấn đề tài chính không đáng lo ngại đối với T, ngặt nỗi sau bao nhiêu đợt học, rồi ôn thi nhưng T vẫn không thể vượt qua được cuộc thi tiếng Nhật để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Thực ra, lực học của T ở bậc THPT chỉ ở mức trung bình nên trước đó, việc đi du học chưa bao giờ nằm trong suy nghĩ của T. Giấc mơ này chỉ đến với T từ những câu chuyện của mẹ và dĩ nhiên những câu chuyện đó chỉ vẽ ra một viễn cảnh tốt đẹp, thuận lợi. Mẹ T sưu tầm rất nhiều câu chuyện về con của bạn bè mình sang Nhật du học, rồi kiếm thêm việc làm và gửi tiền về đều đặn cho ba mẹ. Thậm chí có người còn lập gia đình, mở cửa hàng kinh doanh buôn bán rất khá giả ở bên đó. Câu chuyện và cả hy vọng của mẹ truyền sang T lúc nào không biết. Niềm hy vọng đó càng được củng cố khi T nghe nhân viên công ty tư vấn du học ở Đà Nẵng tư vấn về chuyện du học cho mình.
Thực ra với lực học của mình, để thi đỗ vào trường đại học trong nước rất khó nên trước đây T chỉ nghĩ đến việc đi học nghề. Qua mẹ, T biết muốn đi du học theo kiểu tự túc thì vấn đề tài chính là quan trọng nhất nên yên tâm khăn gói vào Đà Nẵng ôn luyện thông qua một công ty tư vấn du học. Nhưng vào đó T mới biết mọi chuyện không như mình nghĩ, việc học tiếng Nhật không hoàn toàn đơn giản mặc dù thời gian trong ngày dành hết cho việc học. Đợt 1, rồi đợt 2, đợt 3 T liên tiếp không vượt qua được cuộc thi tiếng nên rất chán nản. Nhưng mẹ cậu thì vừa động viên, vừa cương quyết hướng con đi theo con đường đó khiến T không có sự lựa chọn nào khác. T hiểu được nỗi lòng mẹ nên cố đeo bám vì trước đó, qua tư vấn của công ty du học, gia đình T chắc chắn con mình sẽ đi đu học nên lỡ thông báo rộng rãi với hàng xóm, bà con nội ngoại biết. Sau này, mọi việc không thuận lợi, mỗi lần T về thăm nhà không dám chào hỏi ai, cứ ngồi lì trong nhà từ sáng đến tối vì hễ ra ngõ là có người hỏi: “Không phải giờ này cháu đang ở Nhật à?” hoặc “T mới bên đó về à? Học hành ra sao cháu?”.
Trong khi đó, với M là sinh viên Khoa ngôn ngữ Nhật của Trường Đại học ngoại ngữ, Đại học Huế thì con đường du học dễ dàng hơn. Học năm thứ hai, M có nhu cầu đi du học ở Nhật và được gia đình ủng hộ. M cũng dễ dàng vượt qua được các cuộc phỏng vấn vì khả năng nói tiếng Nhật khá, cùng với việc chứng minh được mục đích sang Nhật du học rõ ràng nên hoàn tất các thủ tục và xin vi sa rất thuận lợi. Du học tự túc nên M cũng từng ấp ủ việc làm thêm để phụ gia đình trang trải cho việc học hành. Tuy nhiên, thời gian đầu ở Nhật, riêng việc làm quen để bắt nhịp với sinh hoạt và học tập theo sinh viên nước bạn đã quá sức đối với M khiến cô từ bỏ ngay ý định làm thêm kiếm tiền.
Không chỉ T, M mà du học tại Nhật Bản đang là ước mơ của nhiều bạn trẻ. Nhiều bạn gia đình có điều kiện kinh tế, sức học khá thì con đường du học không phải quá xa vời. Nhưng với những trường hợp như của T cũng không hiếm. Lực học kém, xác định mục đích sang Nhật chủ yếu để làm thêm khiến cho việc đi du học gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nắm bắt nhu cầu của nhiều bạn trẻ, các công ty tư vấn du học Nhật Bản ra đời. Bên cạnh những công ty có uy tín, không ít công ty để tiếp cận được khách hàng đã đưa ra thông tin sai lệch, thổi vào khách hàng giấc mơ “đổi đời” từ việc du học bằng cách vừa học vừa làm thêm.
Việc một số công ty tư vấn du học ở Việt Nam thông báo với học sinh, sinh viên rằng qua Nhật có thể làm việc đủ chi trả tiền học phí, sinh hoạt phí, thậm chí có thể tiết kiệm tiền gửi về nhà là không đúng sự thật. Theo quy định của Chính phủ Nhật Bản, sinh viên chỉ được làm thêm 28 giờ/tuần. Ngay cả khi các em nhận được 1.000 yen/giờ (khoảng 10 USD) cũng không thể nào đủ trang trải mọi chi phí ở Nhật và mang về nhà. Do đó, nếu sinh viên Việt Nam nào nói kiếm được nhiều tiền thì chỉ có làm việc bất hợp pháp. Nếu bị phát hiện, sinh viên đó sẽ bị trục xuất khỏi Nhật Bản và trong thời gian ngắn không được quay trở lại Nhật. Phần lớn học sinh, phụ huynh và cả giáo viên ở Việt Nam không nắm được nhiều thông tin về du học Nhật Bản nên bị ảnh hưởng bởi các thông tin từ tờ rơi, quảng cáo.
Có nên đeo bám giấc mơ du học? Với trường hợp như của T, các bậc phụ huynh nên xem xét lại để tránh tiền mất, tật mang, lại dang dở việc học của con ở trong nước. Nếu có nhu cầu cho con đi du học một cách nghiêm túc, cần tìm hiểu trang web đưa thông tin chi tiết về các trường đại học, quỹ học bổng bằng tiếng Việt và tiếng Anh của Đại sứ quán Nhật Bản trước khi nộp hồ sơ, không nên tin vào chiêu trò quảng cáo của một số công ty tư vấn. Đồng thời, phụ huynh cũng cần xác định rằng, việc làm thêm để có nhiều tiền gửi về cho gia đình rất khó đối với người chân ướt chân ráo ra nước ngoài để tránh tạo ra áp lực cho con cái. Điều cần thiết nhất để con đi du học là trang bị những kiến thức cần thiết phục vụ cho công việc và tương lai sau này của con. Làm giàu kiến thức mới là điều quan trọng nhất.
Hoài Nam