Nông dân Quảng Trị làm theo lời Bác
(QT) - Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân, đưa việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/ TW của Bộ Chính trị đi vào nền nếp, thiết thực, hiệu quả, gắn việc học tập, làm theo Bác với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” và phong trào “Nông dân Quảng Trị chung sức xây dựng ...

Nông dân Quảng Trị làm theo lời Bác

(QT) - Nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Hội Nông dân tỉnh Quảng Trị đã tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên nông dân, đưa việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/ TW của Bộ Chính trị đi vào nền nếp, thiết thực, hiệu quả, gắn việc học tập, làm theo Bác với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng” và phong trào “Nông dân Quảng Trị chung sức xây dựng nông thôn mới”. Đối với cán bộ hội hàng năm đăng ký những việc làm cụ thể, lựa chọn chủ đề thực hiện “Không ngừng học tập nâng cao trình độ, hướng về cơ sở, chung sức xây dựng nông thôn mới”. Thông qua hoạt động hội và tổ chức các phong trào nông dân, đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, xuất hiện những cách làm hay, những mô hình có hiệu quả. Chi hội nông dân khu phố 4, phường 3, thị xã Quảng Trị xây dựng mô hình nuôi ếch, kết hợp với nuôi gà, mô hình cưa xẻ gỗ dân dụng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đến cuối năm 2013 đã có trên 50% số hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất giỏi các cấp. Chi hội 5 thôn Tích Tường, xã Hải Lệ vận động nông dân không thả rông trâu, bò, xây dựng hầm khí sinh học biogas xử lý chất thải chăn nuôi lợn, xây dựng bãi chứa rác tập trung bảo vệ môi trường nông thôn. Chi hội thôn Vân Quỹ, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng quyết tâm đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, mua thêm 6 máy gặt đập liên hợp, 26 máy làm đất, 5 xe vận chuyển, phát triển nghề mộc, nghề xây dựng, giải quyết việc làm lúc nông nhàn.

Chợ hoa xuân - Ảnh: TD

Hội Nông dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Linh vận động nông dân tiết kiệm trong việc tổ chức đám cưới, đám tang, nông dân nói không với việc tổ chức tiệc rượu, bia, nhạc sống đêm hôm trước ngày đám cưới để giữ gìn trật tự an toàn trong thôn xóm, không mời ban nhạc lễ trong đám tang, chỉ dùng nhạc lễ trong băng, đĩa nhạc, không tổ chức linh đình ngày “mở cửa mả” nên đã tiết kiệm được mỗi đám tang trên 10 triệu đồng. Hội Nông dân xã Gio An (Gio Linh) với phong trào “cùng với nông dân làm giàu”, tín chấp với các ngân hàng hỗ trợ 3,8 tỷ đồng tiền vốn cho nông dân vay, tập trung vào chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng 115 ha cây cao su, 65 ha tiêu, xây dựng 17 trang trại, gia trại, phát triển 115 cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thu nhập ổn định, bình quân thu nhập mỗi hộ từ 150- 200 triệu đồng/ năm. Điển hình như anh Đoàn Hữu Năm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Trung (Triệu Phong) đã vận động nông dân thực hiện “dồn điền đổi thửa”, thực hiện quy hoạch của xã, quy tập trên 1.500 ngôi mộ, hình thành vùng chuyên canh cây màu với diện tích hơn 22 ha. Anh Hồ Bằng, nông dân thôn Bản Chùa, Cam Tuyền, Cam Lộ khai hoang, đắp đập, be bờ trồng 3 sào lúa nước cho năng suất 2,5 tạ/sào, trồng 2 ha sắn, 2 ha lạc, 2 ha cao su, nuôi 12 con trâu, bò, trở thành nông dân sản xuất giỏi, là tấm gương sáng để bà con trong bản làm theo. Anh Võ Bình Minh ở Gio Hải, Gio Linh, vay vốn đóng tàu 170 CV, đầu tư lưới nghề rê bùng nhùng cao lườn trị giá trên 1,5 tỷ đồng, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 10 lao động. Anh Thái Xuân Chung, thôn Trương Xá, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ tự nguyện hiến 72 m 2 đất, 10 triệu đồng xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng của thôn, là hạt nhân ủng hộ tinh thần, vật chất cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của thôn, tạo nên cuộc sống vui tươi phấn khởi trên địa bàn. Anh Đỗ Tấn Hùng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Triệu Nguyên, huyện Đakrông đi đầu trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng giống mới, kỹ thuật mới, trồng 5 ha giống ngô lai kết hợp với dưa hấu trên đất canh tác của gia đình, thu được 2 tấn ngô và 5 tấn dưa hấu thu lãi 25- 30 triệu đồng. Anh Lê Lâm, thôn Thâm Khê, xã Hải Khê, huyện Hải Lăng được mệnh danh là “Mạnh thường quân xứ cát”, là nông dân làm chủ một xưởng mộc, điều kiện kinh tế tuy chưa khá giả, nhưng với tinh thần vì cộng đồng, anh đã tự nguyện làm 1 km đường trên cát, lắp 15 bóng đèn chiếu sáng đường thôn, ngoài ra anh còn giúp đỡ cho nhiều hộ khác khi gặp hoạn nạn, khó khăn, giúp bà con nghèo vươn lên trong cuộc sống. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đối với nông dân là những việc làm cụ thể, thiết thực, rất phong phú và đa dạng, bất kỳ ở đâu, ở cương vị nào cũng có. Trong những năm qua đã xuất hiện nhiều tập thể điển hình, những tấm gương nông dân sáng tạo trong lao động sản xuất, bình dị trong cuộc sống, có tấm lòng nhân ái vì cộng đồng, bằng nghị lực đã vươn lên trong cuộc sống, làm giàu cho mình và cho xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. NGUYỄN ĐÁN