Cam Lộ chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi
(QT) - Hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, thời gian qua huyện Cam Lộ đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Cam Lộ chú trọng phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi

(QT) - Hướng đến mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Quảng Trị, thời gian qua huyện Cam Lộ đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đặc biệt quan tâm đến phát triển hạ tầng giao thông và thủy lợi.

Huyện Cam Lộ đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa kênh mương nội đồng​

Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Cam Lộ Trần Hoài Linh cho biết, để phát triển hệ thống giao thông, thời gian qua bằng nhiều nguồn vốn, huyện đã triển khai nhiều công trình giao thông quy mô và có tính kết nối cao, khi đưa vào sử dụng đã phát huy tốt hiệu quả trên nhiều mặt. Trong đó, chỉ tính riêng trong năm 2018 địa phương đã đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, mở rộng và bảo dưỡng thường xuyên 38 công trình đường giao thông với tổng chiều dài 67,8 km; đầu tư nhiều công trình cầu cống giao thông kết hợp thủy lợi nhằm giải quyết nhu cầu về giao thông và thoát nước trong mùa mưa lũ với tổng kinh phí trên 32 tỉ đồng và 2.400 ngày công huy động từ nhân dân. Nỗ lực này cùng với những công trình đầu tư trước đó như đường liên xã Cam An - Cam Thanh, đường Cam Hiếu - thị trấn Cam Lộ, đường từ Bản Chùa đi An Mỹ ở xã Cam Tuyền... với tổng kinh phí thực hiện gần 250 tỉ đồng; hệ thống giao thông vùng sản xuất cây, con chủ lực và dự án đường sản xuất lâm nghiệp và phòng chống cháy rừng với tổng mức đầu tư khoảng 140 tỉ đồng; đầu tư xây dựng khá đồng bộ hệ thống đường giao thông liên xã, liên thôn; hệ thống giao thông nội đồng đã tạo ra bước đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông của huyện. “Đến nay, các tuyến đường này đã kết nối được tất cả vùng, miền, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, hoạt động lưu thông hàng hóa, phục vụ nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh, cứu hộ và cứu nạn. Đây là điều kiện quan trọng để huyện phấn đấu trong năm 2019 về đích tiêu chí hạ tầng giao thông”, ông Trần Hoài Linh thông tin thêm.

Đạt được kết quả này, có thể thấy rằng ngoài nỗ lực của huyện thì ở nhiều địa phương việc huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng giao thông được triển khai rất bài bản, được người dân đồng thuận và tích cực hưởng ứng. Như ở xã Cam Hiếu, một xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 nhưng hiện nay người dân vẫn đang tích cực hiến đất, đóng góp tiền và công sức, huy động các nguồn kinh phí xã hội hóa để mở rộng nhiều tuyến đường đã được bê tông hóa và các thôn như Mộc Đức, Thạch Đâu, Bích Giang, Tân Hiếu... đang thực hiện rất tốt công việc này. Bí thư Đảng ủy xã Cam Hiếu Trần Thị Anh cho hay: “Hạ tầng giao thông có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, do vậy cấp ủy, chính quyền địa phương luôn khuyến khích và tạo điều kiện tốt nhất để người dân tham gia “nâng tầm” các tuyến đường hiện có và đây là việc rất cần thiết để địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu”.

Cùng với hạ tầng giao thông, huyện Cam Lộ đặc biệt quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi trên địa bàn để phục vụ tốt sản xuất và sinh hoạt của người dân. Với tổng chiều dài hệ thống kênh mương khoảng 200 km, đến nay Cam Lộ đã thực hiện kiên cố hóa được 126 km; 47 hồ, đập và 6 trạm bơm được đầu tư kiên cố và đồng bộ. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, từ nguồn vốn do huyện làm chủ đầu tư đã tiến hành nâng cấp 8 hồ và kiên cố hóa trên 15 km kênh mương nội đồng với kinh phí trên 41 tỉ đồng… Đầu tư cho hệ thống thủy lợi là yếu tố quyết định để sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển. Đến nay Cam Lộ có diện tích lúa trung bình mỗi vụ đạt trên 1.700 ha, trên 1.500 ha cây hoa màu và cây dược liệu… Sản xuất và sinh hoạt thuận lợi, thu nhập được cải thiện rõ rệt là cảm nhận chung của rất nhiều nông dân huyện Cam Lộ. Ông Trần Quốc Thiển, Phó giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thủy Đông, xã Cam Thủy nêu thực tế: “Hợp tác xã có 135 ha lúa, trước đây khi chưa được đầu tư kiên cố hóa hệ thống kênh mương, sản xuất của chúng tôi gặp không ít trở ngại do lượng nước cấp không kịp thời, hao hụt nhiều. Từ khi nhà nước bố trí kinh phí giải quyết vấn đề này thì nông dân rất thuận lợi và chủ động trong canh tác. Ngay như vụ đông xuân này, xã viên hợp tác xã cũng đã rút ngắn được nhiều thời gian cho khâu làm đất, gieo sạ nhờ được cung cấp nước nhanh và đủ. Không chỉ ở đây mà các địa phương lân cận, nông dân đều rất phấn khởi vì được hưởng lợi từ đầu tư của nhà nước cho các công trình thủy lợi cũng như đường giao thông nội đồng”. Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cam Lộ Phạm Viết Thanh cho biết, để đầu tư cho các công trình thủy lợi, huyện đã coi trọng lồng ghép các nguồn lực cũng như huy động sự tham gia, đóng góp của người dân. Nhờ vậy, trong 5 năm qua diện tích lúa trên địa bàn huyện đã tăng 30%, đến nay 100% diện tích lúa được tưới tiêu chủ động, đảm bảo về mọi mặt. Diện tích đất trồng màu cũng phát huy tốt hiệu quả kinh tế nhờ hệ thống thủy lợi. Đây là kết quả rất tích cực trong điều kiện đầu tư cho thủy lợi đòi hỏi phải có nhiều kinh phí nhưng bố trí từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này còn hạn hẹp.

Đến nay, Cam Lộ đã có 8/8 xã về đích nông thôn mới và huyện đã đạt 4/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới. Quan tâm đầu tư cho hạ tầng giao thông, thủy lợi chính là tiền đề quan trọng để Cam Lộ phấn đấu sớm hoàn thành mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.

Huy Nam