Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng thị xã Quảng Trị ngày càng phát triển vững mạnh
Đồng chí NGUYỄN TRẦN HUY, Bí thư Thị ủy Quảng Trị trả lời phỏng vấn *Phóng viên: Thưa đồng chí! Cho đến nay thị xã Quảng Trị giải phóng được 43 năm, song nếu tính thời điểm tái lập thị xã thì mới có 26 năm. Đồng chí có thể cho biết những thành tựu nổi bật mà thị xã đã đạt được trong những năm qua và những hạn chế cần được khắc phục?
.jpg) |
-Nằm ở phía Nam của tỉnh, thị xã Quảng Trị có quá trình hình thành phát triển hơn 200 năm; là vùng đất có vị trí giao thông thủy, bộ thuận lợi; hội tụ những yếu tố địa lịch sử - văn hóa - kinh tế - quân sự quan trọng. Trong kháng chiến chống Mỹ với cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ, thị xã Quảng Trị được biết tới như một vùng đất thiêng. Sau 43 năm kể từ ngày giải phóng và 26 năm thị xã được lập lại, kế thừa xứng đáng nguồn lực tinh thần và vật chất của huyện Triệu Hải (cũ) và nỗ lực huy động nguồn lực nội tại, với sự quan tâm giúp đỡ to lớn của Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương; sự lãnh đạo, giúp đỡ của tỉnh; sự chia sẻ, hỗ trợ của các địa phương, tổ chức trong và ngoài tỉnh; với tình cảm và trách nhiệm lớn lao trước những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho mảnh đất này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã Quảng Trị đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, từng bước xây dựng, phát triển thị xã theo hướng đô thị hóa và đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên nhiều lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng hằng năm của các ngành kinh tế khá cao và ổn định. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, phù hợp thế mạnh của địa phương: Ngành thương mại, dịch vụ phát triển khá cao, giữ vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế, đóng góp phần lớn trong nguồn thu ngân sách địa phương và góp phần quan trọng vào sự ổn định, tăng trưởng kinh tế của thị xã. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ từ 45 tỷ đồng năm 1995 đã tăng lên 147 tỷ đồng vào năm 2005 và hiện nay là 1.150 tỷ đồng, cao gấp 7,8 lần so với năm 1995. Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 19,8%/năm. Sản xuất CN-TTCN phát triển khá ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp vào năm 2015 ước đạt 350 tỷ đồng, bình quân giai đọan 2011-2015 tăng 11%/năm. Hiện tại có trên 437 cơ sở và 1.406 lao động trong ngành công nghiệp; năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp chiếm 37,2%. Sản xuất nông - lâm - thủy sản từ 4,4 tỷ đồng năm 1995, tăng lên 5,8 tỷ đồng năm 2007, bình quân giai đoạn này chỉ đạt 2,3%/ năm. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, quy mô sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản của thị xã tăng lên; giai đoạn 2011-2013, tăng 4,46%/năm. Giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản trong năm 2014 đạt 84,81 tỷ đồng; đến năm 2015 ước đạt 88 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011-2015 là 5,9%/năm. Cơ sở hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới; xã Hải Lệ đạt 15/19 tiêu chí NTM, phấn đấu đến cuối năm 2015, hoàn thành cơ bản 19 tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng từ 15- 20%/năm. Nhiều công trình, dự án được xây dựng đã phát huy hiệu quả, phục vụ cho sự phát triển KT-XH, QP-AN của thị xã như kè chống xói lở 2 bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn, Sân vận động, Nhà thiếu nhi, hạ tầng giao thông, điện chiếu sáng đường Lý Thái Tổ, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Trường Tộ, Trần Hưng Đạo, Ngô Quyền, Quang Trung, Hai Bà Trưng, Nguyễn Thị Lý. Cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn được kiên cố, cao tầng hóa. Đang triển khai dự án “Xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải” từ vốn ODA khoảng 180 tỷ đồng; đặc biệt, hệ thống công trình tri ân tưởng niệm và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ đã được tập trung đầu tư ngày càng xứng danh với mảnh đất cõi thiêng Thành Cổ như di tích Thành Cổ Quảng Trị, Tháp chuông, Quảng trường, Nhà hành lễ, bến thả hoa hai bờ Nam - Bắc sông Thạch Hãn, nghĩa trang liệt sĩ, tượng đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, Đài chiến thắng Sư đoàn 325, Nhà bia Hải Lệ... Bên cạnh đó, các công trình phúc lợi xã hội, dân sinh, các thiết chế văn hóa, hạ tầng nông thôn mới được đầu tư từ sự huy động nguồn lực xã hội hóa, tạo ra bộ mặt đô thị và nông thôn ngày càng đổi mới.
