Thêm một vụ mùa bội thu
(QT) - Vụ đông xuân 2010-2011, rét đậm và mưa dầm kéo dài từ đầu vụ đã gây thiệt hại 9.700 ha lúa, trong đó có đến 3.800 ha lúa phải gieo lại, cùng với dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình sản xuất. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của ngành Nông nghiệp, sự hưởng ứng tích cực của nông dân nên cây lúa được mùa, năng suất bình quân toàn tỉnh đạt 53,05tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. Vượt lên thử thách Những ngày này, đi qua các vùng trồng lúa ở Quảng Trị như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng... bà con nông dân vừa thu hoạch xong vụ đông xuân 2010-2011 đang khẩn trương xuống vụ hè thu. Ông Hoàng Văn Nghi ở thôn Vinh Quang Thượng (Gio Quang, Gio Linh) phấn khởi cho biết: “Riêng với Gio Quang liên tục gần 10 năm nay đều được mùa. Năng suất lúa ở đây đạt từ 55-60 tạ/ha. Với giá lúa hiện tại 7.000 đồng/kg, trừ chi phí nhà tôi thu lãi hơn 20 triệu đồng.” Hiện nông dân làm ruộng rất thuận lợi, nhờ áp dụng nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật nên trồng lúa cho năng suất, sản lượng cao, thu lãi khá. Tuy nhiên với một địa phương phải chịu nhiều thiên tai bất thường như Quảng Trị thì để có được một vụ mùa bội thu, người nông dân phải cật lực để vượt qua bao thử thách khắc nghiệt của thiên tai.
 |
Khảo nghiệm giống lúa mới. |
Ông Trương Sĩ Mầu ở thôn Giáo Liêm, xã Triệu Độ (Triệu Phong) nhớ lại: “Chưa có năm nào người trồng lúa ở Quảng Trị trải qua nhiều lo âu như năm nay. Đầu vụ thời tiết thất thường, rét đậm, rét hại kéo dài, cây lúa héo quắt trong giá rét. Thật may khi rét hại vừa kết thúc thì thời tiết thuận lợi. Trời ấm áp, mưa dông liên tục trong dịp lúa trổ đòng nên đã giúp cho cây lúa được mùa, bà con nông dân quá vui mừng”. Niềm vui của ông Mầu cũng là niềm vui của hàng ngàn người nông dân Quảng Trị, bởi họ đã vượt qua thử thách khắc nghiệt của thiên tai và có được vụ mùa bội thu trọn vẹn như mong ước. Được mùa nhờ giống tốt Phải khẳng định rằng, công tác giống ở Quảng Trị trong những năm trở lại đây đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định đến năng suất cây lúa, tạo ra những mùa vàng bội thu. Sau những thành công về khảo nghiệm các giống lúa mới và đã được nhân rộng, năm nay Trung tâm giống cây trồng-vật nuôi Quảng Trị tiếp tục khảo nghiệm thành công với hai giống lúa lai của Việt Nam là TH 3-3 và TH 7-2 tại HTX Văn Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng. Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Trung tâm cho biết: “”Đây là lần đầu tiên tổ chức khảo nghiệm lúa lai 2 dòng tại địa phương trong điều kiện khí hậu thời tiết vô cùng khó khăn do rét hại và rét đậm kéo dài. Vụ khảo nghiệm cho kết quả rất khả quan, năng suất ước đạt 62- 66 tạ/ha. Nếu tính mức đầu tư phân bón và thuốc BVTV cho các giống như nhau thì giống lúa lai TH 3-3 có hiệu quả kinh tế hơn, lãi thêm của 1 sào lúa TH 3-3 so với giống khác là 480.000 đồng.”