Sức lan tỏa của ngày hội văn hóa- thể thao
(QT) - Mặc dù ngày hội văn hóa- thể thao huyện Triệu Phong lần thứ nhất năm 2015 khép lại cách đây vài tuần nhưng sức lan tỏa của nó vẫn còn đọng mãi trong mỗi người dân Triệu Phong (Quảng Trị). Bởi mỗi hoạt động của ngày hội là một bức tranh thu nhỏ sống động, phản ánh về con người, về cuộc sống lao động sản xuất, thể hiện nét đặc sắc về văn hóa, sức mạnh của thể thao huyện Triệu Phong. Qua đó, mỗi người dân, mỗi địa phương, cơ quan, trường học thể hiện sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, chung tay xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
 |
Làng Nại Cửu, xã Triệu Đông đón nhận danh hiệu Làng văn hóa xuất sắc cấp tỉnh năm 2012 |
Điểm lại nhiều nội dung trong chuỗi hoạt động ngày hội văn hóa- thể thao lần thứ nhất năm 2015 của huyện mới thấy hết sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện của chính quyền, các ban, ngành trong huyện. Bắt đầu chuỗi hoạt động văn hóa- thể thao này là giải bóng chuyền truyền thống. Đây là giải đấu quy tụ 27 đội tham gia và chia làm 2 hạng: hạng A và hạng B, chia thành 6 bảng thi đấu ở các cụm. Thời gian khai mạc vào ngày 16/3/2015, chung kết và bế mạc ngày 17/4/2015. Trong suốt quá trình giải diễn ra, rất nhiều người dân trong huyện, nhất là các xã có đội tuyển tham gia với cờ, hoa, khẩu hiệu cổ vũ tạo nên không khí náo nhiệt, tưng bừng cả vùng quê yên bình. Anh Nguyễn Sơn, quê xã Triệu Đông là thầy giáo dạy môn Thể dục nhiều năm ở Trường PTDT nội trú tỉnh không giấu được niềm vui cho biết: “Với sự cổ vũ nhiệt tình của người dân, với lối chơi sắc sảo của các cầu thủ đã đem đến cho ngày hội một nét đẹp văn hóa trong thể thao, đó là không phải thể hiện sự thắng thua mà vì sự đoàn kết, phát triển”. Cũng giống như giải bóng chuyền, giải đua thuyền lần này đã huy động tất cả 19 xã, thị trấn tham gia, chia làm 2 hạng gồm: 7 xã mạnh có truyền thống tham gia đua thuyền rồng 10 người, 12 xã còn lại tham gia đua thuyền nan 7 người. Với chiều dài hai bên các con sông diễn ra giải đua thuyền từng đoàn người nối nhau kéo dài để cổ vũ và thưởng thức màn đua thuyền quyết liệt mang đậm chất nông dân với vai trần, chân đất hò reo vô tư không chỉ cho đội mình mà còn cổ vũ cho đội bạn cùng hướng về phía trước. Rồi nhiều chương trình văn nghệ khác cũng diễn ra như liên hoan “Giai điệu thống nhất”; mở trại sáng tác ca khúc chủ đề: “Đất và người Triệu Phong”; trại sáng tạo mỹ thuật thiếu nhi huyện; liên hoan “Kể chuyện theo sách”. Mỗi hoạt động tuy thời gian tổ chức, địa điểm, đối tượng tham gia có khác nhau nhưng đều hướng về tình yêu quê hương đất nước. Em Tuấn Quang, học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Đã lâu lắm rồi cháu mới được xem tranh triển lãm do các bạn thể hiện. Mỗi tác phẩm mang một màu sắc khác nhau, một góc nhìn và cách thể hiện khác nhau nhưng đều chung một ý nghĩa, quê hương luôn thanh bình và phát triển đi lên từng ngày”. Để làm nên sự thành công đó, ngay từ đầu năm, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện chủ động tham mưu cho UBND huyện tổ chức phiên họp với các ngành, địa phương triển khai Đề án Ngày hội văn hóa- thể thao và kế hoạch tổ chức các hoạt động lễ hội năm 2015. Sau khi được UBND huyện đồng ý, Phòng VH&TT phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, địa phương và trường học tổ chức các hoạt động văn hóa- thể thao thu hút hàng trăm diễn viên, vận động viên và đông đảo nhân dân tham gia tích cực. Thông qua hoạt động này không chỉ là dịp để quảng bá hình ảnh, mảnh đất và con người Triệu Phong đến với bạn bè trong và ngoài tỉnh trên hành trình hội nhập và phát triển mà còn lưu giữ và phát triển các giá trị văn hóa; đồng thời tạo sân chơi bổ ích cho tất cả người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương. Qua ngày hội này cho thấy, ở đâu có sự quan tâm sâu sát, kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc mạnh mẽ của mặt trận, các tổ chức, đoàn thể... thì ở đó công tác tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao tích cực và có hiệu quả. Trong điều kiện ngân sách dành cho ngành văn hóa thông tin, thể dục thể thao từ huyện đến cơ sở còn hạn chế, thì việc tổ chức vận động tuyên truyền thực hiện công tác xã hội hóa mạnh mẽ sẽ huy động được mọi nguồn lực, mọi người dân hưởng ứng tham gia là nhân tố quan trọng để giữ gìn và phát triển nét đẹp văn hóa quê hương nói chung và làm nên thành công cho ngày hội văn hóa thể thao nói riêng. Đội ngũ làm công tác văn hóa, đặc biệt là cán bộ văn hóa cơ sở phải được đào tạo bài bản, có tâm huyết, gắn bó với phong trào, với niềm đam mê và lòng nhiệt huyết thì sẽ có phong trào phát triển sâu rộng và bền vững. Bài, ảnh: XUÂN VINH