Sáng nay 17/2, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố về tình hình mở cửa trường học của các địa phương. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị.
![]() |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến chủ trì hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: M.Đ |
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT về việc tổ chức dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn sau tết Nhâm Dần 2022, 100% tỉnh, thành phố, Sở GD&ĐT đã xây dựng và thực hiện tiêu chí đảm bảo an toàn cho học sinh học trực tiếp; xây dựng kịch bản dạy học thích ứng linh hoạt, an toàn cho trẻ, học sinh tùy theo tình huống dịch bệnh; triển khai sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 trong trường học đến toàn thể cán bộ, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh.
Chuẩn bị cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn để sẵn sàng đón học sinh đến trường; 100% tỉnh, thành phố đã có kế hoạch cho trẻ mầm non, học sinh trở lại trường học trực tiếp trong tháng 2/2022. Từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) toàn ngành ghi nhận 162.917 cán bộ, nhân viên, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên nhiễm COVID-19.
Tình hình trên đã dẫn đến nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến, một số địa phương chưa quyết định mốc thời gian cụ thể cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học đến trường. Từ ngày 7-16/2/2022, đối với cấp mầm non có 54/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho trẻ mầm non học trực tiếp; đối với cấp tiểu học 59/63 tỉnh, thành phố cho học sinh học trực tiếp; đối với trung học cơ sở 63/63 tỉnh, thành phố đã tổ chức cho học sinh học trực tiếp; 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch dạy học trực tiếp.
Hiện cả nước có trên 21 triệu học sinh đã đi học trực tiếp/22,4 triệu học sinh, đạt tỉ lệ 93,71%. Theo kế hoạch, từ ngày 21/2/2022, cấp mầm non có 59/63 tỉnh, thành phố cho toàn bộ trẻ học trực tiếp; cấp tiểu học 63/63 tỉnh, thành cho học sinh học trực tiếp; cấp THCS, THPT 63/63 tỉnh, thành phố duy trì học trực tiếp.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Việc đưa học sinh trở lại trường học là rất cần thiết, quan trọng. Chủ trương mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp nhìn chung được xã hội, giáo viên, phụ huynh, các chuyên gia… ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay đó là xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp; tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học của Chính phủ, Bộ GD&ĐT; tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành GD&ĐT đưa con em trở lại trường học an toàn.
Đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế có sự hướng dẫn thống nhất về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp và test thường xuyên, cụ thể đối tượng nào cần test; có biện pháp xử lý khi xảy ra tình huống giáo viên, học sinh nhiễm COVID-19 trong trường học; phối hợp chặt chẽ với gia đình để nắm rõ tình hình sức khỏe, bệnh nền… của học sinh; tuyên truyền về tiêm vắc xin cho trẻ em…
Đề nghị các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi căng thẳng, dẫn đến sự chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú đề nghị chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú; tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.
Minh Đức