.jpg) |
Thị xã Quảng Trị đang từng ngày đổi mới - Ảnh: NGUYỄN VĂN DŨNG |
Lĩnh vực văn hoá - xã hội chuyển biến tích cực; chất lượng cuộc sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Năm 2009, thị xã được tỉnh công nhận đơn vị điển hình văn hóa giai đoạn 1; đến nay có nhiều khu phố, làng, cơ quan, đơn vị, trường học được công nhận đơn vị văn hóa; hơn 5.000 gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Các thiết chế văn hóa từ thị xã đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng. Phong trào văn hóa, văn nghệ - TDTT phát triển đều khắp và khá vững chắc; hoạt động văn hóa - lễ hội của thị xã đi vào nền nếp. Công tác xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Phần lớn trường học được kiên cố hoá, cao tầng hoá, được đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng dạy và học được nâng cao. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo thị xã phát triển mạnh, vững chắc, một số mặt đi trước so với mặt bằng chung của tỉnh, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành phổ cập bậc trung học. Việc ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất, kinh doanh từng bước được chú trọng, mang lại hiệu quả tích cực. Cơ sở vật chất, trang thiết bị các cơ sở y tế trên địa bàn được quan tâm đầu tư theo hướng từng bước hiện đại, cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng chống dịch bệnh. Chất lượng khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn ngày càng được nâng cao. Phong trào xây dựng gia đình, khu phố, làng không sinh con thứ 3 trở lên được đẩy mạnh, đã duy trì được tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên bình quân hàng năm dưới 1%. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” gắn với cuộc vận động “Toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công” được toàn dân hưởng ứng tích cực và đem lại hiệu quả thiết thực. Phong trào “Giúp nhau làm kinh tế”, “Xóa đói giảm nghèo”, “Xoá nhà ở tạm bợ dột nát”, cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”... được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó thị xã cũng đã vận động xây dựng hàng trăm nhà tình nghĩa, nhà Đại đoàn kết cho đối tượng chính sách, người nghèo, cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo cuối năm 2013 là 0,94%. Hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 350 - 400 lao động. Đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng lên. Quốc phòng - an ninh được giữ vững; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển KT-XH của địa phương. Công tác xây dựng Đảng luôn được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh (TSVM) trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng được giữ vững; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ được nâng lên. Chất lượng đảng viên ngày càng cao hơn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đảng triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và được hưởng ứng một cách tích cực, tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sôi nổi. Với những cố gắng vượt bậc qua 43 năm kể từ ngày giải phóng, 26 năm thị xã được tái lập, thị xã Quảng Trị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì và hạng Ba. Bên cạnh những thành tích đạt được, thị xã Quảng Trị vẫn còn những tồn tại, yếu kém, đó là: Kinh tế phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hướng phát triển các ngành kinh tế chủ lực và sản phẩm chủ yếu chưa rõ, quy mô nhỏ bé, sức cạnh tranh yếu; tốc độ đô thị hóa chậm, công tác quản lý quy hoạch, quản lý đô thị còn nhiều bất cập. Kết cấu hạ tầng đô thị phát triển chậm và thiếu đồng bộ. Những vấn đề bức xúc như tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường chưa được kiềm chế. Vai trò trung tâm, động lực, sức lan tỏa đối với cả vùng chưa được phát huy. Một bộ phận cán bộ và nhân dân chậm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ hội nhập và phát triển của sự nghiệp đổi mới. Công tác tư tưởng có lúc chưa chủ động; việc nắm bắt tình hình, định hướng tư tưởng, dư luận xã hội, giải quyết những khó khăn, bức xúc trong đời sống của nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng cấp trên ở một số cấp ủy cơ sở chưa sát với tình hình thực tế, tính