Hành trình đặc biệt của Fidel Castro đến Quảng Trị
(QT) - Với Fidel Castro, Việt Nam là đất nước của những giấc mơ thao thức trong ông, để rồi năm 1973 ông quyết định đến Việt Nam và nêu nguyện vọng đến thăm vùng giải phóng miền Nam. Chuyến thăm Việt Nam chỉ thực sự có ý nghĩa khi Fidel Castro được vào miền Nam, nên ông chỉ thị cho Đại sứ Vi-vô trước khi đặt chân đến Hà Nội: Trong mọi trường hợp, nếu khó khăn, chúng ta vẫn đi, dù phải đi bộ.

Hành trình đặc biệt của Fidel Castro đến Quảng Trị

(QT) - Với Fidel Castro, Việt Nam là đất nước của những giấc mơ thao thức trong ông, để rồi năm 1973 ông quyết định đến Việt Nam và nêu nguyện vọng đến thăm vùng giải phóng miền Nam. Chuyến thăm Việt Nam chỉ thực sự có ý nghĩa khi Fidel Castro được vào miền Nam, nên ông chỉ thị cho Đại sứ Vi-vô trước khi đặt chân đến Hà Nội: Trong mọi trường hợp, nếu khó khăn, chúng ta vẫn đi, dù phải đi bộ.

Ông Trần Nam Trung, đại diện lực lượng vũ trang Cộng hòa miền Nam Việt Nam đón Fidel Castro và phái đoàn Cuba. Ảnh: Sỹ Sô

Có một trở ngại ngay khi Fidel Castro đến Việt Nam là có tin cơn bão mạnh sắp đổ bộ vào miền Trung và tại Chi Lê chính biến vừa xảy ra, Tổng thống A-gien-đê bị sát hại. Fidel Castro phải về nước sớm hơn dự kiến nhưng cũng không thể không vào miền Nam Việt Nam. Vậy là lịch trình được đẩy lên sớm hơn, đúng vào ngày dự kiến đoàn Cuba sẽ đến thăm thành phố Hải Phòng.

Chuyến đi vào phía Nam vĩ tuyến 17 được giữ bí mật tuyệt đối. Giữa lúc nhân dân Hải Phòng vẫn tề chỉnh trên đường phố chờ đón đoàn Cuba, còn báo chí tại Hà Nội đưa tin: Cuộc hội đàm Việt Nam - Cuba đang tiếp diễn thì vào lúc 9 giờ 40 phút ngày 16/9/1973, chiếc AN24 chở Fidel Castro, Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn Cuba cất cánh từ Hà Nội vào Nam. 10 giờ 55 phút máy bay hạ cánh xuống sân bay dã chiến Đồng Hới, một sân bay không có tháp điều khiển mà chỉ có những đống gạch vụn. Tại đây diễn ra một điều hết sức thú vị. Đoàn vừa xuống máy bay thì có một bác nông dân dắt trâu ngang qua, đầy kinh ngạc khi nhìn thấy Fidel Castro. Thủ tướng Phạm Văn Đồng liền hỏi: “Bác có biết chúng tôi là ai không?”. Mắt không rời Fidel Castro, bác nông dân trả lời: “Tôi nghĩ là tôi biết”. “Ai nào?”. “Tôi nói làm gì khi đang là thời chiến”. Rồi bác nông dân dắt trâu bước đi như không có chuyện gì xảy ra.

Tối 16/9 đoàn ngủ tại Vĩnh Linh, mờ sáng 17/9, đoàn vượt vĩ tuyến 17. Báo chí và Đài phát thanh đưa tin: Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tiễn Fidel Castro sau chuyến thăm Việt Nam, nhưng thực ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một người miền Nam đang “đưa khách về thăm nhà” như cách nói vui của Đại sứ Vivô.

Đoàn xe vượt cầu phao Bến Hải lúc 5 giờ 25 phút sáng, Fidel Castro lần lượt ôm vào vòng tay thân mến của mình hai cán bộ cao cấp của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam là tướng Trần Nam Trung, Bộ trưởng Quốc phòng và Hoàng Bích Sơn, Thứ trưởng Ngoại giao. Qua Đông Hà, vào đường 9, xe chạy thẳng tới điểm cao 241 Tân Lâm. Tại đây, Fidel Castro được nghe cán bộ quân giải phóng giới thiệu diễn biến các trận đánh suốt năm 1972 cho đến ngày ký Hiệp định Pa-ri. Nơi điểm cao 241, một cuộc mít tinh được tổ chức trong quang cảnh hết sức đặc biệt, bên những hố bom chằng chịt, xác xe tăng Mỹ và hàng rào thép gai nham nhở. Tại đây Fidel Castro đã gửi lời chào thân thiết đến mười mấy triệu người anh em Nam Việt Nam.

Đoàn xe trở lại Cam Lộ, Fidel Castro gặp gỡ đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên đường trở ra Bắc, thêm một cuộc mít tinh tại Đông Hà; tiếp đó Fidel Castro thăm căn cứ Dốc Miếu, một cứ điểm trên phòng tuyến Mắc-na-ma-ra của Mỹ cũng vừa được giải phóng. Thật bất ngờ, Fidel Castro nhận được món quà lá cờ của Mặt trận từ tay đồng chí tiểu đoàn trưởng Quân giải phóng từng chiến đấu qua 81 ngày đêm ở Thành Cổ Quảng Trị. Fidel Castro cầm lá cờ phất cao với niềm xúc động và tin rằng một ngày không xa lá cờ Mặt trận sẽ được phất cao giữa lòng Sài Gòn.

Tối 17/9, Đoàn về đến Hà Nội. Trong bữa tiệc chiêu đãi hôm ấy, chính Fidel Castro là người báo tin về chuyến đi và từng điểm dừng chân. Fidel Castro phát biểu rằng: “Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói: “Cây muốn mạnh là nhờ gốc, nguồn gốc thắng lợi là ở nhân dân”. Có hiểu nhân dân Việt Nam thì mới hiểu được thắng lợi của nhân dân Việt Nam chống chủ nghĩa đế quốc, mới hiểu được làm sao một dân tộc nhỏ và nghèo như thế mà đã chống cự và đánh bại sự xâm lược của chủ nghĩa đế quốc với tất cả sức mạnh quân sự, kỹ thuật và kinh tế của chúng...”.

Ngày Fidel Castro lên đường về nước, Đại sứ Vi-vô được cử xuống Hải Phòng để xin lỗi và thông qua chính quyền thành phố, nói cho nhân dân Hải Phòng biết và thông cảm vì sao Fidel Castro không đến thăm Hải Phòng như đã dự kiến.

Nguyễn Hùng