Hiệu quả của chương trình 135 ở huyện Đakrông
Từ năm 1999, huyện Đakrông, có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ. Cho đến năm 2006 với nguồn vốn gần 46 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 80 công trình lớn, nhỏ và đã phát huy hiệu quả khá tốt.Ông Vũ Đình Hòe, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khi triển khai chương trình này huyện Đakrông mới thành lập được 2 năm, lúc đó cái gì cũng cần đầu tư cả vì cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, trong lúc đó tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Hiệu quả của chương trình 135 ở huyện Đakrông

Từ năm 1999, huyện Đakrông, có 13 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn triển khai thực hiện Chương trình 135 của Chính phủ. Cho đến năm 2006 với nguồn vốn gần 46 tỷ đồng, huyện đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 80 công trình lớn, nhỏ và đã phát huy hiệu quả khá tốt.Ông Vũ Đình Hòe, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Khi triển khai chương trình này huyện Đakrông mới thành lập được 2 năm, lúc đó cái gì cũng cần đầu tư cả vì cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, trong lúc đó tỷ lệ hộ nghèo rất cao.

Phát triển nghề dệt thổ cẩm ở Đak rông. Ảnh: Hồ Cầu
Do đó huyện chủ trương ưu tiên xây dựng những công trình phúc lợi có ý nghĩa thiết thực nhất, nơi nào cần thì làm trước. Các xã lấy ý kiến của già làng, trưởng bản và nhân dân chọn lựa công trình để xây dựng, đồng thời thành lập các Ban giám sát cộng đồng để theo dõi, kiểm tra quá trình thi công. Chính nhờ vậy một loạt công trình đường giao thông, điện, nước sạch, thủy lợi, trường học lần lượt được hoàn thành, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế của từng xã và nâng cao mức sống của nhân dân. Bên cạnh đó chương trình đặc biệt ưu tiên mở các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuât sản xuất, chăn nuôi cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Chính nhờ vậy sau 7 năm thực hiện, Chương trình 135 đã thực sự làm đổi thay cơ bản bộ mặt nông thôn miền núi, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của đồng bào. Hơn 40 công trình thủy lợi nhỏ và hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng đã tạo điều kiện thuận lợi cho bà con khai hoang và phát triển sản xuất, nhất là lúa nước và trồng màu, từng bước giải quyết an ninh lương thực tại chỗ. Người dân đã dần xóa bỏ phương thức canh tác lạc hậu, tiến hành trồng lúa nước, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi trâu bò đàn, dê, đào ao nuôi cá. Đặc biệt chương trình đã tạo điều kiện cho con em đến trường, khám chữa bệnh thuận lợi, một số tập tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ. Ông Hồ Văn Lua ở xã Hướng Hiệp cho biết, nhờ có Đảng và Nhà nước đầu tư cho công trình thủy lợi và hướng dẫn cách làm ăn không chỉ gia đình ông mà bà con trong thôn bản đã định canh, định cư, không phát nương làm rẫy nữa mà tận dụng đất bằng và đất khe suối làm lúa nước, năng suất cao, không còn thiếu ăn như trước nữa. Chị Hồ Thị Liên ở xã A Bung bộc bạch: Trước đây con chị không có đứa nào được đi học dù đã lên 9, 10 tuổi nhưng từ khi có Trường đứa nào cũng được đi học, hiện nay chị có 1 cháu đang theo học PTTH ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú của huyện. Bữa ni đau ốm đã có Trạm xá, có y, bac sĩ khám, cho thuốc uống, nếu đau nặng thì nằm điều trị, còn đau nhẹ thì vài ba ngày là về thôi. Có thể nói Chương trình 135 đã mang lại những hiệu quả thiết thực đối với một huyện miền núi nghèo nhất tỉnh Quảng Trị như Đakrông. Rõ ràng nhất là có 2 xã là Ba Lòng và Triệu