khả thi chưa cao. Vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị ở một số địa phương, đơn vị chưa được phát huy. Công tác tổ chức, cán bộ có lúc còn bị động, lúng túng. Việc tạo nguồn cán bộ chưa được chú trọng thường xuyên. Công tác phát triển đảng viên mới ở một số tổ chức cơ sở đảng chưa được chú trọng. Hoạt động dân vận có lúc, có nơi chưa đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Sự phối hợp với các ban, ngành, mặt trận và các đoàn thể thiếu chặt chẽ... *Phóng viên: Theo dự kiến, tháng 8/2015 này, thị xã sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới mà Đại hội Đảng bộ thị xã lần này đề ra là gì? Có những bước đột phá nào để xây dựng thị xã trở thành đô thị trung tâm, động lực ở phía Nam của tỉnh? - Theo kế hoạch được duyệt, dự kiến trong tháng 8/2015 thị xã sẽ tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, hiện nay BTV Thị ủy, BCH Đảng bộ thị xã đang tập trung công tác chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội. Đồng thời tập trung chỉ đạo đại hội cấp cơ sở; trong đó lựa chọn Đảng bộ phường 3 để tổ chức đại hội điểm, rút kinh nghiệm cho việc tổ chức đại hội các TCCS đảng và Đại hội Đảng bộ thị xã.
.jpg) |
Xay xát lúa gạo là thế mạnh của thị xã Quảng Trị - Ảnh: TRỊNH HOÀNG TÂN |
Bước vào nhiệm kỳ mới, bên cạnh vận hội mới, nhưng khó khăn, thách thức cũng rất lớn và đan xen lẫn nhau, BTV Thị ủy, BCH Đảng bộ thị xã đã bàn bạc, thảo luận và xác định mục tiêu tổng quát mà Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra trong nhiệm kỳ tới là: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; đoàn kết; chủ động sáng tạo; huy động mọi nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng: thương mại - dịch vụ - du lịch; công nghiệp - xây dựng; nông - lâm nghiệp - thủy sản. Tập trung củng cố, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ. Nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế; cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phát huy dân chủ, thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực, chỉ số cạnh tranh (PCI) trên toàn tỉnh. Bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội và giữ vững QP-AN. Phấn đấu đến năm 2020 thị xã cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 3. Để xứng tầm là trung tâm, động lực kinh tế, văn hóa, du lịch phía Nam của tỉnh trong thời gian đến cần thực hiện một số giải pháp: Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị thúc đẩy phát triển KT-XH. Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có thứ tự ưu tiên. Nâng cấp các tuyến đường nội thị, hoàn thiện kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Hải Lệ để thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất; xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để xã Hải Lệ cơ bản đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2015. Nâng cao chất lượng nguồn lực, tập trung đào tạo nhân lực kết hợp với thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐN trên địa bàn thị xã; tăng cường kêu gọi và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư trong các lĩnh vực; nghiên cứu, chú trọng đầu tư khoa học công nghệ để phục vụ sản xuất và đời sống. Đột phá về cải cách hành chính. Tạo cơ chế chính sách thông thoáng, ưu đãi nhằm thu hút các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Cải cách thủ tục hành chính, áp dụng các quy trình ISO trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về các lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế gắn với thực hiện tốt các vấn đề an sinh xã hội. Mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng các hoạt động lễ hội cách mạng trên địa bàn. Phát huy những tiềm năng lợi thế về địa lý, truyền thống lịch sử văn hóa cách mạng và những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, tập trung phát triển KT-XH, giữ vững QP-AN để thị xã Quảng Trị cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại 3 vào năm 2020. *Phóng viên: Để thực hiện mục tiêu đổi mới, yêu cầu công tác lãnh đạo của Đảng ngày càng cao, xin đồng chí cho biết trong kiểm điểm của BTV Thị ủy đã đánh giá như thế nào về vai trò, năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng từ cơ sở đến Đảng bộ thị xã trong