Phát huy vai trò của Công đoàn trong công tác phòng chống TNXH trong CNVC-LĐ
(QT) - CNVC-LĐ là lực lượng quan trọng trong sự nghiệp CNH, HĐH quê hương, đất nước. Từ trước đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề chăm lo giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân để họ xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Với vai trò là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân, Công đoàn Việt Nam nói chung, Công đoàn Quảng Trị nói riêng đã tích cực tuyên truyền, vận động đội ngũ CNVC-LĐ không ngừng học tập, nâng cao bản lĩnh chính trị cũng như trình độ học vấn, nghề nghiệp, tiếp nhận những tri thức khoa học hiện đại để vận dụng vào thực tiễn lao động sản xuất và công tác. Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn cũng đã rất quan tâm đến việc tuyên truyền, vận động CNVC-LĐ phòng chống các tệ nạn xã hội (TNXH) để bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng.
.jpg) |
Hội nhgị BCH LĐLĐ tỉnh (kháo X) lần thứ 4 bàn biện pháp đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục pháp luật trong CNVC- LĐ. Ảnh: VQ |
Tuy đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền vận động, nhưng thực trạng tệ nạn xã hội hiện nay đang đặt ra cho tổ chức Công đoàn những nhiệm vụ hết sức nặng nề. Cần nhận rõ rằng, các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cờ bạc luôn là mối đe doạ thường xuyên đến sức khoẻ và tính mạng của người lao động, làm xói mòn đạo đức, nhân phẩm, làm tha hoá phẩm chất của đội ngũ CNVC-LĐ và con em họ. Tệ nạn xã hội thường ẩn náu dưới nhiều hình thức, len lỏi trong mọi ngõ ngách của cuộc sống, khêu gợi những thị hiếu thấp hèn của con người thông qua các hoạt động lan truyền, phổ biến văn hoá phẩm đồi truỵ, lôi kéo ăn chơi đua đòi trong cuộc sống, do đó rất khó ngăn chặn. Ngày nay, bên cạnh những mặt ưu điểm do nền văn minh tiên tiến của nhân loại đưa đến thông qua sự tiến bộ nhanh chóng của công nghệ thông tin thì mặt trái của cơ chế thị trường, các dòng chảy của văn hoá ngoại nhập độc hại đã làm cho tệ nạn xã hội có cơ hội phát triển nhanh chóng. Công nhân lao động ngày nay không chỉ phải thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất mà còn phải đương đầu với nhiều thử thách của cuộc sống, trong đó có hiểm hoạ từ các tệ nạn xã hội. Tệ nạn xã hội mà đặc biệt là ma tuý đã trở thành gánh nặng cho xã hội. Rất nhiều gia đình đang ấm êm hạnh phúc bỗng chốc chia lìa, tan nát; nhiều số phận đã bị vùi chôn vì tệ nạn ma tuý. Hàng ngàn CNVC-LĐ mắc vào nghiện ngập do lạm dụng ma tuý; đồng thời, ma tuý với sức cám dỗ siêu lợi nhuận đã lôi kéo nhiều người vào con đường buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép để rồi không ít trong số họ đã vi phạm pháp luật. Nhiều người đã phải từ bỏ công danh sự nghiệp, trở thành những kẻ thất nghiệp, là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng xã hội. Công đoàn với trọng trách cao cả của mình là bảo vệ lợi ích hợp pháp của người lao động, phải thường xuyên đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động người lao động cảnh giác phòng tránh và tích cực đấu tranh bài trừ tệ nạn xã hội. Họ không những phải hiểu biết đầy đủ những kiến thức để phòng chống ma tuý, mại dâm, mà cần được giáo dục để nâng cao bản lĩnh sống, biết kiềm chế những dục vọng cá nhân. Công tác tuyên truyền cần hướng tới việc giáo dục lối sống lành mạnh, biết trọng nhân cách, giàu lòng nhân ái; tích cực đấu tranh phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, cờ bạc và các tệ nạn xã hội khác. Công đoàn các cấp cần tích cực vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện cho các trung tâm sinh hoạt văn hoá, tạo cơ hội thuận lợi cho CNVC-LĐ và con em họ tiếp cận ngày càng nhiều hơn các hoạt động văn hoá, thể thao lành mạnh, bổ ích; biểu dương, tôn vinh những tấm gương của người lao động trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc, văn hoá của dân tộc, có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội. Công đoàn cơ sở- nơi trực tiếp với CNVC-LĐ- cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá với những tiêu chí phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, ngành hoặc đơn vị, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Lấy văn hoá lành mạnh chống lại văn hoá đồi truỵ, phản động; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc; khơi dậy niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam yêu nước, nhân nghĩa làm phương tiện đẩy lùi các tệ nạn xã hội. Muốn vậy, điều quan trọng là các cấp Công đoàn phải luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, triển khai các hoạt động thiết thực, hướng tới người lao động, vì người lao động. Phải bằng mọi cách tuyên truyền, phổ biến đầy đủ các văn bản pháp luật về phòng chống tệ nạn xã hội cho cán bộ, CNVC-LĐ như: Luật Phòng chống ma tuý, Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và các văn bản pháp luật khác có liên quan đến phòng chống tệ nạn xã hội. Phòng chống tệ nạn xã hội vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài không chỉ của riêng tổ chức Công đoàn. Tuy nhiên, để góp phần tích cực vào lĩnh vực quan trọng này, đòi hỏi các cấp Công đoàn cũng như mỗi cán bộ, CNVC-LĐ phải hiểu biết đầy đủ và ý thức được tầm quan trọng của nó. Phải coi đây là nhiệm vụ hết sức cần thiết, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của giai cấp công nhân và cộng đồng để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH-HĐH quê hương, đất nước. Hải Lý