Nguyên đã rút tên ra khỏi danh sách các xã đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên do chưa có kinh nghiệm trong quản lý, đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn yếu và thiếu nên một số công trình xây dựng chưa đảm bảo, chưa phát huy hiệu quả. Việc quy hoạch, bố trí dân cư còn chậm, công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở chưa chú ý đúng mức. Điều đáng nói nhất là chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cho người dân nên rất đáng tiếc một vài công trình có số vốn đầu tư khá cao nhưng đưa vào sử dụng chưa lâu đã bị xuống cấp, hư hỏng. Rút kinh nghiệm của giai đoạn 1, từ năm 2006 đến nay khi thực hiện giai đoạn 2 huyện thành lập Ban chỉ đạo đến tận cơ sở, tổ chức hướng dẫn cho các xã tiến hành họp dân, lấy ý kiến sau đó tập hợp đề xuất nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng. Trên cơ sở đó huyện tổ chức khảo sát thực tế, thẩm định, tổ chức hội thảo và đi đến thống nhất kế hoạch thực hiện. Ông Hồ Thanh Bân, Bí thư Huyện ủy Đakrông nhấn mạnh: Huyện ủy giao nhiệm vụ cho các cấp ủy Đảng, chính quyền ở cơ sở có trách nhiệm quản lý, chỉ đạo, điều hành, trong đó phải quan tâm và tạo điều kiện cho các Ban giám sát cộng đồng hoạt động. Mỗi thôn, bản phải thành lập các Tổ tự quản công trình. Xác định Chương trình 135 giai đoạn II có ý nghĩa lớn trong việc giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, bên cạnh việc quan tâm xây dựng thêm các công trình phúc lợi, huyện Đakrông rất chú trọng đến việc hỗ trợ sản xuất, tập huấn kỹ thuật, xây dựng các mô hình điểm. Trong 3 năm từ năm 2006 đến năm 2008 với nguồn vốn đầu tư 24 tỉ đồng toàn huyện đã xây dựng được 28 công trình, gồm 18 công trình giao thông, 2 công trình điện, 2 trường học, 1 công trình nước sạch và một số công trình khác. Trong số 18 công trình giao thông, có nhiều công trình đến trung tâm xã, thôn, bản, tạo điều kiện cho người dân đi lại, sinh hoạt, sản xuất, trao đổi hàng hóa. Đi liền với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư cho các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng phát huy hiệu quả. Nhờ vậy bình quân số hộ nghèo giảm từ 6-8%/năm, hiện nay chỉ còn 50,5% theo tiêu chí mới, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm chỉ còn 34%, tỷ lệ trẻ em đến trường ngày càng cao, hạn chế các loại dịch bệnh, nhất là sốt rét. Điều đáng nói hơn là huyện Đakrông đã biết thực hiện lồng ghép chương trình 135 với Chương trình phát triển nông thôn Phần Lan tài trợ, chương trình 134, Dự án Giảm nghèo miền Trung do ADB tài trợ. Theo ông Hồ Trọng Biên, Bí thư Đảng ủy xã Tà Rụt, cùng một địa phương có nhiều chương trình hỗ trợ, nếu không có kế hoạch lồng ghép thì hiệu quả đầu tư sẽ không cao. Do đó trong những năm qua Đảng ủy xã chỉ đạo UBND xã tính toán những nguồn nào đầu tư xây dựng hạ tầng thì gộp lại để tập trung sớm hoàn thiện các công trình, nguồn nào dành cho tập huấn, hỗ trợ sản xuất thì kết hợp mở chung các lớp tập huấn. Chẳng hạn như để xây dựng 1 đập thủy lợi hết khoảng 1 tỷ đồng nhưng nguồn từ chương trình 135 thiếu thì xã bổ sung thêm nguồn khác. Với cách làm này cho đến nay huyện Đakrông đã cơ bản giải quyết những nhu cầu bức thiết của các xã về điện, đường giao thông, nước sạch, trường học, trạm xá, công trình thủy lợi. Bên cạnh đó đã nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất, chăn nuôi. Rõ ràng các chương trình đầu tư trên địa bàn Đakrông, nhất là chương trình 135 đã mang lại những hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho huyện miền núi này có điều kiện vươn lên, tiến kịp với các vùng miền ở tỉnh Quảng Trị. Bá Thuần