Bình dị nón lá Bố Liêu
(QT) - Là người Việt Nam, không ai trong đời lại không một lần nhìn thấy chiếc nón lá mà các mẹ, các chị hay những người con gái đã đội lên đầu. Chiếc nón cũng nhiều lần làm xao xuyến lòng người bằng những vần thơ trữ tình của các thi sĩ: “S ao anh không về thăm quê em/ Ngắm em chằm nón buổi đầu tiên ". Chiếc nón không chỉ che mưa che nắng cho những phụ nữ, mà còn thực hiện chức năng làm đẹp, góp phần làm tăng thêm nét duyên dáng của người con gái thôn quê: “ Sao em biết anh nhìn mà nghiêng nón …”.
 |
Chằm nón ở Bố Lieu - Ảnh: TRÀ THIẾT |
Chúng tôi về làng Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Tiếng cười nói rộn ràng xen trong từng đường kim mũi chỉ. Không khí chằm nón của các mẹ các chị trở nên nhộn nhịp hơn. Hầu hết bà con giáo dân ở đây, từ người già đến trẻ nhỏ, ai ai cũng biết chằm chiếc nón lá. Không biết nghề ra đời từ thuở nào, đời này đến đời khác và cho đến ngày nay, những người phụ nữ giản dị mà rất đỗi khéo léo vẫn cần mẫn, mải mê làm nón sau những giờ tất bật trồng lúa, trồng khoai, chăm sóc gia đình. Chằm một vài chiếc nón để che mưa che nắng, khi đi chợ, khi làm ruộng đến khi trao gửi, bán buôn vào Nam ra Bắc. Từ đó, dần dần người Bố Liêu đã góp tên làng mình vào thư mục nghề nón lá truyền thống trên mọi miền của Tổ quốc. Cũng như bao chiếc nón lá đơn sơ khác, nón lá Bố Liêu không cầu kỳ, phức tạp mà vẫn có thể khiến lòng người xao xuyến mỗi khi cầm trên tay hay đội lên đầu, đi về trong mỗi sớm mỗi chiều. Chị Nguyễn Thị Hoàn, một người con gái từ làng khác về Bố Liêu làm dâu chia sẻ: “Hồi mới về làm dâu, tôi được mẹ chồng truyền cho nghề chằm nón, đến nay cũng đã 10 năm theo nghề. Để có được một chiếc nón lá xinh, người chằm nón phải chọn lá nón giữ được màu xanh nhẹ, mười sáu vành nức thường mảnh, phải được vót tròn trĩnh, tỉ mỉ và công phu. Người thợ ủi lá nhiều lần và cẩn thận cho thật phẳng và láng. Khung chằm, phải tự mình đặt làm ở thợ chuyên, để dáng của chiếc nón sau khi chằm xong được đẹp mắt, vừa ý. Đặc biệt, khi xếp từng lớp lá, đòi hỏi người thợ phải thật khéo, nhất là khâu sử dụng lá chêm, tránh việc chồng nhau nhiều lớp để nón thanh và mỏng. Đường kim mũi chỉ chằm phải sát để kẽ lá ôm khít lấy nhau”. Những người phụ nữ làng Bố Liêu say mê xếp từng lớp lá lên khuôn nón, luồn kim từng sợi gấc mỏng mảnh thật dài, chằm hết vành nón này đến vành nón khác. Nón chằm hoàn tất, người ta đính cái soài đã được chuẩn bị bằng chỉ màu rất đẹp vào chóp nón, sau đó mới phủ dầu nhiều lần, phơi đủ nắng để thành nón bóng láng và giữ được bền. Với kỹ thuật tạo hình và cắt chữ trên giấy màu đậm, xếp chen giữa hai lớp lá nón, người thợ có thể làm tăng thêm phần mỹ thuật và nét duyên dáng cho người sử dụng. Có thể hiểu tại sao nghề làm nón lá lại được truyền đời từ rất lâu, trong chính thời gian và không gian bình dị của miền quê dân dã này. Với người phụ nữ nơi đây, nón đẹp và nón bền là hình ảnh thân thuộc trong những ngày tháng ấu thơ nhìn ba, nhìn mẹ làm nón. Rồi không rõ từ lúc nào, những ngón tay nhỏ nhắn ấy dần mềm mại khéo léo, từ khâu chọn từng nuột lá xếp lên khuôn, chọn sợi gấc và nuột kim, gửi gắm ước vọng vươn tới cái đẹp, cái có ích trong cuộc đời. Ở Bố Liêu, một nếp cũ của nghề chằm nón mang ý nghĩa truyền đời, đó là khi người con gái lấy chồng, một trong những thứ mà ba mẹ chọn làm hồi môn cho con gái là chiếc khuôn nón. Người con gái đem chiếc khuôn nón ấy theo về nhà chồng như một tặng phẩm của làng quê ruột thịt, để nàng dâu có thể làm nón cho mẹ, cho chị và em gái của chồng hoặc gây dựng một làng nón mới. Đối với những con người nơi vùng quê nghèo này, nỗi khát khao giữ gìn nghề truyền thống của ông cha để lại dường như đã ăn sâu trong tiềm thức. Để nghề chằm nón lá truyền thống này được lưu giữ, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị đang phối hợp với huyện Triệu Phong và chính quyền xã Triệu Hòa hoàn tất hồ sơ trình Hội đồng thẩm định công nhận Bố Liêu là làng nghề truyền thống chằm nón lá. MINH KHA - KIM THOA