Cần tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động
Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương “cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia (gọi tắt là XKLĐ) là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá”.  Thực hiện chủ trương trên, trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và một số Bộ, ngành chức năng đã kịp thời ban hành một số văn bản pháp luật, sửa đổi bổ sung các chính sách, cơ chế XKLĐ đảm bảo ...

Cần tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động

Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương “cùng với giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia (gọi tắt là XKLĐ) là một chiến lược quan trọng, lâu dài, góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá”. Thực hiện chủ trương trên, trong những năm vừa qua, Quốc hội, Chính phủ và một số Bộ, ngành chức năng đã kịp thời ban hành một số văn bản pháp luật, sửa đổi bổ sung các chính sách, cơ chế XKLĐ đảm bảo quyền lợi cho người lao động, cho các doanh nghiệp và Nhà nước; đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực trong nước và nghiên cứu, tìm kiếm thị trường lao động nước ngoài phục vụ cho nhiệm vụ XKLĐ. Trên quan điểm và cơ sở đó, đến nay toàn tỉnh đã đưa được trên 2000 lao động đang làm việc tại Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Quatar, 2.500 người đi lao động tại Lào, trên 12.000 người làm việc tại các khu công nghiệp tỉnh phía Nam và số lao động này sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Ngành nghề người lao động làm việc bao gồm: dệt, điện tử, cơ khí, sản xuất đồ nhựa, đồ gỗ, trang trí nội thất, may, điều dưỡng...Nhìn chung, lao động của tỉnh làm việc tại nước ngoài đều có chỗ ăn, nghỉ tương đối tốt, thu nhập khá. Bình quân thu nhập của người lao động gửi về gia đình như sau: Malaysia khoảng 2 triệu đồng/tháng, Đài Loan 7 triệu đồng/tháng, Hàn Quốc và Nhật Bản khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nguồn thu từ xuất khẩu lao động chuyển về hàng năm đạt gần 4 triệu USD, XKLĐ đã đem lại việc làm cho lao động ở vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, vùng dư thừa lao động, không những giúp gia đình họ cải thiện và nâng cao đời sống mà còn phát triển kinh tế nông thôn. XKLĐ ngoài ý nghĩa giải quyết việc làm, tăng nguồn thu ngoại tệ cho tỉnh nhà, còn góp phần vào việc nâng cao trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ cho người lao động và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa tỉnh với các tỉnh bạn trong nước và nước ngoài. Sau khi về nước, chính đội ngũ lao động này trở thành lực lượng quan trọng đóng góp nguồn vốn và kiến thức cho tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá khi kinh tế tỉnh phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác XKLĐ trên địa bàn đang tồn tại ba khó khăn lớn, đó là: Trình độ, khả năng cạnh tranh của lực lượng LĐXK và các DN hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ còn yếu. Nguyên nhân là do LĐXK của tỉnh vốn xuất thân từ nông thôn, chủ yếu không nghề, không ngoại ngữ, không tác phong công nghiệp (thường gọi là ""3 không") nên tiền lương và thu nhập không cao. Chất lượng lao động đưa đi thấp là một trong những nguy cơ tiềm ẩn về khả năng mất thị trường và giảm khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam so với các nước trong khu vực. Tình trạng này nếu không khắc phục thì XKLĐ khó tránh được sự o ép, người lao động sẽ bị thiệt thòi, có thể bị khinh rẻ, bị đối xử bất bình đẳng. Mặt khác, trong khi cạnh tranh XKLĐ giữa các nước ngày càng gay gắt, thì phần lớn các DN của ta tham gia hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ vừa thiếu kinh nghiệm, thông tin, vừa yếu về năng lực tài chính. Thứ hai, tình trạng phá hợp đồng vẫn còn diễn ra nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Ở một số thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, tỷ lệ vi phạm hợp của lao động nước ta vẫn cao (khoảng 10 - 15%) làm ảnh hưởng tới uy tín của lao động của nước ta. Hiện tượng các tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo, thu tiền bất chính của người lao động đi XKLĐ vẫn còn. Thứ ba, trong khi XKLĐ không đơn thuần là hoạt động thương mại của DN mà còn là một ngành kinh tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thì không ít cơ quan chức năng lại coi hoạt động này là việc riêng của các doanh nghiệp, nên chưa có sự hỗ trợ thích đáng. Nhằm tháo gỡ những khó khăn, chấn chỉnh tình trạng yếu kém để nâng cao hiệu quả trong công tác XKLĐ trong thời gian tới, trước hết cần tạo điều kiện để công tác này phát triển mạnh và mở rộng thị trường sử dụng lao động của tỉnh nói riêng và nước ta nói chung ở nước ngoài. Tiếp tục ổn định và mở rộng các thị trựờng truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ma-lai-xia...phát triển các thị trường khu vực vùng Vịnh như Các Tiểu Vương quốc A Rập thống nhất, Quatar, Ả Rập Xê út... Xúc tiến đưa lao động sang một số thị trường mới như Ô-xtrây-lia, Ca-na-đa, EU, Hoa Kỳ... Chuẩn bị nguồn lao động, có chiến lược đào tạo LĐXK lâu dài, bài bản. Vì vậy, phải thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt trong thực hiện dự án về đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay tỉnh đã có đề án và đầu tư đủ về tài chính trong 4 năm (2007- 2010) là 179,7 tỷ đồng. Đây là điều kiện để phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và ngoại ngữ cho người lao động. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh, đặc biệt là các thông tin cần thiết về luật, quy định của nước tiếp nhận, tôn giáo, phong tục, tập quán, điều kiện sống và sinh hoạt ở nước tiếp nhận một cách chi tiết, rõ ràng và dễ hiểu qua nhiều hình thứ khác nhau. Phát triển các hình thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như: Doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài mà đặc thù là một số DN trong tỉnh và trong nước đã đầu tư làm ăn ở các tỉnh bạn (Savanakhet, Salavan...- Lào); nhận thầu công trình ở nước ngoài; thông qua doanh nghiệp XKLĐ hoặc cá nhân người lao động tự tìm ký hợp đồng lao động làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra phải phòng ngừa, xử lý nghiêm túc người lao động bỏ trốn; xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo người lao động trên địa bàn. Nguyễn Quốc Thanh