(QT) - Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có ba khu công nghiệp (KCN) là Nam Đông Hà, Quán Ngang, Tây Bắc Hồ Xá; hai khu kinh tế (KKT) là KKT Đông Nam và Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo. Đây chính là “xương sống” của nền kinh tế địa phương, tạo ra các sản phẩm công nghiệp, loại hình kinh doanh - dịch vụ chủ lực, đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Tuy nhiên, để các KCN, KKT phát triển, đảm đương tốt hơn vai trò của mình, rất cần những giải pháp cấp bách và đồng bộ.
![]() |
Hoạt động sản xuất của một doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Nam Đông Hà |
Đến nay các KCN, KKT đã thu hút được 134 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20.250 tỷ đồng, trong đó 89 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 8.105 tỷ đồng, 45 dự án đang triển khai xây dựng. Cụ thể, tại KCN Nam Đông Hà có 18 dự án đã đi vào hoạt động, 13 dự án đang triển khai xây dựng, tổng vốn đăng ký đầu tư 1.898 tỷ đồng. KCN Quán Ngang có 11 dự án đã đi vào hoạt động, 7 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.194 tỷ đồng. KCN Tây Bắc Hồ Xá có 5 dự án đang triển khai xây dựng với tổng vốn đăng ký đầu tư 258 tỷ đồng. Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo có 60 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.761 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.544 tỷ đồng. KKT Đông Nam có 21 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 11.139 tỷ đồng, có 8 dự án đã đi vào hoạt động.
Năm 2017, giá trị sản xuất công nghiệp của các KCN, KKT ước đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 12% với năm 2016 và chiếm khoảng 35 - 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, nộp ngân sách ước đạt trên 350 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2016, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 5.200 lao động với mức thu nhập bình quân đạt 5,5 triệu đồng/người/ tháng. Bên cạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh, ý thức trách nhiệm trong thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn lao động, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ của các doanh nghiệp (DN) trong KCN, KKT cũng đã có bước chuyển biến tích cực...
Bên cạnh những điểm sáng này, hoạt động các KCN, KKT vẫn còn không ít khó khăn. Ông Trần Đoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết: “Hạ tầng của các KCN, KKT vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ do thiếu vốn. Việc đấu giá đất tạo nguồn đầu tư cho hạ tầng chưa hiệu quả trong khi đó việc thu tiền sử dụng hạ tầng của các DN theo quy định của UBND tỉnh vẫn chưa theo kịp nhu cầu duy tu, bảo dưỡng. Thực trạng này cùng với một số hạn chế của tỉnh Quảng Trị trong thu hút đầu tư khiến nhiều DN có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, công nghệ chưa xem việc đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn là mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất”.
Ông Đoàn cũng nêu thực tế, các KCN Nam Đông Hà, Quán Ngang có tỷ lệ lấp đầy cao nhưng phần lớn là những dự án có quy mô nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, sản xuất còn thiếu tính ổn định, bền vững và nhiều dự án đầu tư kéo dài, chậm đưa vào hoạt động. KKT Đông Nam mới thành lập, số dự án đầu tư còn ít, hạ tầng giao thông, kỹ thuật rất hạn chế, các dự án động lực về năng lượng, cảng biển vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và chuẩn bị đầu tư. Khu Kinh tế - Thương mại Lao Bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn do chính sách thay đổi. Các nhà đầu tư cũng gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp vận nguồn vốn của các ngân hàng thương mại trong quá trình thực hiện dự án. Bên cạnh đó sự phân cấp, phối hợp thực hiện một số thủ tục hành chính giữa Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và các cơ quan chức năng về đất đai, môi trường, xây dựng, phòng cháy chữa cháy có lúc còn chậm và bất cập...
“Để khắc phục những vấn đề này cần phải đặt các KCN, KKT của tỉnh trong chiến lược phát triển công nghiệp chung của cả nước. Tiếp tục thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hỗ trợ, hướng dẫn, giải quyết kịp thời các thủ tục hành chính, các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, DN; nghiên cứu, đề xuất xây dựng hệ thống văn bản pháp luật thống nhất, cơ chế chính sách ổn định, lâu dài đối với các KCN, KKT. Tập trung thu hút nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật. Trong đó, đối với KKT Đông Nam cần phải cấp thiết từng bước xây dựng hoàn thiện đường trục chính dọc KKT, đường nội bộ, hệ thống giao thông đối ngoại, hệ thống cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải; hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án động lực như Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị 1, Cảng biển Mỹ Thủy… xem đây là điều kiện cơ bản để thu hút các nhà đầu tư, từng bước đưa KKT Đông Nam trở thành trung tâm kinh tế quy mô, đa lĩnh vực, kết nối và thúc đẩy các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh phát triển”, ông Trần Đoàn nói.
Các KCN, KKT có hấp dẫn các nhà đầu tư hay không phụ thuộc rất nhiều vào công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và đội ngũ cán bộ thường xuyên tiếp xúc, làm việc với các nhà đầu tư, DN. Do vậy, nhiệm vụ này cần phải được đổi mới cả về hình thức, nội dung và thực hiện thường xuyên; xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên được đào tạo chuyên sâu, giỏi ngoại ngữ, công nghệ thông tin cũng như có kỹ năng quản trị tốt để kịp thời xử lý, tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư và sản xuất, kinh doanh của các DN; tạo thuận lợi và niềm tin cho nhà đầu tư và DN trong việc phản ánh các hành vi gây khó khăn, nhũng nhiễu và tiêu cực khi giải quyết thủ tục hành chính. Trong xu thế phát triển hiện nay, cần ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược có thương hiệu, kinh nghiệm, tiềm lực tài chính, hàm lượng công nghệ và thân thiện với môi trường thay vì thu hút theo hướng dàn trải. Chính sự hiện diện của thương hiệu và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư này trong các KCN, KKT không chỉ thay đổi cơ bản diện mạo môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh mà còn là cách tuyên truyền, quảng bá thu hút đầu tư hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đã được cấp phép, nhất là xử lý những vướng mắc về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng, đồng thời kiên quyết xử lý theo quy định đối với các dự án không triển khai hoặc không có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm…
Thực hiện tốt công việc này, tin rằng các KCN, KKT của tỉnh sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn để gặt hái thành công của các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tạo diện mạo và bước phát triển mới cho kinh tế - xã hội địa phương.
Huy Nam