nhiệm kỳ vừa qua? -Đảng lãnh đạo toàn diện các mặt chính trị, kinh tế, xã hội. Trong một xã hội đang vận động, phát triển nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế như ở địa phương chúng tôi thì yêu cầu công tác lãnh đạo của Đảng ngày càng cao. Không chỉ đòi hỏi sự đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, mà còn ở tầm cao trí tuệ, việc đề ra các chủ trương, quyết sách đúng đắn để lãnh đạo nhân dân thực hiện. Nhận thức được vấn đề này, trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ thị xã luôn quan tâm công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung xây dựng các chi, đảng bộ TSVM, đủ sức lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ đề ra, nhiều TCCS đảng thực sự là hạt nhân lãnh đạo của đơn vị, địa phương; tạo ra được nhiều mô hình, phong trào hoạt đông có hiệu quả. Qua phân loại hàng năm, có 83,6% TCCS đảng đạt TSVM, không có TCCS đảng yếu kém; đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt 90%. Tuy vậy chúng tôi cũng thấy rằng vẫn còn một số chi bộ, đảng bộ chưa đáp ứng được yêu cầu công tác lãnh đạo trong giai đoạn mới. Việc triển khai học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời; lúng túng trong việc vận dụng chủ trương, nghị quyết vào thực tế của đơn vị, địa phương; không ít cán bộ, đảng viên năng lực, trình độ chưa tương xứng với yêu cầu công việc được giao, phẩm chất đạo đức, lối sống thiếu trong sáng, gương mẫu… Trong nhiệm kỳ tới, Đảng bộ thị xã Quảng Trị vẫn xác định việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là một nội dung quan trọng, đây cũng là chủ đề của Đại hội Đảng bộ thị xã lần thứ VI và là mục tiêu, nhiệm vụ mà chúng tôi hướng tới. *Phóng viên: Vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, nâng cao tỉ lệ cán bộ nữ được Đảng bộ thị xã quan tâm như thế nào trong quá trình chuẩn bị đại hội đảng các cấp? -Như đã nói ở trên, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, vì cán bộ lãnh đạo là lực lượng triển khai, thực thi các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tế của địa phương, đơn vị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Một chủ trương, chính sách chỉ có thể đi vào cuộc sống, phát huy được sức mạnh khi có đội ngũ cán bộ biết chuyển tải và thực thi chủ trương này. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng là rất cần thiết. Trong những năm qua thị xã đã tổ chức đào tạo, gửi đi đào tạo, bồi dưỡng hàng chục cán bộ, đến nay có được đội ngũ kế cận, họ là những người được thử thách từ thực tiễn, có kinh nghiệm và năng lực, đáng tin cậy. Trong nhiệm kỳ vừa qua có 18 cán bộ được đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị; nhiều cán bộ khác được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công tác quản lý. Qua nhiều năm quan tâm đào tạo đến nay đã có 98% cán bộ, công chức, viên chức thị xã đạt trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc được phân công. 100% cán bộ công chức cấp phường, xã đạt chuẩn theo Thông tư số 06/2012 của Bộ Nội vụ. Về cán bộ nữ, thực hiện chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và để chuẩn bị Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã Quảng Trị lần thứ VI, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác nhân sự được BCH Đảng bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, theo định hướng về cơ cấu đối với BTV, cấp ủy cấp huyện, thị xã, thành phố, trong đó tỷ lệ cán bộ nữ được quan tâm. Trong nhiệm kỳ vừa qua cấp ủy viên là nữ tham gia BCH Đảng bộ là 5 đồng chí (chiếm 15,5%), trong đó tham gia BTV là 1 đồng chí. Để chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ thị xã sắp tới, BCH Đảng bộ thị xã đã chuẩn bị Đề án nhân sự, trong đó tỷ lệ cán bộ nữ được đưa vào danh sách bầu BCH khóa mới là 7 đồng chí (chiếm 18,4%), trong đó dự kiến nữ tham gia BTV là 2 đồng chí. Để có kết quả đó, BCH Đảng bộ đã bám sát các quy định của cấp trên về công tác cán bộ từ khâu đánh giá, quy hoạch đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm. Cán bộ nữ có trình độ, năng lưc, phẩm chất tốt luôn được quan tâm, mạnh dạn giới thiệu để BTV xem xét, quyết định. *Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí. HOÀNG NAM BẰNG (thực hiện)