. Bằng việc liên tục cho khảo nghiệm và đưa vào ứng dụng tại các địa phương nên hiện nay ở Quảng Trị đã lựa chọn được một bộ giống cực tốt phục vụ cho sản xuất đông xuân, riêng vụ hè thu đã tạo được bộ giống ngắn ngày để rút ngày mùa vụ tránh lũ. Ông Trần Đức Nhu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT cho biết: “Việc tổ chức khảo nghiệm các giống lúa là một trong những bước đi nhằm đưa năng suất, sản lượng lúa ở Quảng Trị ngày càng đạt cao hơn. Hiện nay Sở đã lựa chọn được bộ giống có năng suất, chất lượng gồm: HT1, HC95, HT6, HT9, TL6, PC6, Xi23, P6, 35366...và tập trung chỉ đạo nông dân tích cực đưa các loại giống này vào sản xuất để phòng ngừa sâu bệnh, chống chịu với mưa rét, nắng hạn để mang lại năng suất, sản lượng cao.” Kinh nghiệm về tổ chức sản xuất Chúng tôi về Hải Lăng khi mà vụ đông xuân vừa kết thúc, nông dân đang gấp rút triển khai sản xuất hè thu theo đúng lịch trình của ngành Nông nghiệp. Trong niềm vui được mùa, trở lại câu chuyện vụ đông xuân với anh Nguyễn Giáp, Trưởng phòng Nông nghiệp&PTNT huyện Hải Lăng thì được biết vụ sản xuất này toàn huyện gieo được 6.500 ha lúa. Đây là một vụ sản xuất hết sức đặc biệt vì những bất thường của thời tiết và kết quả đã đạt được. Chúng tôi hỏi nguyên nhân đưa đến vụ sản xuất thắng lợi, anh Giáp phân tích: Ngay từ đầu vụ đông xuân, UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp&PTNT, Đảng bộ, chính quyền huyện đã quyết liệt chỉ đạo bà con nông dân sử dụng giống lúa có phẩm cấp cao, chủ yếu là Khang Dân, HT1, PT6 để tăng khả năng chống chịu rét và có sức đề kháng tốt nên cây lúa phục hồi nhanh khi thời tiết thuận lợi. Sự chỉ đạo này đã được nông dân Hải Lăng tuân thủ tuyệt đối. Những diện tích ảnh hưởng rét không phục hồi, nông dân đã kịp thời gieo lại, không để diện tích bỏ hoang. Với diện tích lúa có khả năng phục hồi thì công tác chăm sóc tỉa dặm, bảo đảm mật độ hợp lý để cây lúa sinh trưởng tốt. Các tiến bộ KHKT cũng được đưa vào ứng dụng rộng rãi trên đồng ruộng. Bên cạnh đó huyện đã hỗ trợ kịp thời phân bón giúp bà con bón đủ, hết diện tích lúa, giúp cây đẻ nhánh tốt, phục hồi nhanh, đảm bảo về năng suất, chất lượng...”. Đó là những bài học kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất vừa qua ở Hải Lăng đã lý giải một cách thuyết phục về thắng lợi của vụ sản xuất gặp muôn vàn khó khăn bởi thiên tai, dịch bệnh. Theo kế hoạch, vụ hè thu 2011 huyện Hải Lăng tiến hành gieo với diện tích 6.500 ha với các giống ngắn ngày như Khang dân, PC 6, Ma Lâm 48, HT1... Thời gian kết thúc gieo lúa hè thu vào ngày 30/6 để kịp hoàn thành thu hoạch trước 20/9 nhằm tránh lũ cho vùng trũng này. Ngoài công tác chỉ đạo sản xuất kịp thời và quyết liệt, sự vượt khó của nông dân cũng đóng vai trò hết sức quan trọng làm nên vụ mùa bội thu. Bất luận thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, nông dân vẫn tích cực bám đồng gieo, tỉa dặm, chăm sóc lúa bằng kỹ năng làm ruộng thuần thục và áp dụng tiến bộ KH-KT hiệu quả. Ông Trần Đức Nhu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp&PTNT Quảng Trị đánh giá: “Không riêng gì Hải Lăng, vụ đông xuân 2010-2011 này nhiều địa phương khác cũng đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá về sản xuất, bởi nếu không có sự chỉ đạo sâu sát và người dân không tích cực hưởng ứng thì không thể có một vụ mùa bội thu như năm nay..” Bài, ảnh: TÂN NGUYÊN