Mười ba năm làm "ông dân số"
(QT) - Mười ba năm nay, người dân xã A Túc (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) quá quen với hình ảnh một người đàn ông ngoại lục tuần ngày ngày cần mẫn gõ cửa từng nhà để tuyên truyền chính sách DS-KHHGĐ. Ông chẳng ngại ngần hướng dẫn người dân cách sử dụng biện pháp tránh thai, ngồi hàng giờ cùng các ông chồng quyết làm thay đổi tư tưởng “Trời sinh voi, trời sinh cỏ” hay lặn lội đưa chị em đến trung tâm y tế để đặt vòng. Thay vì tên khai sinh Hồ Văn Phơng, lâu nay, bà con thường gọi người cộng tác viên tận tụy này là “ông dân số”. Chứng kiến cảnh dân bản quanh năm suốt tháng đối mặt với đói nghèo vì lẽ sinh đông con, ông Hồ Văn Phơng tình nguyện làm cộng tác viên dân số. Để người dân tin tưởng, ông thực hiện “cuộc cách mạng” ngay từ gia đình mình. Dẫu sinh con một bề nhưng vợ chồng ông cương quyết không nghĩ đến chuyện sinh thêm đứa con trai để nối dõi tông đường. Ông lý giải bình dị: “Con trai, con gái gì cũng là con. Cái cốt yếu là mình phải sinh đẻ có kế hoạch để nuôi dạy con cho tốt. Tôi tự hào vì hai cô con gái của tôi vừa ngoan ngoãn vừa học giỏi”.
 |
Ông Hồ Văn Phơng (giữa) hướng dẫn các biện pháp tránh thai cho bà con. |
Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ của người cộng tác viên dân số, ông Phơng luôn bám sát địa bàn, chăm chỉ học hỏi kinh nghiệm, thường xuyên trau dồi vốn kiến thức, rèn luyện kỹ năng tuyên truyền... Ngày ngày, ông cần mẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để giúp người dân hiểu hơn về chính sách dân số, biện pháp tránh thai, vận động các cặp vợ chồng trẻ sinh đẻ có kế hoạch... Buổi đầu, công việc ấy gặp không ít khó khăn. Ông chia sẻ: “Phụ nữ làm công tác dân số còn gặp trở ngại, huống hồ mình là đàn ông. Thế nên, mình luôn cố gắng gấp đôi trong mọi công việc”. Sống ở xã vùng cao, biên giới, người dân quê ông Phơng còn mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, “đông con, đông của”, “trời sinh voi, trời sinh cỏ”... Họ xem việc sinh đẻ, chăm sóc con cái là chuyện “trong nhà đóng cửa bảo nhau”. Dẫu vậy, ông Phơng không bỏ cuộc. Không tiện nhỏ to trò chuyện riêng với chị em về chính sách DS-KHHGĐ, buổi đầu, ông kéo cả vợ vào cuộc. Dần quen, phụ nữ trong bản không còn ngần ngại mỗi khi sẻ chia những câu chuyện gia đình với ông. Bên cạnh đó, gặp trường hợp chị em ngại tiếp xúc, ông quay sang gặp gỡ trực tiếp với người chồng để tuyên truyền, vận động. Ông nhận thức sâu sắc rằng: “Trong gia đình, sinh đẻ có kế hoạch là việc chung của cả vợ lẫn chồng. Ngoài xã hội, công tác dân số cần sự góp sức của nhiều đoàn thể, tổ chức như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân...”. Nhờ đó, ông Phơng đảm trách nhiệm vụ ngày càng hiệu quả. Khi đã trở thành cộng tác viên dân số gạo cội, ông lại chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền, vận động cho lớp trẻ. 13 năm trôi qua kể từ ngày gắn bó với công việc “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, ông Phơng chia sẻ kinh nghiệm. “Theo tôi, để làm tốt công tác dân số, trước tiên người cộng tác viên phải nêu gương sáng cho bà con. Cán bộ dân số mà để vỡ kế hoạch, không chịu khó học hỏi, không rèn luyện khả năng tuyên truyền thì bỏ”. Đến thời điểm hiện tại, 6/9 thôn của xã A Túc nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3. Đặc biệt, ngày có càng nhiều các cặp vợ chồng trẻ tự nguyện thực hiện các biện pháp tránh thai. Kết quả đó thể hiện sự nỗ lực của ông Phơng và các cộng tác viên, cán bộ chuyên trách dân số trong xã. Riêng ở bản Húc, địa bàn ông Phơng quản lý, bà con đều đã có ý thức sinh ít con để làm giàu. Chẳng biết từ bao giờ chính sách DS-KHHGĐ không còn là mối quan tâm riêng của mỗi nhà mà trở thành ý thức chung của cả bản. 63 tuổi, 13 năm gắn bó với công tác dân số, tóc ông Phơng giờ đã bạc. Thế nhưng, người cộng tác viên dân số này vẫn bền bỉ với công việc. Ông chia sẻ: “Toàn xã có 6/9 thôn không có người sinh con thứ 3, nghĩa là, anh em mình còn phải cố gắng hơn nữa. Đến lúc A Túc trở thành xã biên giới không có người sinh con thứ 3, anh em mình lại tiếp tục cố gắng để giữ kỷ lục. Thế đấy, làm dân số là nỗ lực không ngừng, cố gắng không ngừng”. Bài, ảnh: QUANG HIỆP